Từ “thần đồng” chèo đến quán quân Giọng hát Việt Nhí

Nhật Minh vui xuân cùng gia đình. Ảnh: NVCC.
Nhật Minh vui xuân cùng gia đình. Ảnh: NVCC.
TP - Trịnh Nhật Minh là một trong những quán quân ghi dấu ấn đậm nhất của Giọng hát Việt Nhí. Minh đến với cuộc thi ở độ tuổi vừa vặn chín muồi sau khi đã chinh chiến thành công 4 cuộc trước đó. Không thể phủ nhận sự đa năng và thành thục trong nhiều dòng nhạc của Minh bắt nguồn từ những làn điệu chèo cậu nghe từ thuở trong bụng mẹ.

Học chèo trong bụng mẹ

Từ một năm nay, gia đình Nhật Minh chuyển về căn hộ nhỏ trong một khu chung cư mới tít Xa La, cách trung tâm Hà Nội hai chục cây có lẻ. Nhà 3 phòng, riêng Minh “chiếm” một, trong đó để máy tính- phương tiện để cậu giao tiếp với người hâm mộ. Ði thêm 18km nữa sẽ đến Quốc Oai- quê mẹ Minh. Ở đó, ông bà và họ hàng cậu có nhiều người hát dân ca và biết chơi đủ loại nhạc cụ truyền thống. Còn bố Minh người Hải Dương, trước khi thi vào khoa chèo chưa từng hát chèo, ấy thế mà lại đỗ và học cùng lớp với mẹ Minh sau này. Minh còn một em gái lên 3 đã hát rất hay.

Hiện bố Minh- nghệ sĩ Nam Cường công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội, còn mẹ Hạnh Ngân là ca sĩ chuyên chèo và dân ca của Ðài Tiếng nói Việt Nam. Từ 2-3 tuổi, Nhật Minh đã hát theo các làn điệu chèo và chơi được trống chèo. Tài năng này tiếp tục phát huy và đã được hoàn thiện khi Minh diễn trích đoạn Phù thủy sợ ma tại sân khấu Nhí Tài năng với sự hỗ trợ của cả bố và mẹ.

Một số khán giả cho rằng Minh ăn sẵn khi tái diễn tiết mục này tại Giọng hát Việt Nhí. Thực ra Nhật Minh khác các tài năng nhí có thể bắt chước đủ loại hình nghệ thuật. Tài chèo của Minh là xịn, được giới chuyên môn thừa nhận. Ðiều đặc biệt Minh hát và diễn chèo vào loại chuẩn chỉ nhưng lại không hề được truyền dạy. Bố Minh miêu tả: “Là bản năng sẵn có của cháu, rất dư dật tự nhiên. Không phải tập luyện, các câu ngân, phú tự nó có trong người, cứ đến đấy là làm được, không phải chỉnh. Ngay như bọn tôi khi mới vào nghề còn phải học chán.”

Từ “thần đồng” chèo đến quán quân Giọng hát Việt Nhí ảnh 1

Nhật Minh trình diễn Phù thủy sợ ma trên sân khấu Giọng hát Việt Nhí.

Tất cả là do cậu bé lớn lên bên cánh gà sân khấu chèo của bố mẹ từ nhỏ, và chắc chắn đã ngấm tiếng trống chèo từ khi còn là bào thai. Các làn điệu Minh cứ thế tự nhiên thuộc dù chưa biết hết tên. Khi diễn, bố mẹ chỉ cần sửa cách buông câu nhả chữ là xong.

Theo anh Cường, kể cả các diễn viên chèo qua trường lớp chuyên nghiệp không phải ai cũng làm được Phù thủy sợ ma. Dù đây là vai mẫu tất cả các diễn viên (nam) đều phải học, nhưng một khóa cũng chỉ 1-2 người là hội đủ khả năng hát, diễn và có gân đánh trống để tải hết được vai này.

Các vai mẫu trong chèo dành cho nam diễn đơn không nhiều và bố Minh cho hay không muốn con đóng các vai giả gái. Thực ra một thoáng Phù thủy sợ ma ở đêm chung kết Giọng hát Việt Nhí chỉ để nhắc nhớ khán giả về tài chèo của Minh. Những tiết mục ấn tượng khác như Tình ca hay Bác làm vườn con chim sâu... cũng đủ sức bật đưa Minh đến ngôi vị quán quân, thậm chí Ðá trông chồng còn được bình chọn là một trong vài màn trình diễn ấn tượng nhất tại các vòng Giấu mặt của The Voice Kids khắp nơi trên thế giới.

