Triển lãm xác người ở TP.HCM: Vừa xem đã cảm thấy rùng rợn, ám ảnh

Một trong những xác người được trưng bày tại triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người". Ảnh: PLO.
Một trong những xác người được trưng bày tại triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người". Ảnh: PLO.
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) kéo dài từ 21/6 đến 31/12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong giới mỹ thuật lẫn người dân.

Vừa xem đã cảm thấy rùng rợn, ám ảnh

Theo đó, triển lãm trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người.

Triển lãm chia thành 8 khu tại triển theo các chủ đề: hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh. BTC triển lãm lý giải rằng, triển lãm cung cấp các kiến thức y học về cấu trúc và các hoạt động sinh học bên trong cơ thể người.

Tuy nhiên, đa phần khách khi đến dự triển lãm đều cảm thấy sợ hãi, rùng rợn và ám ảnh. Những bộ phận của cơ thể con người cho đến những thai nhi và cả những phụ nữ đang mang thai được trưng bày một cách công khai khiến người xem vừa thương cảm, vừa sợ hãi khi lỡ nhìn thấy. Nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc của những xác người được trưng bày trong triển lãm này.

“Chỉ có giống loài man rợ và cổ súy cho những hành động man rợ mới đem trưng bày về những mẫu vật như thế này cho công chúng xem”, thành viên Phạm Chuyên chia sẻ.

TS. Vũ Thế Long - người có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học bày tỏ: “Tôi không bao giờ mua vé vào xem các trò này, có mời cũng không vào. Sinh viên y khoa, học sinh yêu môn giải phẫu học muốn học thì vào bộ môn giải phẫu mà học.

Đem xác chết ra làm trò đùa theo tôi không phù hợp với văn hóa Việt. Nói là triển lãm để lấy tiền ủng hộ trẻ em bị dị tật thì cần phải minh bạch thực hư ra sao? Cứu được bao nhiêu trẻ và mọi thu chi như thế nào, lấy cái cớ ấy là không ổn.

Ý kiến của Cục Triển lãm, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh đã rõ ràng như vậy sao Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM dám lộng quyền cấp phép tổ chức triển lãm? Là người đã từng công tác, có tham gia nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học người Việt, tôi không ủng hộ việc lấy cơ thể người dù đã chết ra để làm chuyện này. Một thứ sản phẩm quái dị, phản nhân văn.

Nói tóm lại là nên chấm dứt việc trưng bày hoặc tự ý bảo quản xác người chết dưới mọi hình thức. Chỉ nên lưu giữ có điều kiện như là những mẫu vật khoa học, những chứng tích trong trường hợp thật cần thiết mà thôi”.

Từng bị từ chối cấp phép triển lãm ở Hà Nội

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, bản thân ông chưa bao giờ được xem một triển lãm như vậy. Việc lấy cơ thể người ra để trưng bày - triển lãm như thế là thiếu sự nhân văn, nhân bản.

“Nghệ thuật là sự sáng tạo chứ không thể nặng tính khoa học kinh dị kiểu đó. Triển lãm phải mang đến những cảm xúc và thẩm mỹ tốt đẹp cho con người. Có thể có nhiều phương thức thể hiện nhưng đã gọi là triển lãm nghệ thuật thì phải nhân văn, nhân bản và thẩm mỹ. Tôi không ủng hộ lối làm triển lãm phi nhân tính như thế.

Tôi xem những hình ảnh đó chẳng thấy nó nghệ thuật hay đẹp chỗ nào cả mà thậm chí lại cảm thấy rùng rợn lẫn ám ảnh. Tôi cho đó là một triển lãm rất phản cảm, rất thiếu nhân văn. Người ta đã mất, phải trân trọng hương hồn của người ta chứ. Văn hóa Á Đông không giống văn hóa các nước phương Tây đó là người ta rất xem trọng linh hồn của người chết. Không ai cho phép đưa xác người đã khuất ra mà làm trò như thế cả. Nó hoàn toàn không phù hợp.

Con người có hiến dâng hoặc hy sinh cho khoa học nhưng với mục đích nghiên cứu để cứu người và làm nhân loại tiến bộ chứ không thể lấy con người ra để triển lãm kiểu đó. Vấn đề là nguồn gốc những xác người đó lấy từ đâu ra và liệu có được phép không? Chỉ riêng việc anh đưa xác chết ra trưng bày kiểu đó cũng là một vấn đề của pháp luật rồi”.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh cho biết, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” chính là triển lãm mà ông đã từ chối cấp phép. Triển lãm đó của một công ty Hàn Quốc đứng ra tổ chức. Công ty này đã làm việc với Cục để xin phép tổ chức triển lãm ở Hà Nội, cụ thể là ở tòa nhà Keangnam.

“Chúng tôi đã xem và thấy nó rất ghê rợn cũng như phản cảm về hiệu ứng thị giác. Vì thế, tôi trả lời triển lãm này không thể trưng bày ở Hà Nội được, trừ khi các anh bày trong trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu. Tôi cũng nói thẳng thắn với họ về việc triển lãm có thể gây cảm giác kinh sợ cho người xem”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Lý giải vì sao triển lãm kinh dị này lại được phép diễn ra ở TPHCM, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh cho biết, nghị định về hoạt động triển lãm hiện nay chưa có, còn các triển lãm có tính thương mại - hội chợ được thực hiện theo Luật Thương mại. Nên mới có những loại triển lãm chưa có văn bản điều chỉnh như triển lãm về cơ thể người như đang diễn ra ở TPHCM. Triển lãm này nằm trong đối tượng điều chỉnh của nghị định triển lãm mà Cục này đang xây dựng, chuẩn bị trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).