Sốt sình sịch với nhóm nhạc chuyển giới

Nhóm nhạc chuyển giới 6 Pack Band. Ảnh: SCMP
Nhóm nhạc chuyển giới 6 Pack Band. Ảnh: SCMP
Bản cover một ca khúc tiếng Anh thu hút hàng triệu lượt xem đã giúp danh tiếng của 6 Pack Band nổi như cồn và khiến nhận thức về người chuyển giới ở Ấn Độ thay đổi.

Người chuyển giới ở Ấn Độ lâu nay vẫn bị xem là một nhóm thiểu số mờ nhạt, hoặc chỉ xuất hiện ở các điểm dừng đèn đỏ để xin bố thí, hoặc làm lễ cầu phúc cho cô dâu, chú rể và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, việc nhóm nhạc pop gồm 6 phụ nữ chuyển giới 6 Pack Band lại là những giọng ca trong một bộ phim Bollywood bom tấn cho thấy rằng hai năm sau một phán quyết mang tính bước ngoặt trao quyền bình đẳng cho cộng đồng người chuyển giới ở Ấn Độ, họ đang được xã hội chấp nhận rộng rãi hơn, dù cơ hội việc làm vẫn hiếm hoi và định kiến vẫn còn.

"Người chuyển giới bị đối xử tệ hơn cả những nhóm thiểu số khác ở nước này.  Thậm chí không ai để ý tới họ", Reuters dẫn lời Ashish Patil, giám đốc Y-Films, công ty thành lập ra nhóm nhạc này, nói. "Đây là một nỗ lực để đưa họ về vị trí trung tâm, để mọi người nhắc đến họ. Tôi quyết định tại sao lại không làm điều đó bằng ca hát và nhảy múa, điều không thể thiếu với truyền thống của chúng tôi".

Có khoảng hai triệu người chuyển giới ở Ấn Độ. Năm 2014, tòa án tối cao nước này phán quyết rằng họ có quyền bình đẳng trước luật pháp và trao tình trạng pháp lý cho giới tính thứ ba. Cùng với quyền kết hôn và thừa kế tài sản, họ cũng đủ điều kiện để làm việc và học tập.

Các phụ nữ chuyển giới, được gọi là hijras, từ lâu được xem là những người mang lại tốt lành và thường được mời đến các đám cưới hay lễ đầy tháng cho trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng và bóc lột người chuyển giới vẫn diễn ra phổ biến.

Thường bị gia đình hắt hủi, nhiều người trong số họ không được học hành tử tế và rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Họ buộc phải dấn thân vào nghề mại dâm, ăn xin hoặc nhảy múa ở các đám cưới để kiếm tiền sinh sống.

Cách đây vài năm, Abhina Aher, một nhà hoạt động, thành lập nên Dancing Queens ở thành phố Mumbai để người chuyển giới và đồng tính nam có điều kiện dùng nhảy múa kiếm sống và thu hút sự ủng hộ.

"Từ khi chúng tôi bắt đầu nhảy, nhận thức của mọi người về chúng tôi tăng lên, sự tôn trọng với chúng tôi, với cộng đồng này lớn hơn", ông Aher, một vũ công Ấn Độ nói. "Trong khi luật pháp chào đón, vẫn còn khoảng cách giữa những quyền được ghi trên giấy tờ và những gì diễn ra trong đời thực. Vẫn còn bạo lực, vẫn chưa đủ cơ hội việc làm".

Bang miền đông Orissa tháng trước trở thành địa phương đầu tiên ở Ấn Độ cung cấp các phúc lợi xã hội cho người chuyển giới như lương hưu và nhà ở. Ấn Độ cũng có những nỗ lực khác để giúp họ hòa nhập với xã hội.

Tại Thane, gần Mumbai, hơn 1.000 người chuyển giới đã được cảnh sát huấn luyện và được gọi là Những Người bạn của Cảnh sát với nhiệm vụ hỗ trợ điều phối giao thông, quản lý trật tự.

Tuy nhiên, nhóm nhạc 6 Pack Band đã làm nên những điều chưa từng thấy trước đó ở Ấn Độ. Ca khúc đầu tiên của họ Hum Hain Happy, được cover từ bản hit Happy của Pharrell Williams, phát hành đầu năm nay.

Trong video Hum Hain Happy, các thành viên trong ban mặc trang phục sặc sỡ, nhảy múa trên nền nhạc Ấn Độ và biểu diễn động tác vỗ tay truyền thống của hijras. Video đạt tới 2 triệu lượt xem trên YouTube.

Một bài hát khác có nội dung về cuộc đấu tranh và dần được xã hội chấp nhận của một phụ nữ chuyển giới cũng thu hút tới 3,5 triệu lượt xem.

Một chiến dịch quảng cáo cho nhóm còn thắng giải ở Cannes tháng trước nhờ thúc đẩy bình đẳng giới thông qua văn hóa. 

"Nhóm nhạc đã hoàn toàn thay đổi cách chúng ta nhận thức về người chuyển giới", ông Patil, người tổ chức các vòng tuyển chọn khắp cả nước để thành lập nên 6 Pack Band, nói. "Quan trọng hơn, họ đang được gia đình và xã hội chào đón và đã tìm ra cách để kiếm sống".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...