Từ “thần đồng” chèo đến quán quân Giọng hát Việt Nhí ảnh 2

Chân trời mới

Mặc dù Minh đã là quán quân 3 cuộc thi lớn trước đó, nhưng đến với The Voice Kids, bố Minh không khỏi lo lắng. Không hẳn vì các “đối thủ” của Minh đáng gờm mà vì các bé toàn nhà có điều kiện, học Thanh Bùi, Phương Uyên hàng năm trời, khi đi thi vẫn tiếp tục học hát, học vũ đạo thêm bên ngoài. Còn Nhật Minh ngoài lúc được giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh dựng bài, về tự tập là chính. Một số gia đình thí sinh còn đầu tư chiến lược kêu gọi bình chọn hoành tráng. Ðâm ra trong khi con ăn no ngủ kỹ, bố lo ngay ngáy. “Cuộc thi này quá kinh khủng, có khi người lớn cũng không bằng đâu,” anh Cường nhận định. “Nhiều nhà đổ tiền vào kinh lắm. Nhưng phải nói năm nay BTC rất công tâm, nếu không mình chết ngay!”.

Bố Minh khẳng định không ngại cho con nối nghiệp chèo: “Nhiều người cho rằng, theo nghệ thuật dân tộc nghèo, văn hóa dân gian không phát triển. Theo tôi họ hoàn toàn nhầm. Ðó chỉ là một khía cạnh. Nếu mình có thực tài hoàn toàn sống được bằng nghề.” Cho đến khi con Ðồ Rê Mí, bố mẹ lại biết thêm khả năng hát nhạc nhẹ, thậm chí opera của con. Anh Cường đoán có thể do nhiều lần đưa Minh đi xem các ca sĩ nổi tiếng trình diễn nên cậu học theo.

Giờ đây, Minh cũng ít có cơ hội xem bố diễn chèo. Vì cậu còn bận đi diễn, và người hộ tống thường là bố, đôi khi mẹ. Anh Cường kể lãnh đạo Nhà hát rất “có tâm”, hiểu hoàn cảnh gia đình nên tạo điều kiện cho anh theo con trong suốt cuộc thi. Minh đang học bán trú trường gần nhà. Không hiếm ngày cậu vừa kết thúc giờ học sáng là đi thẳng tới trường quay hoặc phòng thu. Chiều lại trở về trường học. Tối đương nhiên đi thu, đi diễn. Năm kia, Nhật Minh ra DVD Em đến cùng mùa xuân - coi như khép lại thời kỳ hát nhạc thiếu nhi. Hiện anh Cường đang đặt hàng bài mới cho CD đầu tay của con trai.

Năm nay, nhiều thay đổi đến với Minh. Ðầu năm là chuyến lưu diễn và quay MV tại Nhật cùng HLV Ðông Nhi, thực hiện MV chào Xuân cùng Cát Tiên Sa và chuyển vào Sài Gòn để học văn hóa song song với học nhạc. Hiện đã có vài lời mời từ các trường quốc tế trong đó. Nhiều khả năng Minh sẽ phải sống tự lập không bố mẹ ở bên. Ðương nhiên công ty Cát Tiên Sa cử riêng một nhân viên quản lý Nhật Minh.

Sẽ còn nhiều việc cần lo cho một cậu bé sớm phải xa gia đình, dù Minh tỏ ra khá bản lĩnh và khôn ngoan so với tuổi. Nhưng có một việc mà không biết có ai “lo” không- là con đường của Nhật Minh sẽ ngày càng rời xa cái nôi chèo.

Bé Trịnh Nhật Minh: Nếu không làm ca sĩ, sẽ làm cảnh sát

Bố mẹ hát chèo, Minh cũng biết nhiều về chèo. Minh có nghĩ đến khả năng nối nghiệp bố mẹ?

Dạ, không. Bởi thi The Voice Kids bây giờ thường người ta hát nhạc trẻ và nhạc nhẹ. Bố mẹ sẽ hướng cho con vào Sài Gòn hát dòng nhạc đấy. Vì thường hát nhạc truyền thống có người yêu thích, có người không. Nếu hát cho thế hệ hiện nay, chắc là mình phải hát nhạc nhẹ hoặc nhạc trẻ.

Nghề thứ nhì mà Minh thích sau nghề ca sĩ là gì?

Cảnh sát ạ.

Vì sao Minh lại thích làm cảnh sát?

Vì làm cảnh sát mình có thể bảo vệ cho dân của mình. Người nào khó khăn thì mình sẽ giúp đỡ và chăm sóc cho người ta. Ví dụ người ta ngã xe thì mình sẽ đỡ dậy ạ.    

N.M.Hà (thực hiện)

MỚI - NÓNG