Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị'

TPO - Sáu họa sĩ cùng ở Hải Dương, là bạn đồng học Sư phạm mỹ thuật. Họ đều làm giáo viên mỹ thuật ở các trường phổ thông và cùng ham mê hội họa. 

Ở triển lãm này, cả sáu họa sỹ đều có sự sự lột xác, mỗi người một vẻ, đều thể hiện các tác phẩm của mình bằng phong cách biểu hiện hoặc biểu hiện trừu tượng, rất mới mẻ và đa dạng. Bất ngờ hơn nữa là chủ đề sáng tác của các tác giả lại rất gần nhau, đó là những kỷ niệm xa xưa trong ký ức cá nhân, những câu chuyện thoại huyền của loài người, con người, cảnh tượng trong những giấc mơ... Tất cả dường như đều đắm mình trong thế giới tưởng tượng, vì thế triển lãm có tên là “Mộng mị”

 Phạm Đình Tùng thả trí tưởng tượng của mình với những huyền thoại của loài người, đó là “Vườn địa đàng”, là chốn “Thiên thai”. Lần đầu tiên trong đời anh phóng cọ lên một tấm toan to (150x350 cm) nhưng không bị chùn tay. Sự hòa quện giữa các vệt màu, sự ẩn hiện của hình gây nên hiệu quả thị giác lạ (độ nhòe) và chính vì thế nó tải được các nội dung huyền ảo. Tôi có cảm giác rằng, với cách vẽ như thế này thì tranh càng to anh ấy vẽ càng hay.

Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 1 Phạm Đình Tùng “Thiên thai”, sơn dầu, 146x342, 2019

Làm tác phẩm điêu khắc về những gương mặt của những người không quen, có thể  Nguyễn  Hùng Cường  đã gặp họ thoáng qua đâu đó ở ngoài đời, cũng có thể là sự ám ảnh của những gương mặt mà anh thấy ở trong mơ. Tranh cũng như phù điêu (sơn mài trên gỗ) về các gương mặt “người dưng”  hay phù thủy được làm theo cách bóp méo, dị dạng, ma mị nhưng không vì thế gây cảm giác xa lạ, sợ hãi mà ngược lại, rất đời thường và thân quen.

Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 2 Nguyễn Hùng Cường, “ Phù thủy”, điêu khắc gỗ mít+ sơn mài, 2019

Vũ Văn Long vẽ những giấc mơ của mình bằng cả tranh trừu tượng lẫn tranh biểu hiện. Phụ nữ, tính dục là hình tượng lặp lại trong những giấc mơ của anh ấy: Tiên nga tắm, cơ thể nữ giới khỏa thân cứ hiện lên chập chờn trong tranh anh, trong giấc mơ đẹp hay ác mộng.

Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 3 Vũ Văn Long , “Ác mộng”, sơn dầu 90x140, 2019

Tham gia triển lãm này bằng những bức tranh vẽ về phụ nữ, Văn Trọng không vẽ chiêm bao mà là sự phóng chiếu những ước muốn dục tính. Những  bộ ngực phồn thực và làn da óng ả của những người đàn bà luôn là tâm điểm trong tranh của anh. Cái hay trong bộ tranh đàn bà này của Văn Trọng là sự xung đột tâm lý giữa một bên là mơ ước dục tính trực diện của một người nghệ sỹ và một bên là sự rụt rè yếu bóng vía của một con người xã hội.

Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 4 Văn Trọng, “Vũ công ballet”, sơn dầu, 120x80, 2019
Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 5 Nguyễn Tiến Quân, “ Chốn xưa”, sơn mài, 70x50, 2019

Mỗi bức tranh của Nguyễn Tiến Quân là một kỷ niệm xa, mờ về một nơi chốn, một tình cũ. Anh vẽ sơn mài nhưng lại theo phong cách biểu hiện, một sự đột phá đối với chính anh ấy. Sự ẩn hiện, đan xen giữa các lớp màu, giữa màu sắc với những đường cong thân thể đàn bà, lại được điểm thêm những bông hoa bưởi sẽ cho người xem cảm giác mơ màng, lãng mạn.

Sáu thầy dạy vẽ đắm trong 'Mộng mị' ảnh 6 Phùng Văn Tuệ, “Vô đề”, sơn dầu,120x80, 2018

Phùng Văn Tuệ là một khác biệt trong nhóm nghệ sỹ Hải Dương. Anh chỉ đắm đuối lãng đãng với màu sắc. Tranh của anh là một sự kết hợp khéo léo giữa biểu hiện trừu tượng và tối giản. Những chi tiết được kết nối với nhau tạo nên những mảng màu lớn, tạo ấn tượng thị giác tức thì và cảm tính.

Triễn lãm “Mộng mị” tại Vicas Art Studio diễn ra từ 14 đến 31/3/2019

MỚI - NÓNG