'Thánh khèn' trên đỉnh non

Thầy Quân (phải) mỗi khi rảnh rỗi lại tranh thủ chỉnh Khèn
Thầy Quân (phải) mỗi khi rảnh rỗi lại tranh thủ chỉnh Khèn
TP - Mỗi độ Xuân về, tiếng khèn “giảo” Quân lại rộn ràng nối nhịp, từng âm như nhả, như nuốt ngọt môi, từng động tác quay cuồng nghiêng ngả, người ta bảo thầy đang say, chẳng phải cái say của rượu ngô men lá mà là say khèn; khách đường xa cũng vậy, cũng ngả nghiêng mà say theo từng nhịp bước chân…

Chẳng biết từ bao giờ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nơi vùng Hồ Ba Bể và các xã, huyện lân cận, người ta lại đợi tiếng khèn anh, lại ngóng những bước chân chắc nịch mà uyển chuyển đến lạ lùng của người trai Mông thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, Pác Nặm của tỉnh Bắc Kạn. Dân bản xứ trìu mến gọi anh là “giảo” Quân, “giảo” là cách gọi thầy giáo của họ bởi anh vốn theo nghề gieo chữ. Nghe khèn, ngưỡng mộ mà người ta cấp phong thêm cho anh những: Quân “khèn”, “cao thủ khèn Mông” hay “thánh khèn”…

Khi những nụ đào còn chim chím, những mận mơ vừa kịp bung sắc, Lý Hồng Quân lại mang khèn ra chỉnh, những âm khèn khản trầm nghiêm nghị như lời người già, những thanh cao như gió vọt, những âm bè như tiếng suối đẩy đưa… rồi anh lại trầm ngâm như đá mà ôm khèn ngồi bậu cửa nhìn hút lên mãi những đỉnh non. Người Mông gọi là đỉnh trời vì ở đó cao, ở đó mù sương, ở đó buốt giá, chỉ đá với đá; đời người Mông ai cũng phải leo, phải vượt lên, bởi đó, trong tâm thức người Mông, những đỉnh trời còn là những đỉnh đời. Ðể chinh phục được những đỉnh non không chỉ cần đến sức mạnh, kinh nghiệm, cơ trí mà còn cần hơn cả là những âm thanh núi rừng trong tiếng khèn của những chàng trai Mông, cần những câu hát, tiếng kèn lá của những cô gái Mông bên mom đá đợi bước chân người, “giảo” Quân từng nói với chúng tôi vậy.

Hôm nay, cũng như bao hôm khác, “giảo” Quân lại ôm khèn tựa cửa, song đôi mắt lung lắm, có sự khác, anh không nhìn lên những đỉnh non như mọi khi mà cứ nhìn mãi xuống đôi bàn chân chai sạn. Khách đến gần, gần lắm, khách ngồi, chủ vẫn mải miết ngẫm ngợi chẳng hay. Cô gái chừng mười tám, đôi mươi kế bên phải lay đến ba lần “giảo” Quân mới giật mình ngước mặt.

Không phải khách bản, là khách đường xa - Anh giục - Chuẩn bị cơm nước đón khách nhé!

Cô gái da trắng như bông lê, má hây hây như cánh đào Xuân bẽn lẽn cắp nồi đi vào. Ðã được Phòng - một người bạn của chúng tôi trước đây dạy cùng trường “giảo” Quân dặn trước đấy là vợ anh, nhưng chúng tôi vẫn khá bất ngờ… Ừ mà trai tài, gái sắc, tiếng khèn đã luồn theo vách liếp mà đi vào từng cơn ngủ, thì việc có người vợ trẻ hơn gần ba mươi tuổi như “giảo” Quân cũng đâu lấy gì làm lạ.

Ông Lý Hồng Quân là một

   nghệ nhân tiêu biểu tại cơ sở, bản thân ông luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, hướng dẫn cho thế hệ trẻ hiểu biết về truyền thống, dạy múa khèn… góp phần gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông trên địa bàn huyện, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa tại địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm

Chủ bảo, nay làm khách đường xa nhà mình thì rượu phải uống, cơm phải ăn đấy nhé! Câu chuyện giữa chúng tôi và “thánh khèn” trở nên rôm rả khi “giảo” Quân trải lòng về những món khèn, về cậu trò Hoàng Văn Quang đang theo anh ngày đêm tập luyện những bài khèn khó. Giờ, hai thầy trò đã thuần thục những bài khèn đứng trên vai nhau hay múa khèn trên cọc cao, song anh còn đang tập trung cho một bài khèn rất khó và khá nguy hiểm khác, ấy là khèn trên dây. Mấy ngày nay “giảo” Quân nghiên cứu, nghiền ngẫm mãi, anh bảo, thằng trai Mông núi cao thế còn trèo được, ở được thì chắc cũng sẽ làm được thôi!

