Sở thích phim ảnh của Chủ tịch Kim Jong-un

Lãnh đạo Triều Tiên được cho là thích phim hành động, chủ trương đổi mới ngành điện ảnh để thu hút giới trẻ.

Ngày 24/2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đang trên đường đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ khi nắm quyền Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Jong-un thành tâm điểm dư luận quốc tế. Khác với đa phần chính trị gia phương Tây, Kim ít cởi mở về đời tư. Hầu hết thông tin về thú giải trí của ông được kể qua lời người khác.

Kim Jong-un được nhận định là thích phim ảnh trong thời gian học tại một trường ở Thụy Sĩ. Trên Washington Post, một bạn học của Kim nói ông là người hướng nội, thích xem bóng rổ và phim hành động của Thành Long. 

Sở thích phim ảnh của Chủ tịch Kim Jong-un ảnh 1 Donald Trump và Kim Jong-un gặp gỡ hồi tháng 6/2018 ở Singapore. Ảnh: AFP.

Theo một nguồn khác của Washington Post, thời trung học, Kim hứng thú với sản phẩm văn hóa đại chúng Mỹ, nhất là của hãng Disney. Gu của ông là những nghệ sĩ và tác phẩm vào thập niên 1980, 1990. Theo Telegraph, Kim Jong-un còn thích phim về James Bond (điệp viên 007).

Guardian nhận định từ khi nắm quyền, Kim Jong-un nới lỏng một chút chính sách cấm văn hóa nước ngoài. Nghệ sĩ có thể đóng giả chuột Mickey và gấu Pooh trên đường phố Bình Nhưỡng. Trẻ em quen thuộc với các nhân vật này nhiều năm qua. Ba lô, hộp đựng bút chì, quần áo pyjama nhập khẩu từ Trung Quốc có hình các nhân vật Disney. Câu chuyện về voi bay Dumbo được biên dịch để dạy cho trẻ em. Kênh chính thống chiếu một số hoạt hình phương Tây và Trung Quốc.

Khi Tổng thống Donald Trump và Kim Jong-un gặp gỡ hồi tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ cho chiếu một video dài bốn phút mang phong cách Hollywood, có hình ảnh mặt trời mọc, những đoàn tàu cao tốc ở Triều Tiên, trẻ em vui chơi ở quảng trường Kim Nhật Thành cùng với một số cảnh về tên lửa và binh lính. Nhiều báo Âu Mỹ gọi video này là "trailer phim" với thông điệp Kim nên dừng chương trình hạt nhân để quốc gia phồn vinh. Giới quan sát nhận định đây là hành động có tính toán của Trump sau khi tìm hiểu về lãnh đạo Triều Tiên. "Tôi chiếu nó cho Kim xem ở cuối cuộc họp và nghĩ ông ấy thích nó", Tổng thống Mỹ chia sẻ trên Washington Post.

Báo giới phương Tây nhận định Kim Jong-un hiểu rõ tầm quan trọng của phim ảnh trong tuyên truyền. Theo CNBC, từ khi nắm quyền, ông yêu cầu đài nhà nước sản xuất các nội dung phong phú hơn, trong đó có các phim truyền hình về giới trẻ, công nghệ để thu hút thế hệ người Triều Tiên tiếp theo. Điều này khác với chính sách cũ, khi phim ảnh chủ yếu mô tả cuộc sống quân ngũ và lòng trung thành của binh sĩ.

Ngành công nghiệp giải trí của Triều Tiên từ phương tiện truyền bá tư tưởng đơn thuần trở thành một công cụ để định hình xã hội. Năm 2013, phim Hàng xóm chúng tôi phát sóng, khắc họa khía cạnh đời thường của cuộc sống gia đình, khác những bộ phim trước đó luôn đặt quốc gia lên trên gia đình. Thông điệp yêu nước được lồng vào ở cảnh các nhân vật reo hò, nhảy múa lúc hay tin thử tên lửa thành công. Một phim tên Giá trị khác cũng đề cao tình cảm gia đình, được cho là để tăng sự gắn kết của người Bắc Triều Tiên, ngăn nạn vượt biên. Năm 2015, ông Kim trực tiếp yêu cầu sản xuất series hoạt hình Boy General, kể về một chiến binh Triều Tiên can đảm trong thời phong kiến.

Sở thích phim ảnh của Chủ tịch Kim Jong-un ảnh 2 Kim Jong-un (phải) và cha - Kim Jong-Il (trái). Ảnh: AP.

Kim Jong-un thể hiện tình yêu phim ảnh dè dặt hơn cha mình - Kim Jong-il. Theo CNN, cố lãnh đạo Triều Tiên nổi tiếng mê phim, có hơn 20.000 cuốn phim và DVD. Ông hứng thú với series James Bond, Friday the 13th, Rambo, Godzilla và phim Hong Kong. Hai diễn viên ông hâm mộ nhất là Sean Connery và Elizabeth Taylor. Ở Hàn Quốc, Kim Jong-il yêu thích nữ diễn viên Lee Young-ae (nổi tiếng với series Dae Jang Geum).

Năm 1973, ông Kim viết sách On the Art of the Cinema (Bàn về nghệ thuật điện ảnh), được xem là "kim chỉ nam" cho các nhà làm phim Bắc Triều Tiên cho đến nay. Ông Kim cũng đầu tư hàng triệu USD vào ngành điện ảnh quốc gia và mở Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng vào năm 1987.

Năm 1978, Kim Jong-il cho bắt cóc đạo diễn Shin Sang-ok và vợ - diễn viên Choi Eun-hee - để phát triển điện ảnh Triều Tiên. Họ phải ở lại đây tám năm và sản xuất 17 phim, từ thể loại tâm lý, tình cảm đến kinh dị. Năm 2016, đôi nghệ sĩ công bố các đoạn băng ghi âm Kim Jong-il, hé lộ nhiều chi tiết đời tư cũng như tâm huyết của ông với nền công nghiệp điện ảnh Triều Tiên.

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.