Trần Kim Ngọc với 'Hồ Nguyệt Cô hóa cáo'

Kim Ngọc (trái) và các nghệ sĩ vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Ảnh Tư liệu.
Kim Ngọc (trái) và các nghệ sĩ vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Ảnh Tư liệu.
TP - Tối 6/4/2018, khán giả TPHCM mãn nhãn khi thưởng thức tác phẩm “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của nhạc sĩ Kim Ngọc được trình diễn tại đây. Trao đổi với phóng viên, Kim Ngọc cho biết: “Ðây là một tác phẩm quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp của tôi”.

Âm nhạc “Thôi miên”

Kim Ngọc là một trong những nhạc sĩ thể nghiệm tiên phong của Việt Nam từ những năm 1990 nhưng phần lớn tác phẩm của cô được trình diễn ở Hà Nội. Những năm gần đây, khi nhạc thể nghiệm tại TPHCM khá phát triển, Kim Ngọc cũng có nhiều cuộc biểu diễn hơn tại thành phố phương Nam và tối 6/4/2018 cũng ghi nhận một khán phòng không còn chỗ trống dù buổi diễn được bắt đầu từ lúc bảy rưỡi tối, một khung giờ lạ đối với người Sài Gòn.

Tiếng là âm nhạc thử nghiệm nhưng xem ra công sức làm việc của các nghệ sĩ bỏ ra không nhỏ. Kim Ngọc đã có mặt tại TPHCM khoảng 4 ngày trước nhưng cô không có thời gian để trả lời phỏng vấn. Trong ngày diễn, từ sáng sớm đến lúc vở diễn xuất hiện, Kim Ngọc cho biết: “Em không ăn gì. Lần nào cũng thế, không kịp ăn gì từ sáng đến tối. Chẳng là phải lo từ âm thanh, ánh sáng, nghệ sĩ… mọi thứ đến tay cả”. Nếu như một nhạc sĩ thông thường chỉ việc đem tác phẩm đến cho ban nhạc rồi ung dung chờ ngày diễn ngồi xem thì những nghệ sĩ nhạc thử nghiệm đều trực tiếp dàn dựng đạo diễn và tham gia biểu diễn các tác phẩm. Họ vừa thầy vừa thợ.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng đã nhận xét buổi biểu diễn bằng những lời có cánh: “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo. Lâu lắm mới được xem một tác phẩm mà không phàn nàn được gì. Ngoài nội dung thì rất thích cách dựng/cấu trúc xuyên suốt vở: bình tĩnh, lạnh lùng nhưng rất cẩn trọng, chính xác trong từng chi tiết/nhịp điệu, và cuối cùng- dứt khoát, không thừa ra, không thêm hơn mà cũng không hao hụt một cân lượng nào”.

Nhà thơ Phạm Tường Vân, một cựu học sinh trường Viết văn Nguyễn Du, bạn thân với Kim Ngọc từ 22 năm trước, dẫn theo cậu con trai đang học cấp ba. Lần đầu tiên đi xem một tác phẩm âm nhạc thể nghiệm nhưng cậu rất thích thú: “Cháu thực sự bị tác phẩm này thôi miên, nhất là đoạn Hồ Nguyệt Cô bị hóa thành con cáo. Âm nhạc và hình ảnh thôi miên cháu”.

Trần Kim Ngọc với 'Hồ Nguyệt Cô hóa cáo' ảnh 1 Nhạc sĩ Kim Ngọc. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Tây và tuồng

Người xem không xa lạ gì những bản giao hưởng những vở nhạc kịch phương Tây đồ sộ hay những vở tuồng truyền thống của Việt Nam cũng đều tràn đầy năng lượng, nhưng một sự kết hợp giữa chúng lại không hề dễ dàng. Kim Ngọc nói cô đã cố gắng tìm cho được 2 nghệ sĩ trình diễn tuồng tốt nhất mà cô biết, thực hiện những cuộc ghi hình những trích đoạn tuồng cổ hoàn toàn nguyên chất mà không pha trộn. Rồi sử dụng tuồng như một phần chất liệu quan trọng của tác phẩm, làm nền cho nhạc cụ phương Tây trình diễn.

“Tôi biết Kim Ngọc từ lâu và ngày càng thích các tác phẩm của cô. Kim Ngọc có nhiều đóng góp đối với âm nhạc thử nghiệm của Việt Nam và bản thân tôi luôn ủng hộ bạn ấy”.

Khá may mắn cho Kim Ngọc là cô đã tìm thấy một nghệ sĩ Việt Nam có kỹ năng trình diễn violin cực kỳ sáng tạo là Nguyễn Thiện Minh - giảng viên trẻ của Học viên âm nhạc quốc gia. Nguyễn Thiện Minh nói: “Giữa em và chị Kim Ngọc có những điểm tương đồng. Chị Kim Ngọc muốn xây dựng những tác phẩm âm nhạc vượt lên các giới hạn thông thường. Bản thân em cũng đang có những dự án để làm phong phú thêm cây đàn violin, mở ra những cách trình diễn mới cho cây đàn. Nhiều người nghĩ cây violin chỉ chơi được những tác phẩm cổ điển nhưng thực tế cây đàn này còn làm được nhiều hơn thế”.

