Tùng Dương - bao giờ thành nghệ sĩ lớn?

Mỗi lần Tùng Dương bước ra sân khấu trong trang phục mới thay, khán giả lại một phen xôn xao. Ảnh: Hòa Nguyễn.
Mỗi lần Tùng Dương bước ra sân khấu trong trang phục mới thay, khán giả lại một phen xôn xao. Ảnh: Hòa Nguyễn.
TP - Tùng Dương chắc chưa phải nghệ sĩ lớn nhưng rõ ràng anh đang đi theo con đường lớn của nghệ sĩ. Và đó hẳn là “độc đạo” thênh thang ít người đi và cũng ít sự cạnh tranh. Vì sự cạnh tranh này nếu có cũng ít khi xuất phát từ phong cách hay giọng hát, mà là đường hướng cho cả một sự nghiệp.

Đại đa số ca sĩ Việt Nam rất quan trọng sự nổi tiếng và dùng hành trang đấy để đi kiếm tiền. Có làm show riêng nâng cao thương hiệu cũng để phục vụ mục đích đó. Trong khi cách của Tùng Dương là phát huy tất cả những khía cạnh nổi bật của bản thân, tìm khán giả riêng cho mình.

Sẽ không ai dựa vào việc diễn sự kiện cho những hãng lớn nào, từng hợp đồng quảng cáo cho những thương hiệu nào… để đánh giá nghệ sĩ. Mà vẫn phải là album, chương trình riêng, những nghệ sĩ từng hợp tác, và tất nhiên cả những giải thưởng mang tính chuyên môn… Thành ra những ngôi sao khác có thể ăn khách hơn Tùng Dương nhưng nếu nhìn vào âm nhạc Việt Nam để tìm một gương mặt mang tính đại diện văn hóa thì ngoài Tùng Dương e cũng không còn mấy ai?

Ở tuổi 35, Tùng Dương đã sở hữu tới 10 chương trình riêng - có thể coi là một kỳ tích. Không phải chương trình nào cũng thành công rực rỡ về thương mại nhưng đều là tâm huyết của chủ nhân vào thời điểm đó. Với Bộ tứ sông Hồng diễn ra tối 5/6 ở Hà Nội, có thể coi Tùng Dương đã làm được một việc nghĩa khi kịp thời tôn vinh bốn đại thụ của nhạc Việt đương đại khi họ còn đang sống. Bốn vị nhạc sĩ đáng kính được khán giả vỗ tay nhiệt liệt không kém ca sĩ mỗi khi họ đứng lên và cả khi họ xuất hiện trên clip.

Mặt khác ý tưởng làm riêng một show cho “bộ tứ” cũng hết sức thuận lợi về nhiều mặt, cân bằng cả yếu tố thị trường lẫn nghệ thuật. Bản thân mỗi tác giả đã là một tên tuổi bền vững qua thời gian có độ hút khách riêng. Đồng thời ca sĩ có một kho bài vô cùng phong phú, đa dạng về âm nhạc nhưng trong sự thống nhất về văn hóa Bắc bộ để làm chương trình.

Đúng như nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định, Tùng Dương thành công không dựa vào giọng đẹp bản năng mà vào tố chất và bản lĩnh nghệ sĩ. Chất giọng Tùng Dương đủ sức biến ảo để chuyển tải được phong cách âm nhạc riêng biệt của bốn nhạc sĩ. Trong phần solo, Dương chạm được vào cảm xúc khán giả qua một số bài pop của Trần Tiến, Dương Thụ như Một mình, Bài hát ru mùa đông… Và đặc biệt thỏa sức vẫy vùng trong những sáng tác chất chứa trầm tích phù sa Bắc bộ của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.

Dương từng rất thành công khi hát lại Chiếc khăn piêu và rất có thể tới đây là Hò biển. Bài hát viết năm 1973 này của Nguyễn Cường cực kỳ hợp với quãng giọng và âm sắc của Dương. Thêm bản phối progressive rock của Thanh Phương cho phép ca sĩ hát một cách nhẹ nhàng thoải mái, toát lên vẻ đẹp của giai điệu và ca từ.

Những trường ca kén giọng như Mái đình làng biển, Bên dòng sông Cái, Trên đỉnh Phù Vân và đặc biệt là Bi ca Trọng Thủy đều có thể trở thành bài tủ của Tùng Dương. Nhưng Tùng Dương có vẻ không đặt mục tiêu làm cho chúng trở nên đại chúng mà chỉ dùng chúng như chất liệu tốt để sáng tạo, làm bật lên tố chất của riêng anh.

Mỗi người sẽ thấy thích Tùng Dương trong bài này bài kia nhưng điều quan trọng là anh đã tạo được một không khí âm nhạc và không gian văn hóa xuyên suốt và càng đậm đặc về cuối chương trình. Ban đầu có lẽ do âm thanh chi phối nên ca sĩ đôi chỗ hát còn chênh vênh nhưng càng về sau càng thoát, càng bay - trong một chương trình kéo dài 3 tiếng rưỡi không phải chuyện đùa.

Hai khách mời mỗi người hát hai bài và song ca với chủ nhân hai tiết mục. Chảy đi sông ơi đặc biệt hiệu quả ở những phần bè khi được thể hiện bởi hai giọng nam cao. Hà Trần và Tùng Dương ngoài đời không biết hợp đến đâu nhưng đặc biệt hợp khi song ca cùng nhau, bởi sự gần nhau trong gu thẩm mỹ cũng như khả năng biến báo khi hát.

Mẹ tôi - bài hát Tùng Dương chọn để song ca với Hà Trần - từng gây sóng gió trong số những người hâm mộ hai ca sĩ. Vì Hà Trần vừa đưa bài này lên sân khấu thì Tùng Dương cũng chọn hát ngay sau đó. Tương tự Trọng Tấn thành công với Nơi đảo xa chưa lâu thì Tùng Dương cũng có duyên với bài hát này qua cách trình bày rất riêng. Ngọc Khuê là người mang Li ti lên sân khấu Bài hát Việt, nhưng Tùng Dương còn lấy bài hát làm tên cho cả album…

Tùng Dương không chỉ có hiện tượng “ôm vào” tất cả những bài hát hay, nhiều khả năng được khán giả yêu thích mà còn chinh phục theo con đường tác giả, không “tha” ai từ trẻ đến già. Đó chính là tham vọng của người muốn chơi lớn trong nghệ thuật. Và đúng như Dương Thụ cảnh báo, trong khi người người nhà nhà tranh cãi về bolero song song với việc đem lại sức sống mới cho nó thì chính “bộ tứ” và những nhạc sĩ cùng thế hệ lại có nguy cơ bị quên lãng... Vì thế chủ đề Bộ tứ là một lựa chọn khôn ngoan, có lợi cho ca sĩ đồng thời làm đẹp lòng cả tác giả lẫn khán giả.

MỚI - NÓNG