Tản mạn Nguyễn Trọng Tạo

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bìa phải). Từ trái qua là nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác giả bài báo. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bìa phải). Từ trái qua là nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác giả bài báo. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
TP - “Thật hạnh phúc khi vừa là nhạc sĩ vừa là nhà thơ”- sinh thời Nguyễn Trọng Tạo từng nói. Kể thêm về “người hạnh phúc” với những gì tôi biết.

1/Nguyễn Trọng Tạo qua đời không hẳn đột ngột nhưng vẫn gây sốc. Dịp này đọc lại các bài báo cũ về ông mới thấy ông được ưu ái đến thế nào. Rất nhiều người say sưa viết về Nguyễn Trọng Tạo, viết gan ruột và đầy dụng công nên Hoàng Cầm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn, Ngô Minh, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Mỹ Ý...khi nói về thơ và người Nguyễn Trọng Tạo thì câu chữ sinh sắc, đầy phát hiện, đầy tình tiết lý thú.

Bản thân Nguyễn Trọng Tạo cũng rất giỏi khái quát con người mình: “Vẽ tôi con Lợn cầm tinh/Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay”, “Vẽ tôi mực rượu giấy trời/Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau/Vẽ tôi thơ viết nửa câu/Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về”.

Nguyễn Trọng Tạo lĩnh vực nào cũng gặt hái, trời lại cho tiếng tăm tương xứng với thực tài. Thơ, nhạc, họa. Người tài hoa đa mang lắm mối, lang bang giang hồ lữ thứ nhưng đến khi viết báo (văn học, âm nhạc) hoặc báo mạng thì rõ ưu thời mẫn thế chả ngu ngơ tí nào. Ông cũng là người mà báo chí rất thích phỏng vấn. Nhà thơ Thanh Thảo bạn thân ông còn từng bắt đầu bài phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo bằng câu hóm hỉnh “Nghe tin anh mới bị lẫn, chúng tôi lo quá”. (Lúc đó Nguyễn Trọng Tạo mới ở tuổi tri thiên mệnh).

Hồi còn ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo đã nổi tiếng lắm rồi. Từ khi ra Hà Nội năm 1997, đi đến đâu thì tiền hô hậu ủng. Chưa kịp đọc thơ mình đã có người tranh hát bài của ông- mọi người vẫn trêu là Làng quan họ quê choa, bởi ông người Nghệ nhưng lại có bài hát Làng quan họ quê tôi nổi tiếng, nhờ phổ thơ Nguyễn Phan Hách.

Hễ nhắc Nguyễn Trọng Tạo là người ta nhắc Tản mạn thời tôi sống, Đồng dao cho người lớn…Những bài thơ được liệt vào dạng “đổi mới trước cả Đổi Mới”, khái quát được tâm thế của cả một thời. Đến nỗi một câu nghe hết sức bình thường “tin thì tin không tin thì thôi” nhưng một khi đã đi vào thơ Nguyễn Trọng Tạo thì bỗng thành câu cửa miệng, là lập ngôn trong những tình huống phù hợp.

2/Lần đầu tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo là năm 1991 khi mới về báo Tiền Phong, chuyến công tác xuyên Việt lần đầu cùng các đồng nghiệp đáng kính lúc ấy đã là những cây bút tên tuổi: Dương Kỳ Anh, Xuân Ba, Nguyễn Hoàng Sơn. Khi dừng chân ở Huế, chúng tôi tổ chức họp cộng tác viên. Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện cùng một số nhà văn nhà báo khác của cố đô.

Thời sinh viên tôi từng chép thơ Nguyễn Trọng Tạo trong sổ tay, mê nhất bài Không đề: Anh trót để tình yêu tuột mất/Xin em đừng tha thứ hay giận hờn...Ba khổ hay như nhau, với khổ cuối khó mà chê: Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát/Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời/Điều có thể đã hóa thành không thể/Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi.  Một thứ tiếng Việt không có gì cầu kỳ mà vẫn sang trọng đến thế.

Kể cả một bài không nhiều người thuộc bằng Không đề, tôi cũng thấy đồng cảm nên hí hoáy chép vào sổ, bài Anh đã yêu như vậy, khá mộc mạc với kết như sau: Nhưng em ơi giữa muôn trùng biển sóng/Anh đã yêu như vậy ngày ngày/Như yêu em đắm say/Yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát/Bởi anh biết nếu lòng mình đổi khác/Giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây.

