Tôi theo Trần Hòa Bình đi 'gỡ rối tơ lòng'

Chuyến đi điền dã của Khoa Báo chí - Học viện BC & TT tại Cao Bằng. Từ phải sang: Văn Giá, Trần Hòa Bình, Hà Huy Phượng
Chuyến đi điền dã của Khoa Báo chí - Học viện BC & TT tại Cao Bằng. Từ phải sang: Văn Giá, Trần Hòa Bình, Hà Huy Phượng
TP - Vui nhất lúc đó, tôi chưa có mảnh tình vắt vai, còn Trần Hòa Bình thì đang bị vợ chuẩn bị bỏ. Ấy thế mà hai anh em dám đi gỡ rối các cuộc tình cho cánh trẻ. Thật là ma mị.

Tôi đến với báo Tiền Phong không phải do tự đến, mà qua nhà thơ Trần Hòa Bình. Lúc ấy tôi học cao học trong Sư phạm. Nhà thơ Trần Hòa Bình sống trong tập thể trường. Mấy anh em líu ríu no đói bên nhau.

Lúc bấy giờ Trần Hòa Bình được giao giữ mục “Tầm Thư”, chuyên giải đáp ngàn lẻ khúc mắc chuyện tình. Anh ấy bảo có cái mục hay lắm, chú viết cùng với anh cho vui, anh nhiều việc quá, làm không xuể. Thế là tôi viết.

Bấy giờ chị Chu Thúy Hoa đang làm chân biên tập ở đó. Chị đón nhận bài của chúng tôi, sửa sang rồi đăng. Cánh chúng tôi đi học đói dài đói rạc. Mỗi lần đến nộp bài, được lĩnh nhuận bút là vô cùng sung sướng. Có lần, đến lĩnh nhuận bút, hy vọng có đôi đồng trang trải tiền học tiền sách tiền ăn, thế nhưng kế toán chưa lên danh sách, hoặc có danh sách rồi, nhưng sếp chưa kịp ký. Thế là treo niêu. Thấy bộ dạng tôi lúng túng, chị Hoa lại cười cười bảo: “Nhuận bút chưa có à? Có cần không thì chị tạm ứng cho ít mà tiêu”. Ôi, bà chị, bà Bụt của em, thế thì còn gì bằng nữa…

Viết mãi mục “Tầm Thư” cũng chán. Chán bởi vì, nỗi mình còn chả ăn ai, lại còn đi gỡ nỗi người. Nói theo cách nói dân gian: “Ốc không mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu”.

Sau đó, Tòa soạn ra thêm ấn phẩm Người đẹp. Thế là lại có mục mới: “Thơ tình cho lứa đôi”. Công việc của hai anh em tôi là chọn cho mỗi số một bài thơ tình thật hay, ta tây đều được, và kèm theo lời bình thật ngọt, ngắn thôi, để dụ cánh trẻ yêu nhau mà tìm đến thơ; hay cũng có thể tìm đến thơ để được yêu nhau. Cứ thế, chúng tôi thay nhau đi được có dễ đến dư trăm số. Sau này nhìn lại, hai anh em dự định tuyển lại các bài thơ tình có lời bình đó để dựng thành quyển sách, tin là sách sẽ bán chạy như tôm tươi. Nhưng dự định mãi mãi chỉ là dự định…

Tòa soạn ra thêm ấn phẩm Người Ðẹp. Thế là lại có mục mới: “Thơ tình cho lứa đôi”. Công việc của hai anh em tôi là chọn cho mỗi số một bài thơ tình thật hay, ta tây đều được, và kèm theo lời bình thật ngọt, ngắn thôi, để dụ cánh trẻ yêu nhau mà tìm đến thơ; hay cũng có thể tìm đến thơ để được yêu nhau.

Cộng tác viên được Tòa soạn đối đãi tử tế lắm. Cộng tác viên được chia làm 2 hạng: hạng 1 là hạng cộng tác viên thường xuyên, có trợ cấp đều hàng tháng, và những kỳ cuộc Tết nhất, lễ lạt đều được chia quà. Còn loại 2 là loại không thường xuyên. Như Trần Hòa Bình và tôi được coi là loại 1. Mỗi lần họp hành, lễ lạt, chúng tôi đều có mặt. Họp xong lại liên hoan. Khi về lại có quà, túi to túi nhỏ. Những lúc ấy thấy lòng hoan hỉ. Chúng tôi đi về với Tiền Phong như thể đi về nhà mình, thân quen từ các sếp cho đến chị kế toán, đến người bảo vệ. Lắm hôm tiêu pha quá đà, hết tiền lại đến nói nhỏ với chị Hoa, với em Hiền cùng phòng đỡ đần một món. Chả bao giờ mọi người lại từ chối chúng tôi.

