Trò chuyện với 'cha đẻ' cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng

Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn luôn trăn trở để tôn vinh giá trị văn hóa đồng bằng.
Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn luôn trăn trở để tôn vinh giá trị văn hóa đồng bằng.
TPO - 'Với các thí sinh trước nhất cần phải hiểu rằng, đi thi là một cơ hội để trải nghiệm cuộc sống và là điều kiện để vượt lên chính mình. Chiến thắng chính mình chính là chiến thắng quan trọng bậc nhất của bản thân mỗi người', Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng ban giám khảo Hoa khôi Đồng bằng 2015 chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn là người tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp ở Cần Thơ và một số tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long từ trước năm 2000. Năm 2008, ông khởi xướng cuộc thi Hoa hậu đồng bằng, đến năm 2012 đổi tên thành Hoa khôi đồng bằng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp về quy mô và cách thức tổ chức cuộc thi cũng như thí sinh đạt giải tiếp tục thành công ở cuộc thi cấp quốc gia. Năm nay, với tư cách là Trưởng ban giám khảo của cuộc thi, ông đưa ra nhiều ý kiến thể hiện sự tâm huyết với cuộc thi này.

Cảm nghĩ của ông qua cuộc thi sắc đẹp và đặc biệt là cuộc thi Hoa khôi đồng bằng?

Có thể nói, kể từ sau năm 2000, hoạt động kinh tế, giao lưu xã hội ở Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long trở nên sôi động trong mối liên kết khu vực và hội nhập quốc tế thì vấn đề bản sắc văn hoá càng được chú trọng, giữ gìn và tôn vinh. Những cuộc thi sắc đẹp trước đó, cũng như cuộc thi Hoa hậu đồng bằng sông Cửu Long là cách nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội Việt Nam nói chung và vai trò của phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Với tư cách là người có trách nhiệm của một cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương, ngoài chức năng thông tin báo chí, quảng bá văn hoá, nghệ thuật và góp phần nâng cao dân trí, tôi thiết nghĩ việc tổ chức thi sắc đẹp cho nữ thanh niên là một trong những cách tôn vinh giá trị văn hoá của Đất và Người đồng bằng một cách thiết thực.

Những người đẹp từ cuộc thi do Đài phát thanh truyền hình Cần Thơ và Hậu Giang… tổ chức tiếp tục thành công trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật… và các cuộc thi cấp quốc gia trong đó có Đặng Thu Thảo là hoa hậu Việt Nam xuất thân từ Hoa khôi của cuộc thi Hoa khôi đồng bằng năm 2012. Theo ông yếu tố nào quyết định sự thành công của cuộc thi cũng như của thí sinh sau cuộc thi?

Mảnh đất đồng bằng Sông Cửu Long là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, chí sĩ từ thời đi mở cõi cũng như hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước 40 năm qua. Những bậc hiền tài là những nữ lưu anh hùng như bà Nguyễn Thị Định, cô Út Tịch… và những nữ anh hùng lao động trong xây dựng và phát triển đất nước. Nếu gọi là quốc sắc thiên hương thì có hoàng hậu Từ Vũ, hoàng hậu Nam Phương. Từ nền tảng vật chất - văn hoá đó, là tiền đề quyết định cho cuộc thi sắc đẹp ở đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua. Song song đó, công tác tổ chức cuộc thi tuyệt đối tôn trọng các quy định của pháp luật và hướng cuộc thi đến giá trị đích thực của cái đẹp. Thí sinh đoạt vương miện thực sự xứng đáng là người đứng đầu về thể chất, tri thức và có tâm hồn cao đẹp hướng đến cộng đồng.

Trò chuyện với 'cha đẻ' cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng ảnh 1

Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với các thí sinh năm nay?

Với các thí sinh trước nhất cần phải hiểu rằng, đi thi là một cơ hội để trải nghiệm cuộc sống và là điều kiện để vượt lên chính mình. Chiến thắng chính mình chính là chiến thắng quan trọng bậc nhất của bản thân mỗi người. Có người nói: con gái miền Tây nhút nhát, điều đó đúng không? Tôi mong rằng những thí sinh của cuộc thi Hoa khôi đồng bằng hãy chứng minh điều ngược lại bằng sự tự tin và phong thái của người phụ nữ Nam Bộ. Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong kháng chiến cũng như thông minh, sáng tạo, bản lĩnh và phong thái đĩnh đạc trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, ngoại giao trong thời đại xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập.

Đối với các nhà tổ chức cuộc thi này, tôi đề nghị nên định hình, tổ chức định kỳ đồng thời với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Trong lịch trình của cuộc thi nên có nhiều thời gian để thí sinh tham gia hoạt động xã hội, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, tìm hiểu lịch sử, giá trị truyền thống của đất và người miền Tây. Qua đó các giám khảo sẽ có những điều kiện hơn để chọn được người đăng quang không chỉ đẹp về thể chất, trí tuệ mà cả tâm hồn và phong thái ứng xử của hoa khôi tương lai. Nếu làm được như vậy sẽ góp phần trong việc quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hoá đồng bằng - một địa chỉ sắc đẹp ngày càng được vinh danh trong nhan sắc Việt.

MỚI - NÓNG