Sự sáng tạo kỳ diệu

Sự sáng tạo kỳ diệu
TP - Bà lão một thân một mình đến cái thành phố xa lạ, chẳng có gì ngoài cây gậy và đôi kim đan. Phải bắt đầu cuộc sống mới bằng một đôi giày. Tiếp theo là một tấm thảm, ột cái giường, một tấm đệm. Rồi đến ngôi nhà, bàn ghế… Tất cả đều được đan bằng len.
Sự sáng tạo kỳ diệu ảnh 1

Cần đi ô tô thì đan ô tô. Cần đi máy bay thì đan máy bay. Chưa hết. Trong ngôi nhà ấy, bà lão muốn có những đứa cháu. Thế là hai đứa cháu ra đời, bằng len, một trai một gái.

Vẫn chưa hết. Buổi tối bà cho hai cháu đi ngủ - cái buổi tối được đan bằng những sợi len màu đen. Và, bà còn ngồi cạnh chiếc giường, “bắt đầu đan một mạch giấc ngủ và giấc mơ êm dịu cho các cháu bằng một loại len đặc biệt, len Angora”.

Tuyệt vời! Bằng đôi kim đan và những cuộn len, bà lão không chỉ tái tạo những cái vốn hữu hình, cụ thể. Khó hình dung ra đêm tối, giấc ngủ, giấc mơ bằng len sẽ như thế nào, nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận được sự êm ái, dịu dàng, kỳ diệu của chúng.

Trí tưởng tượng của Uri Orlev bất ngờ làm một “cú” thăng hoa, vượt ra khỏi những bịa đặt thông thường của vô số nhà văn viết cho thiếu nhi khác - những nhà văn có thói quen bắt con mèo con chó, hòn đá cái cây đi lại, nói năng như người, hoặc lặp đi lặp lại mãi “chiêu” nhàm chán là thần tiên hóa, ma quỷ hóa đời sống thực.

Cái kết của câu chuyện gieo ấn tượng mạnh: bà lão âm thầm tháo hết các mũi len đã tạo ra những tác phẩm bất hủ. Ngôi nhà, những bức tường, những tấm rèm, rồi đến những bông hoa, giầy dép, bánh ngọt…

Cuối cùng là hai đứa cháu - hai đứa cháu biết chạy nhảy, nô đùa, cười khóc, thèm được cắp sách tới trường như tất cả những đứa trẻ con khác trên mặt đất.

Vì một nỗi chúng không được những con người bằng xương bằng thịt thừa nhận. Trường học của những con người “đáng kính” ấy không có chỗ dành cho chúng.

Thành phố của những con người “đáng kính” ấy không có chỗ dành cho chúng. Và đất nước “đáng kính” của ngài chủ tịch, ngài thủ tướng “đáng kính” ấy cũng không có chỗ dành cho chúng.

Bà lão thất bại, nhưng không đầu hàng. “Các em đừng lo lắng… Bà sẽ nhanh chóng tìm ra một đất nước khác và sẽ đan lại tất cả”.

Một tác phẩm viết cho thiếu nhi, nếu đọc nhanh chỉ mất chừng mười lăm phút đồng hồ. Nhưng mười lăm phút cũng đủ làm cho trái tim bạn tràn ngập cảm xúc.

Các em sẽ bắt gặp ở đây cả một thế giới đồ vật và con người được tạo ra bằng hai mũi kim đan và những cuộn len của một bà lão, lạ lùng, sinh động, có hồn, chẳng khác gì cái thế giới của con người thật. Những trò nghịch ngợm tinh quái, sự ngộ nghĩnh, hóm hỉnh hợp với lứa tuổi. Và trên hết là tình cảm ấm áp của một người bà dành cho các cháu.

Còn người lớn hẳn kinh ngạc: bằng cách nào mà những vấn đề lớn lao muôn thuở của con người lại được dung chứa trong những trang sách mỏng mảnh và những câu chữ giản dị, đơn sơ đến như thế?

Định kiến hẹp hòi, phân biệt đối xử, sự cô đơn của sáng tạo, tình yêu và niềm hy vọng vô bờ…

(Đọc “Bà già và đôi kim đan kỳ diệu” - Truyện của URI ORLEV, tranh Albert Huynh - Nhà xuất bản Kim Đồng, 2008) 

MỚI - NÓNG