Nguyễn Thiện Minh đã khiến người nghe cảm thấy như đang nghe những lời hát tuồng ám ảnh, kịch tính, những tiếng hét thực sự chứ không phải những âm thanh du dương quen thuộc!

Nhạc sĩ Dương Thụ quen biết nhạc sĩ Kim Ngọc từ thời cô còn là sinh viên, nhận xét: “Kim Ngọc có rất nhiều tác phẩm cực kỳ khó nghe, thậm chí khó hiểu. Song Hồ Nguyệt Cô hóa cao là một trong những tác phẩm thuộc diện dễ nghe nhất của Kim Ngọc. Có thể đó cũng là lý do mà khán giả đón nhận tác phẩm nồng nhiệt hơn so với các tác phẩm khác của cô”.

Làm đom đóm

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Kim Ngọc cũng đã được bạn bè thầy cô đánh giá là một nhạc sĩ cá tính, có cái tôi mạnh mẽ và khát khao sáng tạo mãnh liệt. Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết: “Bố của Kim Ngọc là nhạc sĩ Trần Ngọc Sương, một người được đào tạo bài bản ở nước ngoài và là trưởng khoa sáng tác đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, nhưng ông mất từ lúc Kim Ngọc còn rất nhỏ”. Thừa hưởng dòng máu sáng tác trong mình, nhưng Kim Ngọc lớn lên khá cô đơn cùng với mẹ với một cái quán cà phê cóc ở sau nhạc viện. Cô học sáng tác từ những người học trò của cha mình và tìm thấy hình bóng của người cha trong đó.

6 tuổi Kim Ngọc học Piano và khoảng 14 tuổi cô học các nhạc cụ dân tộc. Tôi quen biết cô khi còn là sinh viên Khoa lý luận sáng tác chỉ huy vào khoảng năm 1996, thời mà cô tham gia chương trình truyền hình sôi động SV 96.

Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Kim Ngọc tiếp tục học sáng tác ở Đức. Gặp lại sau nhiều năm, Kim Ngọc nói: “Em vẫn sáng tác không ngừng. Dù ở Việt Nam, việc trình diễn các tác phẩm thử nghiệm không dễ dàng gì nhưng mỗi năm em cũng trình diễn khoảng 2 tác phẩm mới”.

Ngọc nói: “Em chẳng bán tác phẩm của mình bao giờ, chỉ diễn miễn phí”. Khi tôi ghé thăm, mẹ của cô nói rằng cô đang đi làm gia sư ở chỗ nào đấy, có lẽ là dạy piano. Thường thì những nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ sáng tác khá “cực đoan” cái tôi rất mạnh mẽ, ít khi quan tâm đến việc dạy học. Kim Ngọc là một người khác hẳn, có khi cô cạo trọc đầu, có khi còn vài lọn tóc, một ngày có khi uống 4 ly rượu vang, nhưng đã 3 năm liền cô tổ chức trung tâm âm nhạc mang tên Đom Đóm để đào tạo các nghệ sĩ trẻ. “Trước kia, ở Hà Nội chỉ mình em làm âm nhạc thể nghiệm. Bây giờ thì nhiều. Sau ba năm, em đã đào tạo ra được một thế hệ các nghệ sĩ trẻ có thể tự tin biểu diễn trước khán giả trong nước và quốc tế”.

Không phải cái này…

Trong cuộc trao đổi giao lưu với khán giả TPHCM hôm 6/4/2018, Kim Ngọc nói rằng cô luôn theo đuổi thứ nghệ thuật “không phải cái này mà cũng không phải cái kia”.

Con đường âm nhạc của Kim Ngọc, tuy gập ghềnh nhưng nó thuần khiết và chỉ là một con đường đi chênh vênh giữa cái này và cái kia. Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là một tác phẩm như thế, nó không phải là một vở nhạc kịch phương Tây, càng không phải là một vở tuồng, nó nằm ở giữa, như Kim Ngọc nói: “Tôi thích những thứ không thể gọi tên”.

Sau buổi biểu diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng, Kim Ngọc nói với phóng viên: “Các nhạc viện ở Việt Nam chưa dạy âm nhạc thể nghiệm dù theo tôi nó rất cần. Nếu các nhạc viện mời, tôi sẵn sàng tham gia dạng dạy”.

Chia tay với sân khấu TPHCM náo nhiệt và bạn bè nồng ấm, Kim Ngọc lại trở về với lớp nhạc Đom Đóm của cô tại Hà Nội. Những bạn bè ở TPHCM chúc mừng Kim Ngọc và tiếp tục hẹn tái ngộ Kim Ngọc trong một chương trình biểu diễn tác phẩm mới của người nhạc sĩ nhỏ bé chứa trong mình năng lượng sáng tạo vô tận! Bản thân tôi rất thích hình ảnh Kim Ngọc ngồi bên chiếc piano nhưng lại thổi chiếc tiêu nom phiêu diêu như ngọc nữ tiên đồng. Cô vẫn giữ cho mình viên ngọc sáng tạo và không muốn nó bị đánh mất theo thời gian và cuộc sống bon chen ngoài kia.

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là một tích tuồng cổ về một con cáo nhờ tu luyện ngàn năm mà có được “ngọc người”, được làm người. Sau vì mê đắm yêu đương nên để bị lừa lấy mất viên “ngọc người”, phải hoá trở lại kiếp cáo và bị giết chết.

MỚI - NÓNG