Và bây giờ gặp người đây rồi! Nguyễn Trọng Tạo tuổi ngoài 40 mảnh mai, mái tóc quăn nghệ sĩ, điệu bộ khá nhũn nhặn dù đã có phong thái của người nổi tiếng. Họp hành xong thì đến nhà khách ở Lê Lợi chơi với chúng tôi. Sau cuộc đó, ông trở thành cộng tác viên của báo. Cứ mỗi kỳ ra Hà Nội là Tổng biên tập Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) lại thù tiếp khá chu đáo. Uống ăn thì cũng đơn giản thôi, chủ yếu ra mấy cái quán gần cơ quan nhưng có chế độ cộng tác viên hẳn hoi, rồi trợ cấp tàu xe. Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập… những “người sang của nước” khác, hồi ấy mỗi lần ra Hà Nội đều ghé tòa soạn để rồi bài vở chỉ là một phần còn chủ yếu xây dựng mối quan hệ thân tình.

Làm báo văn hóa văn nghệ phải lê la tụ bạ thì mới ra chuyện, ra bài ra vở được. Huống hồ tôi mới tập tọng vào nghề, mà trước mặt thì toàn Thái Sơn cả. Thử tưởng tượng thời sinh viên mà được gặp Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Quán..., có chuyện mà kể cả ngày. Nhưng sớm lê la đàn đúm với các ông anh ông chú nức tiếng khiến tôi đâm nhờn, có biểu hiện gần chùa gọi Bụt bằng anh. Tôi còn nhớ mình gần như mắng, nói với Bảo Ninh những câu như “Anh mà còn để em phải biên tập à” khi thấy một đôi lỗi diễn đạt truyện ngắn mà người lẫy lừng này gửi đến. Rồi các đại danh khác nữa, đều từng bị mình điếc không sợ súng mà cư xử như “người thường”. Hihi không ngông không phải tuổi trẻ.

Thỉnh thoảng các anh có hỏi trêu về thơ thẩn ai đó tặng thì sẽ nghe đáp tỉnh queo “quan trọng gì” và “toàn sái năm sái bảy, tặng ai chả được”. Ca từ kiểu “Anh chỉ có một chiều mưa thôi để nhớ/Một bờ vai một quán nhỏ bình yên…Một chiều mưa bờ vai nhỏ mùa thu” sẽ bị phản biện: “Vai như Trung Đức chứ nhỏ gì”. Bài đặt tên “dễ dãi” là Gửi một tình yêu khả năng cao sẽ bị bĩu môi: “Gửi một tình yêu nhầm địa chỉ thì có”… Nguyễn Thụy Kha phán: “Đó vừa là cái được vừa là cái không được của em, nhé”. Hihi có lý. Văn nghệ sĩ, họ dị ứng những kẻ tỉnh như sáo tắm lắm. Tỉnh thật hay làm ra vẻ tỉnh đều đáng ghét như nhau.

Nhưng hôm nay lần đầu đọc bài Lê Mỹ Ý phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo từ năm 2006 thấy tác giả hé lộ một chút hậu trường bài Nỗi nhớ không tên một cách đầy trân trọng, tôi nghĩ sự tỉnh sáo tắm, “chả coi nghĩa lý gì” của mình thời xửa xưa ấy chưa chắc hay ho lắm đâu:

Lang thang đường phố Huế/nhớ chiều nào xa Vinh/ trời thắp vì sao xanh/ thương nhớ về mắt biếc/ Đường xưa toàn người đẹp/ nay đỏ trời phượng bay/ Huế dầm mưa Nguyễn Bính/ Vinh nắng hừng phương ai/ Còn chi là rượu nữa/ uống hoài mà không say
bia biệt ly quán lạ/ ngả nghiêng bao tháng ngày/ Ngỡ sông là cánh tay/ mát mềm như ngà ngọc/ ngỡ chiều như chiều nay/ gió thổi mùa xanh tóc/ Có một chàng Đơn Độc/bước trên đường Không Tên/có một nàng Hạnh Phúc/ ở số nhà Lãng Quên…

Cái tài của Nguyễn Trọng Tạo là khi ông làm thơ tặng ai thì họ “một mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta” đồng thời “người ngoài” vẫn thấy cái chung rộng lớn, thấy đồng cảm. Chứ Bống bồng ơi của Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vẫn bị riêng tư quá, đến mức ngoài cô Bống Hồng Nhung thì chả ai dám hát.

