Vẻ đẹp hồn thơ thời chiến

Vẻ đẹp hồn thơ thời chiến
TPO - Thực tế và lãng mạn. Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh - người sinh viên trường ĐH Nông nghiệp ngày nào, đã thật thành công khi tạc nên vẻ đẹp của người lính qua tập “Nhật ký thơ thời chiến 1970 - 1974”.
Vẻ đẹp hồn thơ thời chiến ảnh 1
Bìa của tập “Nhật ký thơ thời chiến 1970 - 1974” 

Đất nước sang trang “hòa bình” hơn ba mươi năm, nhưng những gì thuộc về lịch sử hào hùng mà trong đó hình ảnh người lính là trung tâm thì còn mãi với thời gian.

Người lính tài hoa xếp bút nghiên khoác ba lô ra trận đã trở thành đề tài xuyên suốt nền văn học nước nhà trong nhiều thập kỷ qua.

Những chàng trai, những cô gái trong trận chiến đấu khốc liệt, trong “đêm dài hành quân” vẫn ngời sáng vẻ đẹp của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, cháy bỏng.

Thực tế và lãng mạn. Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh - người sinh viên trường ĐH Nông nghiệp ngày nào, đã thật thành công khi tạc nên vẻ đẹp của người lính qua tập “Nhật ký thơ thời chiến 1970 - 1974”.

Anh là một hiện thân tiêu biểu cho lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ một thời làm nên lịch sử. Những trang thơ - nhật ký thời chiến tranh tạo một dư âm đặc biệt, một niềm xúc động khó phai mờ, như khúc vĩ thanh tài hoa ra trận: Kỷ niệm, Giờ phút chia tay, Đứng gác trong đêm, Đường hào đánh Mỹ, Xuân chiến trường, Những chặng đường

Những trang thơ giàu tính hiện thực vẫn đậm chất lãng mạn nhưng không hề ủy mị. Thơ anh như khúc tráng ca hùng s¸ng, du dương của sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn.

Tiếng súng và tiếng thơ như khúc vĩ thanh trong sáng vô bờ. Và tình yêu của người lính cũng thật nhẹ nhàng, kín đáo mà không kém phần sâu sắc, dí dỏm:

Thấy em cười mà lòng anh vui lạ

Những buổi sáng quê hương chim reo trong lá

Những chủ nhật đêm xóm làng êm ả

Hai đứa cùng ngồi nghe buổi tiếng thơ…

(Kỷ niệm)

Người lính vượt qua mưa bom bão đạn, trong những tình thế hiểm nghèo và nguy kịch nhất bằng trí thông minh và lòng quả cảm, hướng tới ngày mai tươi sáng:

Bên này sông Thạch Hãn

Là trận địa chúng tôi

Sau đêm dài gian khổ

Bình minh hé chân trời.

(Trận địa chúng tôi)

Cùng với Mãi mãi tuổi hai mươi, Có tuổi hai mươi thành sóng nước, Nhật ký thơ thời chiến 1970 - 1974 của tác giả Lê Xuân Đĩnh là cuốn Nhật ký bằng thơ đầu tiên của một liệt sỹ - Đại đội trưởng, còn đang tuổi sinh viên do Công ty CP Phát triển Báo chí Truyền thông Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Văn học ấn hành nhân dịp Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Nhật ký thơ góp phần khẳng định niềm tự hào của thế hệ cha anh, là một điệp thư chuyển tiếp nhiều thế hệ…

MỚI - NÓNG