Thị trường nhạc online: Nhanh nổi, dễ chìm

Sơn Tùng M-TP, ca sỹ hàng đầu về phát hành nhạc online tại Việt Nam hiện nay
Sơn Tùng M-TP, ca sỹ hàng đầu về phát hành nhạc online tại Việt Nam hiện nay
TP - Cách đây chừng chục năm, việc một ca sỹ xuất hiện trên online chỉ là hiện tượng và thường bị coi là nghiệp dư. Giờ đây, khi công nghệ số phát triển như vũ bão, âm nhạc online được coi như một xu thế thời thượng, nếu không lựa chọn nó, nhà sản xuất dễ bị gạt ra rìa.

Thế giới nhạc online

Trước đây, để được công chúng biết tới, nhà sản xuất âm nhạc chỉ có con đường lựa chọn xuất hiện trên truyền thông, tham gia các dự án âm nhạc hay tham gia các show âm nhạc. Bởi vậy, nhiều ca sỹ phải kiên trì nhận hát lót, kiên trì bám theo các bầu show tỉnh lẻ để gây dựng tiếng tăm. Những ca sỹ nổi tiếng như Thế Sơn, Lê Tuấn đã từng phải hát lót nhiều năm ở tụ điểm ca nhạc Trống Đồng trước khi nổi tiếng. Một vài ca sỹ còn chấp nhận gây dựng tiếng tăm bằng việc dán tờ rơi quảng cáo trên cột điện, bỏ tiền chào hàng ở hội chợ, quầy loto…. Và để lên ngôi, họ còn phải bỏ tiền phát hành album, đi bán dạo khắp cho khán giả. Thậm chí còn phải tạo scandan để cho album được giới in lậu để mắt tới mới mong có được khán giả biết tên tuổi. 

Nhưng ở thời buổi online thì mọi thủ tục tỏ ra dễ dàng và giá cả rẻ hơn rất nhiều, tự dàn dựng MV, tự phát hành trên mạng. Chất lượng giọng hát thì đã có công nghệ chỉnh âm để chỉnh sửa, ca khúc thì chỉ cần gây sốc, khiến người xem tò mò là… ngon lành. Bởi vậy nhiều ca sỹ đã đi lên từ con đường này như kiểu Vọng cổ teen, Da nâu, Ông xã em number one… Chỉ cần một cú sốc, lượng view có thể tăng từ vài triệu cho tới vài chục triệu. Và sau một vụ đình đám như thế là có thể ung dung đi hát, đi sự kiện và mang mác ca sỹ. 

Âm nhạc online này đã làm xuất hiện một thế hệ ca sỹ, nhạc sỹ theo kiểu mới. Tuy nhiên theo thời gian tính đào thải rất cao của thị trường cũng đã làm nhiều ca sỹ “lặn mất tăm hơi”, chỉ còn những ca sỹ thực sự có thực lực và những dự án đầu tư có bài bản. Trong số ít này có những ca sỹ đã vươn lên trở thành những ngôi sao thực sự trên thị trường Vpop như Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Thuỳ Chi, Bảo Thi, Đông Nhi, Khổng Tú Quỳnh… Với những ca sỹ này, sau khi thành danh họ đều thừa nhận thị trường nhạc online không hẳn dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Nổi danh thì rất nhanh nhưng cũng dễ bị lãng quên ngay nếu không liên tục duy trì phong độ, và chỉ nếu một sản phẩm âm nhạc không hút khách thì họ sẽ bị chìm nghỉm ngay trong vùng biển... ca sỹ online. 

Thị trường nhạc online: Nhanh nổi, dễ chìm ảnh 1 Một trang nhạc online. Ảnh: N.T

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản giấc mộng của nhiều người khi hàng ngày hàng giờ, trên online vẫn xuất hiện những gương mặt lạ tự xưng là ca sỹ. Nhiều trang âm nhạc cũng tranh thủ MR cho vài ca sỹ không tên tuổi… Dù rằng nhiều show âm nhạc, nhiều sân khấu, tụ điểm đã phải đóng cửa vì không còn khách nhưng lượng ca sỹ mới vẫn xuất hiện liên tục đủ để cho thấy âm nhạc online vẫn hấp dẫn với nhiều người. 