Còn chi là rượu nữa/Uống hoài mà không say. Câu có vẻ dễ dễ thế thôi nhưng ngoài giỏi uống phải cực nghệ sĩ mới viết được chứ tưởng bỡn. Liên quan đến rượu, Nguyễn Trọng Tạo có câu tuyệt hay này, ai không thuộc nó coi như không biết gì về thơ Nguyễn Trọng Tạo: Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.

Tản mạn Nguyễn Trọng Tạo ảnh 1 Cuộc gặp cộng tác viên Huế của báo Tiền Phong năm 1991: Nguyễn Trọng Tạo ngồi thứ tư từ phải qua. Bìa phải là nhà báo Lê Thanh Hà (Huế) ngồi cạnh tác giả bài báo-DPV. Ảnh: XUÂN BA

Có duyên gặp gỡ sớm như vậy nhưng tôi đối với Nguyễn Trọng Tạo “đắc tội” hơn là trọn vẹn. Ra tập sách mới nào ông cũng gửi tặng, không trực tiếp thì qua người quen nhưng bấn bíu thế nào mà có lúc một lời cảm ơn cũng quên, quên cả viết bài giới thiệu hoặc phỏng vấn. Phần vì thấy xung quanh người này luôn có đủ người quen kẻ thuộc quan tâm săn sóc rồi.

3/Ở đám tang Nguyễn Trọng Tạo tôi lại nhìn thấy họ, những đấng tài danh, người sang của nước. Có người vẫn giữ được thần thái và ngoại hình giống hồi trẻ nhưng số “phải định thần mới nhận ra” có vẻ đông hơn. Đầy người mà mình từng đắc tội. Trần Đăng Khoa chẳng hạn, vừa hỏi đã nói rất say sưa, cho biết đám tang này Nguyễn Thụy Kha chứ không phải Hữu Thỉnh viết điếu văn, và “nói về Tạo dễ lắm, tôi có thể ngẫu hứng đứng trước mi-cro nói một thôi một hồi chứ chẳng cần chuẩn bị trước (điếu văn)”.

Đắc tội với Trần Đăng Khoa, ví dụ hồi anh cưới vợ có gửi thiếp, tôi cứ nghĩ người này chắc mời cả Hà Nội đây, vắng mợ thì chợ vẫn đông, nên là thôi cũng được. Sau đó mọi người kể anh mời ít, rất chọn lọc. Đấy, cả đời chủ quan phán đoán, sai bét cả.

Ở đám tang đó, tôi nhìn thấy cả những tình địch nổi tiếng. Nghĩa là họ cực nổi tiếng trong lĩnh vực của mình (không chỉ văn học), cho nên cũng nổi tiếng với mối tình tay ba, xôn xao làng văn nghệ một thời. Xưa thì “tang thương đến cả hoa kia cỏ này”, giờ thì sao, một cái gật đầu xã giao là đủ. Chẳng cần chờ đến sự ra đi chóng vánh của những người như Nguyễn Trọng Tạo rồi Anh Tú gần đây, chúng ta mới hiểu được sự hữu hạn của đời người, về “có cái chớp mắt/đã nghìn năm trôi”, “điều có thể đã hóa thành không thể” (thơ Nguyễn Trọng Tạo). Đời là thế mà. Vĩnh biệt Nguyễn Trọng Tạo, người đa tài hạnh phúc, một trong những “người ham chơi” nổi tiếng nhất Việt Nam- cùng với Phùng Quán, Hoàng Phủ Ngọc Tường…Một của hiếm làng văn nghệ.

Thông minh vốn sẵn tính trời, nên ngay cả chơi mạng, người này cũng thuộc số dách trong văn giới. Hết blog đến web, Facebook- mở trang nào trang đó đầy người đọc bởi ngồn ngộn thông tin và được tổ chức đầy khoa học. Trong khi nhiều đồng nghiệp đến nhắn tin còn không biết thì Nguyễn Trọng Tạo luôn tự làm mới, không chịu “lưu ban thế kỉ cũ” (chữ dùng của Nguyễn Thụy Kha). Bạn bè nói Nguyễn Trọng Tạo đã sống ba cuộc đời cả thảy- đời thơ, đời nhạc, đời rong chơi. Thật là một người hạnh phúc.  

MỚI - NÓNG