Triết lý 'lờ lớ lơ'

Triết lý 'lờ lớ lơ'
TP- “Lờ lớ  lơ” hay còn gọi là tảng lờ. Trong cuộc sống hẳn nhiều người từng im lặng khi nghe những câu đùa vô duyên, hoặc phải quay mặt nhìn đi chỗ khác trước sự hớ hênh vô ý.

Biết lờ trong những trường hợp ấy được coi là lịch sự, tế nhị. Còn khi cần người chịu trách nhiệm cho một công trình xây dựng không đạt tiêu chuẩn, một dự án chứa đựng nhiều khuất tất khi triển khai không đạt kết quả cao… thì nhiều người, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý vốn quen làm việc với triết lý “tranh công đổ lỗi” lại tảng lờ như không biết, không liên quan tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm.

Hôm vừa rồi về quê, tôi được nghe bà con dân làng bức xúc kể tội ông chủ tịch xã, ông chủ dự án “nước sạch về làng” mà mới đây thôi từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng phấn khởi, tự hào vì xã mình sẽ là địa phương đầu tiên trong huyện được sử dụng nước sạch.

Nhưng chỉ ít lâu sau, công trình đã hỏng, tắc tị. Những lợi ích lâu dài mà các cán bộ đã hứa với dân chẳng thấy đâu, mà chỉ toàn thấy sự lãng phí của cải Nhà nước, còn người dân bị thiếu nước sinh hoạt phải đi hàng chục cây số để xin, mua nước về dùng.

Hỏi chủ tịch xã thì ông lờ đi như không hay biết gì, không liên quan. Tìm gặp xí nghiệp kinh doanh nước sạch, nhận được câu trả lời  “chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục” nhưng nhiều ngày trôi qua mà họ vẫn lờ lớ lơ không để ý đến. Người dân phải chịu nhiều cực khổ mà không biết kêu ai.

Vào các bệnh viện, cơ sở y tế thì cách làm việc theo kiểu tảng lờ vô trách nhiệm cũng không hiếm. Nhiều người dân từ miền xa đi khám bệnh mà không biết đến “nghệ thuật lót tay” thì phải ăn trực nằm chờ nhiều ngày. Bệnh không chữa được mà vẫn tốn kém không ít tiền của.

Gần đây báo chí liên tục phanh phui những vụ việc đau lòng như: Cô gái 13 năm bị đày đọa hay hai đứa trẻ gần mười năm bị đánh đập bắt đi ăn xin... Trước đó người dân xung quanh cũng biết đến nhưng vô cảm, còn chính quyền sở tại thì không hề hay biết mặc dù sự việc diễn ra ở địa phương mình quản lý đã nhiều năm nay. Để xảy ra tình trạng như vậy, có lẽ bởi triết lý “lờ lớ lơ” đã ăn rất sâu trong cách làm việc của họ.

Vai trò của những người làm cán bộ, làm quản lý, sứ mệnh của các y bác sĩ suy cho cùng là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống của dân. Vậy mà có nhiều người thiếu trách nhiệm, làm việc với triết lý “lờ lớ lơ” đã làm khổ không ít người dân. Hy vọng rằng văn hóa lờ lớ lơ sẽ sớm được mọi người nhận thức và thay đổi một cách tích cực hơn.

MỚI - NÓNG