Khó thu tiền 

Nếu trên thế giới Apple Music, Google Music, Tidal, Spotify đang nổi đình nổi đám… thì ở Việt Nam cũng xuất hiện rất nhiều những trang nhạc số: Zing MP3, Nhacso, Nhaccuatui, Chiasenhac… Trong đó được đầu tư mạnh mẽ nhất là Zing MP3 khi trang nhạc này không chỉ là nơi để các ca sỹ giới thiệu ca khúc mới mà Zing còn xây dựng thành trang trực tuyến với đội ngũ fan hùng hậu cùng bảng xếp hạng mang tính chuyên nghiệp theo dõi lượt nghe, lượt tải và các show diễn căn cứ theo sự bình chọn, xếp hạng của các ca khúc, các ca sỹ hàng năm. Với hơn 50 triệu khách hàng thường xuyên cùng hơn 12 triệu lượt truy cập hàng ngày, Zing MP3 hiện là nguồn phát hành lớn nhất cho rất nhiều ca sỹ tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, sự khác biệt với những trang mạng nổi tiếng khắp thế giới là tại Việt Nam, vấn đề thu phí sử dụng nhạc gặp khá nhiều khó khăn. Nếu như trên thế giới bình quân có khoảng 30%- 32% người nghe nhạc chấp nhận trả tiền để sử dụng thì tại Việt Nam, con số này chỉ chưa tới 10%. Đây là điều mà các trang nghe nhạc trực tuyến khi mở rộng thị phần tại Việt Nam phải chấp nhận. Dù rằng phí nghe nhạc tại Việt Nam thường rất thấp so với quốc tế nhưng theo thói quen nghe nhạc miễn phí trước đây cũng như việc sử dụng thẻ thanh toán chưa phát triển mạnh tại Việt Nam dẫn đến tình trạng này. Theo đại diện của trang nghe nhạc trực tuyến Spotify, khi mở rộng thị trường tại Việt Nam, Spotify đã xác định đẩy mạnh doanh thu chủ yếu qua quảng cáo. “Chúng tôi áp dụng phí chỉ 59 ngàn đồng/tháng cho khách hàng nghe nhạc sạch và với khách hàng nghe nhạc miễn phí thì phải chấp nhận nghe nhạc kèm quảng cáo. Đó là sự sòng phẳng trong hoàn cảnh ở Việt Nam”- Bà Joana Wong, đại diện Spotify cho biết. 

Thói quen nghe nhạc miễn phí của người tiêu dùng Việt đã gây khó cho các trang nghe nhạc trực tuyến vì nguồn thu từ quảng cáo không đủ bù đắp. Trang Nhacso (Trang nhạc online nổi đình đám một thời) đã phải đóng cửa. Còn theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện Trung tâm cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí tác quyền tại các trang nghe nhạc trực tuyến cũng chính từ lý do trên. 

Theo đánh giá của đại diện Spotify, hiện doanh thu từ nhạc trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, nhưng với hạ tầng internet đang phát triển mạnh tại Việt Nam và số lượng người truy cập mạng chiếm đến 70% dân số thì đây sẽ là thị trường tiềm năng cho các trang nhạc online. “Chúng tôi tin rằng trả tiền để nghe nhạc sạch sẽ được khán giả Việt chấp nhận trong tương lai bởi đó là xu thế chung của thế giới’- Đại diện Spotify cho biết. 

Sự khác biệt với những trang mạng nổi tiếng khắp thế giới là tại Việt Nam, vấn đề thu phí sử dụng nhạc gặp khá nhiều khó khăn. Nếu như trên thế giới bình quân có khoảng 30%- 32% người nghe nhạc chấp nhận trả tiền để sử dụng thì tại Việt Nam, con số này chỉ chưa tới 10%. Đây là điều mà các trang nghe nhạc trực tuyến khi mở rộng thị phần tại Việt Nam phải chấp nhận.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.