Thiên nga đừng sợ!

Thiên nga đừng sợ!
TP - Không đợi đến bây giờ Hồ Gươm mới có bóng dáng thiên nga. Mà từ hơn 80 năm trước, đã có một “cặp” thiên nga bơi lội ở đó. Chính là thi sĩ Nguyễn Vỹ (tác giả của “Nhà văn An nam khổ như chó”) và nàng Mộng Sơn - nữ sĩ đến từ phủ Lạng Thương!

Thì đây, theo lời Nguyễn Vỹ: “Trong một số báo đặc biệt mùa hè, Tuấn Trình (tức nhà thơ Thâm Tâm – tác giả “Tống biệt hành”- T.S) vẽ một cặp Bạch Nga bơi trên hồ Hoàn Kiếm và ghi ở dưới: “Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn…”. Là do “cặp” này (cùng với Trương Tửu) năm 1936 lập ra trường thơ Bạch Nga đã đi vào văn học sử. Nguyễn Vỹ cũng từng gọi nàng Sơn Tiên (tức Mộng Sơn) yêu quý là “con bạch nga duyên dáng kêu vang dưới ánh hồng trên hồ Hoàn Kiếm”.

Bạch Nga - Le Cygne là thiên nga, nhớ nhé! Đừng lộn với Bạch Nga hay Bạch vệ trong tiểu thuyết Liên Xô một thời. Loài thủy điểu được chọn làm biểu tượng cho Tao đàn nổi tiếng về thơ tân hình thức, thơ thị giác đầu tiên trong thơ Việt chính là thiên nga. Thiên nga trắng. Có lẽ bởi nét uyển chuyển thanh tao trong dáng điệu…

Sau này vào Nam, Nguyễn Vỹ cũng là người đứng ra đổi tên Grand Lac (Hồ Lớn) ở Đà Lạt từ tiếng Pháp thành Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương bây giờ cũng đầy bóng thiên nga khổng lồ. Mà dân gian vẫn cưỡi lên ngao du sóng nước rồi gọi là…vịt đạp!

“Ai gạt giùm ta trục địa cầu/Xoay về bên trái của châu Âu?/ Cho ta chung một vòng kinh tuyến/Không sợ thời gian chia cách nhau”. Giờ thì với phong lá đỏ và thiên nga (chắc chỉ cần thêm ít…tuyết nữa!) Hà Nội của chúng ta đã gần với Âu châu như mơ ước của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Cũng bởi nhắc đến thiên nga, mới nhớ chuyện. Số là năm 1959, nhân đại hội thi ca thế giới, thi sĩ Vũ Hoàng Chương được mời sang Bỉ - quê hương của bầy thiên nga Hoàn Kiếm/Thiền Quang bây giờ. Tại đây, “ông hoàng thơ say” đã mê mẩn một nữ sĩ phương Tây. Để rồi đặt tên ngay cho trái tim nàng là “Chiếc thiên nga trắng”. Đúng là trái tim các nhà thi sĩ muôn đời mang dáng dấp thiên nga.  

Thế nhưng thiên nga nhập khẩu về thủ đô đã bị lùa từ hồ này sang hồ nọ. Từng đội công nhân quần quật canh gác đêm ngày, sợ bị thiên hạ túm lên đánh…tiết canh!

Họa sĩ, tiến sĩ Sử, giáo sư “rùa” phản đối, thì đã có nhà thơ bênh vực. Như Nguyễn Quang Thiều: “Chuyện thả thiên nga cũng như chất thử ứng xử văn hóa của người Việt. Tác động tới nhận thức của con người cần từng bước. Chúng ta cứ làm và cứ nghĩ tới điều tốt đẹp, văn hóa Việt có nhiều lỗ hổng và đây cũng là một cách hàn gắn”.

Khoan nói đến những cú “giật mình” thon thót của nhà quản lý trước sóng gió dư luận, thì văn hóa tiếp nhận của chúng ta là rất có vấn đề. Tỷ như với U23 sướng thì thật. Nhưng có điều chúng ta sướng lâu quá. Đâm ngộ nhận lung tung cả.

Nhưng thiên nga ạ! Ý tưởng đưa các em về bơi lội trên hồ Hoàn Kiếm xuất phát từ các thi sĩ từ thế kỷ trước, chứ không phải các nhà động vật học bây giờ. Nhà thơ xứ Việt bây giờ đông lắm, nên đừng sợ!

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.