Thế giới đài các trong "7 ngày trên sa mạc"

Thế giới đài các trong "7 ngày trên sa mạc"
TP - Người viết Việt, sống trên đất Việt, bạn đọc cũng đa phần là người Việt thì nên viết sao cho gần gũi hơn.
Thế giới đài các trong "7 ngày trên sa mạc" ảnh 1
Di Li

Di Li viết khỏe, viết nhiều thể loại. 7 ngày trên sa mạc là truyện dài, về mặt nào đó nó như xương sống của tập truyện mới cùng tên này (Nxb Văn học và Cty Phương Đông).

Truyện được viết theo lối phân mảnh, đan xen hai tuyến, tạo ra sự đối lập so sánh tự nhiên giữa hai thế giới. Một là thế giới kinh doanh với vị thần tối thượng là đồng tiền không tình nghĩa và hai là thế giới của các vị sư với đời sống tinh thần và sự giải thoát tối thượng.

Đó là tuyến những biến cố, hành động khi vụ lừa đảo tình tiền ngoạn mục xảy ra, dẫn đến sự sụp đổ công ty của Trác và Chuyên về lĩnh vực sở hữu tài chính... truyện kể về quá trình tu tập (7 ngày) của Trác, trong đó anh ta có cơ duyên được tiếp cận với một vị sư thầy cao minh đắc đạo.

Rồi anh ngộ ra được nhiều điều về cuộc sống, về cái chết, về những giá trị cuộc đời...

Để viết một câu chuyện như 7 ngày trên sa mạc, tôi nghĩ Di Li đã dày công đầu tư tìm hiểu về đạo Phật, về công việc đầu tư, làm ăn. Như mọi truyện của Di Li, 7 ngày trên sa mạc đầy ắp những tình tiết, tất cả được mô tả rõ đến hoàn hảo.

Điều này có tác dụng rất lớn trong việc thuyết phục niềm tin của người đọc, khiến họ bị hút vào câu chuyện hư cấu mà như lạc vào một thế giới thực. Để rồi từ đó, tác giả lồng vào những điều mình muốn nói.

Ở đây, có lẽ tôi sẽ không nhiều lời về các thông điệp mà tác giả muốn lồng vào, ý tại ngôn ngoại phía sau câu chuyện.

Tuy nhiên, cũng dễ thấy có những vấn đề lớn như sự gian trá bạc ác của đồng tiền, cái bẫy chết người đằng sau sự quyến rũ của cái gọi là tình yêu và thể xác, rồi sự cao minh của những người dày công tu tập...vv và vv...

Trong truyện này, Di Li cũng đã dày công thể hiện tâm lý, phần hồn nhân vật. Đặc biệt, nhân vật Suzi được tả khá thành công. Tuy nhiên, nhân vật Trác lại không được như thế.

Toàn bộ câu chuyện cũng có những mắt xích yếu, người đọc khó tính có thể nảy sinh những câu hỏi khá lớn, như:

Vì sao nhân vật Trác lại hiền lành, ngây thơ đến thế (có thể hiểu ở đây là do sự cuốn hút của người đàn bà con mồi?), vì sao một người lạnh lùng sành sỏi như Chuyên lại không áp dụng những thủ đoạn và xuống tay ghê gớm dù anh đã sớm biết mưu đồ kia? Truyện cũng cho thấy phần nào sự lưỡng lự, giằng xé trong nội tâm của Suzi - người đàn bà chim mồi, nhưng chưa đủ...

Thế giới đài các trong "7 ngày trên sa mạc" ảnh 2

Trong 7 ngày trên sa mạc cũng như trong phần lớn các truyện của Di Li, thế giới thượng lưu luôn hiện ra lồ lộ. Đó là những khu khách sạn hay resort nghỉ dưỡng, nơi có chế độ phục vụ chăm sóc khách hàng thật vương giả; là những bữa tiệc sang trọng, nơi các yếu nhân chính khách cụng ly và bàn những chuyện ảnh hưởng đến nhiều nhiều người; là những bộ trang phục đắt tiền, do các hãng thời trang nổi tiếng cắt may, là nước hoa, là kim cương..., là khiêu vũ... Tuy nhiên, thế giới này trong truyện của Di Li cũng ẩn chứa đầy bất an, lọc lừa, xảo trá.

Quyền chọn gì để viết là quyền tối thượng của nhà văn. Tuy nhiên, cách chọn lựa của Di Li khiến nhà văn tuy đã chọn một cách tiếp cận rất hấp dẫn - đó là kỳ ảo, là trinh thám - nhưng vẫn hàm chứa một cái gì đó xa lạ trong số đông bạn đọc hôm nay.

 Chẳng hạn, ngay trong 7 ngày trên sa mạc, bối cảnh là nước ngoài, nhân vật cũng là người Việt sống ở nước ngoài, những ngôi chùa Thái với những kiểu cách lễ nghi tôn giáo khác... Nếu nhìn dưới khía cạnh đi du lịch bằng truyện thì cũng thú vị.

Tuy nhiên, ở đây có một con thò lò hai mặt: những câu nói, lời bài hát tiếng Anh, tiếng Pháp... nhưng nền văn minh khác có thể gây hấp dẫn, nhưng tôi nghĩ, về cơ bản, bạn đọc người Việt vẫn thích những gì viết về họ ngày hôm nay, những câu chuyện trên mảnh đất này, những gì mà số đông quan tâm và hiểu biết...

Dù về cuối, tác giả cho nhân vật chính hướng về quê hương, thậm chí quê hương ở đây như một điều cứu chuộc sự khốn khổ mất mát của anh. Tuy nhiên, tình tiết này lại gượng ép, nhẹ cân.

Câu chuyện này cũng như khá nhiều truyện của Di Li chưa rõ được tính Việt. Người viết Việt, sống trên đất Việt, bạn đọc cũng đa phần là người Việt thì nên viết sao cho gần gũi hơn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.