Nhớ lại thời trai trẻ, trước những năm 1990, khi còn chưa đi học trường sư phạm, “giảo” Quân cho biết, anh cũng đã rất đam mê, nhiều lần thử khèn song chưa có điều kiện để theo học. May mắn, khi ra trường anh được phân công về dạy tại Lủng Phặc, nơi 100% đồng bào Mông sinh sống. Ở đó ngoài công việc, anh còn có rất nhiều bạn khèn; rồi lại được ông cậu trong nhà là thầy Ðức truyền dạy thêm cũng như được bổ túc từ ông Hoàng Minh Tân (Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn Mông thôn Bản Nghè, Cổ Linh, Pác Nặm). 

Ấy mà khèn đang tới độ, Xuân đang vui thì đùng cái đồng bào Mông ở Lủng Phặc ùn ùn theo đạo, bỏ khèn, bỏ sáo, bỏ ban thờ, bỏ cả những câu dân ca ngọt như mật mía mà hát thánh ca, mà chơi đàn Oóc. “Giảo” Quân ngác ngơ, quặn lòng mỗi khi khèn chẳng ai buồn đáp. Mùa Xuân khi ấy chừng chỉ ngang qua Lủng Phặc chứ không dừng lại khi đồng bào Mông nơi này quay lưng lại với truyền thống, với bản sắc cha ông. Mùa Xuân đi nhanh lắm, nhanh hơn cả con nai rừng trúng tên. Những bài khèn, những câu dân ca, những lời kèn lá, sáo Mông lăn lóc trượt trôi, “giảo” Quân nhận cả cho mình.

Mỗi dịp hội Xuân, “giảo” Quân vẫn lấy khèn ra thổi, những âm thanh cứa lòng quặn xót. Anh kiên trì lần đến các hội Xuân, và rồi đồng bào Mông đã cởi lòng nhận lại những thanh âm của núi rừng, của cha ông khiến “giảo” Quân say trong hoan vui, say trong tình Xuân nồng ấm. Những người trước là thầy anh giờ thán phục, ngợi khen. Ðộng tác khèn “giảo” Quân độc, lạ và hết sức phức tạp. Nhớ lần đầu tiên tiếng khèn anh xuất hiện ở Hội Xuân Hồ Ba Bể năm 2014. Khi đó, cả một góc hồ như trũng xuống bởi “thánh khèn” đã kéo rầm rập bước chân của du khách đến với những âm hưởng dân ca Mông. Những cô Tây ngẩn người mê mải, rồi họ chụp ảnh, rồi họ học khèn, rồi họ múa khèn cùng anh…. Giờ đây, hội Xuân vùng hồ Ba Bể hay Hội Mù Là của huyện Pác Nặm đều không thể thiếu tiếng khèn “giảo” Quân. Huyện, tỉnh đều biết “giảo” Quân, các thiếu nữ Mông thì đắm đuối mải mê đến chẳng cả biết đường về bản.

Bên chén trà nóng hổi trong căn phòng bé tẹo teo như một lán nương mà vợ chồng “giảo” Quân thuê để dạy học cho gần trường, sát ngay Chợ bò Nghiên Loan của huyện Pác Nặm, chúng tôi trêu cô vợ trẻ của “thánh khèn” rằng, khèn hay như “giảo” Quân thì rất dễ bị người ta bắt mất, thế có sợ không? Cô vợ trẻ mủm mỉm cười nhỏn nhẻn, nó đi mình cũng cùng đi mà.! 

Từ dạo có cô gái trẻ theo xách khèn, nâng khăn, mỗi độ Xuân về nơi non cao Pác Nặm hay vùng hồ Ba Bể, người ta thấy vợ chồng “thánh khèn” cùng cậu trò lủng lẳng đồ nghề trên lưng vượt đèo góp hội. Hội Xuân của người Mông với những điệu khèn cuồng say trong trùng trùng chân bước, trong lớp lớp thanh âm của những bài dân ca Mông đắm mê lòng người. Và hẳn nhiên, “thánh khèn” cùng cậu học trò của mình lại say, say trong từng âm gió, say trong từng động tác hình thể để những âm hưởng núi rừng được cất lên rộn rã trên những đỉnh núi.

'Thánh khèn' trên đỉnh non ảnh 1 Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm
MỚI - NÓNG