Thời chúng tôi cộng tác, nhà thơ Dương Kỳ Anh đang là Tổng Biên tập. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn phụ trách phần văn nghệ. Thỉnh thoảng tôi viết đôi bài giới thiệu sách, hoặc viết bài bình luận nho nhỏ về văn nghệ hiện thời đều qua tay nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn hết. Anh là người kỹ trong việc dùng bài vở. Mỗi lần bài lọt qua con mắt anh, tôi lấy làm sung sướng lắm.

Ngày ấy, những năm cuối 90 của thế kỷ XX, nhà văn Vũ Bằng vẫn đang còn bị nghi oan đủ chuyện. Dư luận cho rằng ông là nhà văn phản động, có tội với dân tộc. Sách vở của ông đã tái bản vài cuốn, nhưng rất cầm chừng, thậm chí bị biên tập một cách không thương tiếc. Ví dụ cuốn “Bốn mươi năm nói láo”, khi NXB Văn hóa - Thông tin in ra đã tự động sửa thành “Bốn mươi năm làm báo”…

Do công việc có liên quan, tôi đã công phu sưu tầm, nghiên cứu, tìm gặp nhân thân và những người đồng đội hoặc quen biết của Vũ Bằng lấy tư liệu, để rồi tôi công bố một loạt bài viết chứng minh Vũ Bằng là một nhà tình báo trong đường dây tình báo cách mạng Sài Gòn, một tình báo nằm vùng, làm liên lạc nội tuyến (chứ không phải tình báo dao găm súng lục); rằng văn chương của ông là văn chương yêu nước, yêu dân tộc; rằng ông đang bị hiểu lầm, bị quy oan… Khi đem những bài báo ấy đến cho anh Nguyễn Hoàng Sơn, anh thích lắm và cho đi liền mấy số. Như vậy, báo Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đã có công chiêu tuyết cho nhà văn Vũ Bằng, nhờ vậy ông được trở về với văn chương dân tộc, với di sản tinh thần dân tộc.

Sao mà giữa nhà báo của Tòa soạn và  cộng tác viên lại thân tình đến thế! Sau ít năm, tôi cưới vợ, trong ngày cưới, vợ chồng chị Hoa đã đến dự lễ cưới của tôi. Hôm tôi sang mời chị, chị còn hỏi thế có đủ tiền cưới vợ không, nếu có gì thì bảo chị nhé, đừng ngại. Ôi tấm lòng bà chị, như thể bát cơm Phiếu Mẫu trong truyện cổ ngày xưa…

Thế mà thấm thoắt đã gần ba chục năm trời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn là một cộng tác viên của Tiền Phong qua việc đặt hàng của Lê Anh Hoài người tiếp tục phụ trách tờ Tiền Phong Chủ nhật, tuy sự cộng tác không còn năng suất như trước nữa, phần do bận, phần vì lười. Nhưng hễ tôi có bài gửi đến, thể nào mấy hôm sau cũng đã lại thấy trang trọng trên mặt báo. Mỗi lần cầm tờ báo có bài của mình trên tay, lòng tôi vẫn nguyên sơ như những ngày cùng với nhà thơ Trần Hòa Bình đi “gỡ rối tơ lòng” cho các đôi lứa yêu nhau…

         Ngày 11/8/2018

_____

(*) PGS - TS, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí - ĐH Văn hóa Hà Nội

Tin Phong là t báo đầu tiên chiêu tuyếcho nhà văn Vũ Bng

Do công việc có liên quan, tôi đã công phu sưu tầm, nghiên cứu, tìm gặp nhân thân và những người đồng đội hoặc quen biết của Vũ Bằng lấy tư liệu, để rồi tôi công bố một loạt bài viết chứng minh Vũ Bằng là một nhà tình báo trong đường dây tình báo cách mạng Sài Gòn. Tiền Phong Chủ nhật lập tức cho đi liền mấy số. Như vậy, báo Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đã có công chiêu tuyết cho nhà văn Vũ Bằng, đưa ông trở về với văn chương dân tộc, với di sản tinh thần dân tộc.

MỚI - NÓNG