‘Sống chung với mẹ chồng’: Không phải Vân, Trang mới là nhân vật thảm nhất?

Diễn xuất của Trang trong những phân đoạn con gái bị bắt cóc khiến nhiều khán giả sởn gai ốc.
Diễn xuất của Trang trong những phân đoạn con gái bị bắt cóc khiến nhiều khán giả sởn gai ốc.
TPO - Bất ngờ ở những tập gần cuối, nhân vật Trang hóa điên dại khi con gái bị bắt cóc. Có lẽ, đây là nhân vật chịu số phận bi thảm nhất trong phim “Sống chung với mẹ chồng”.

Đến nay, phim “Sống chung với mẹ chồng” đã lên sóng 30/32 tập. Trong đó 28 tập phim chủ yếu nói về mâu thuẫn trong gia đình của Vân - Thanh, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giữa bà Phương và Vân.

Từ những ngày đầu khi Vân ra mắt nhà Thanh cho đến khi tổ chức đám cưới và về sống chung, bà Phương can thiệp một cách thô bạo vào đời sống của đôi vợ chồng trẻ. Đỉnh điểm mâu thuẫn là việc bà Phương đẩy cửa lao vào phòng tân hôn mắng Vân tội đè đầu cưỡi cổ con trai mình.

Tiếp đó, vì mẹ chồng soi mói và đưa chuyện thiếu chính xác, Vân nhận cái tát trời giáng của Thanh. Uất ức và quá sốc, Vân bỏ ra khỏi nhà và muốn li hôn. Tuy nhiên, bố mẹ đẻ Vân không đồng ý cho con gái bỏ chồng.

Sau đó, Vân phải chịu đựng là chuỗi ngày lời ra tiếng vào khi bà Phương liên tục tỏ ra khó chịu và nói xấu con dâu. Là người khá thẳng thắn và cá tính, Vân không chấp nhận cam chịu mà sẵn sàng bật lại.

Bộ phim được đẩy lên cao trào lần thứ hai khi em trai Vân gặp tai nạn và cô đến xin lại mẹ chồng số tiền tiết kiệm cô từng gửi. Không tin Vân, bà Phương và Vân xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Đây cũng là tình huống thứ hai dẫn đến việc Thanh động tay chân với Vân.

Vân quyết định ly hôn và nỗi đau lớn nhất mà Vân phải nhận trong toàn bộ phim có lẽ chính là việc cô mất cái thai trong bụng và phải cắt một bên buồng trứng. Dù hầu hết thời lượng bộ phim đều tập trung nói về mâu thuẫn của Vân với nhà chồng nhưng rốt cuộc nhân vật bất hạnh và chịu nhiều thiệt thòi hơn chính là Trang.

Ngay từ đầu, Trang xuất hiện với thân phận là trẻ mồ côi. Nếu như Vân luôn có bố mẹ, em trai yêu thương và chia sẻ thì Trang chỉ có duy nhất một người bạn thân là Vân. Dù mẹ chồng khó tính nhưng điều kiện gia đình nhà chồng của Vân hơn hẳn nhà Trang. Cô không phải lo toan chuyện nhà cửa, chi phí sinh hoạt hằng ngày… Vân có một công việc ổn định, thậm chí có địa vị còn Trang chỉ là nhân viên bán hàng bình thường.

So với Vân thì Trang là cô con dâu đáng ghét. Nhiều người cho rằng cuộc sống hôn nhân của Trang ổn bởi mẹ chồng hiền lành, chồng tâm lý và luôn nhường nhịn cô. Ngược lại, Trang là người quá quắt, không biết điều và sống cho riêng bản thân mình. Cô luôn kiếm cớ để đuổi mẹ chồng về quê để tận hưởng sự tự do.

Có lẽ nguồn cơn sâu xa của câu chuyện này chính là áp lực phải sinh con trai mà mẹ chồng Trang luôn đè nặng lên vợ chồng cô mỗi ngày. Thậm chí, bà Điều còn tuyên bố nếu không sinh được con trai là nhà vô phúc.

Bên cạnh đó là những trái ngược về quan điểm sống, cách ăn uống, cách chăm sóc bé Đậu phộng cũng khiến mối quan hệ giữa Trang và mẹ chồng căng thẳng hơn. Bi kịch lớn nhất mà Trang phải chịu đó chính là con gái bị bắt cóc. Đây được xem là tình huống gay cấn, nghẹt thở nhất trong phim “Sống chung với mẹ chồng”.

‘Sống chung với mẹ chồng’: Không phải Vân, Trang mới là nhân vật thảm nhất? ảnh 1 Trang điên dại chạy đi tìm con.

Những phân cảnh Trang phát điên dại, kêu khóc có sức ám ảnh ghê gớm và khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Lúc này, chẳng ai để tâm tới bà Phương, tới chuyện tình Vân - Sơn hay Thanh- Diệp như thế nào nữa. Mọi sự chú ý đổ dồn về Trang, về nỗi đau đớn, giày vò mà cô phải chịu đựng.

Cuối cùng thì bé Đậu phộng cũng được tìm thấy, gia đình Trang sẽ vì biến cố đã qua mà thu xếp để ổn thỏa hơn. Tuy nhiên, cú sốc mà Trang phải trải qua được cho là tận cùng của nỗi đau, tận cùng của sự dằn vặt và tận cùng của bi kịch mà một nhân vật trong phim phải gánh chịu. Đúng như diễn viên Thu Quỳnh từng tâm sự, nhân vật Trang không hề đáng ghét mà đáng thương nhiều hơn. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.