Vì sao phim về phụ nữ bị kỳ thị kinh nguyệt thắng Oscar?

TPO - Tác phẩm về đề tài kinh nguyệt “Period. End Of Sentence.” đã làm nên lịch sử khi được xướng tên ở hạng mục “Phim tài liệu ngắn xuất sắc” tại Oscar 2019.

Bỏ qua những lùm xùm không đáng có, Lễ trao giải Oscar lần thứ 91 đã diễn ra thành công với nhiều cái tên được vinh danh. Một trong số đó là tác phẩm “Period. End Of Sentence.” của nữ đạo diễn gốc Ấn Rayka Zehtabchi ở hạng mục “Phim tài liệu ngắn xuất sắc”. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt của bộ phim tài liệu thời lượng 26 phút này?

Vì sao phim về phụ nữ bị kỳ thị kinh nguyệt thắng Oscar? ảnh 1  

Khi bước lên sân khấu nhận giải thưởng danh giá nhất hành tinh, nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi phát biểu: “Tôi không khóc vì tôi đang trong chu kỳ, hoặc cái gì đó mang ý nghĩa tương tự. Tôi không thể tin nổi một bộ phim về kinh nguyệt vừa giành giải Oscar”.

Vì sao phim về phụ nữ bị kỳ thị kinh nguyệt thắng Oscar? ảnh 2 “Period. End Of Sentence.” được vinh danh tại Oscar 2019.

Nhiều năm qua, cùng với chống phân biệt chủng tộc, màu da, đề tài đấu tranh bình đẳng giới, đòi quyền công bằng cho nữ giới luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim thế giới khai thác. “Period. End Of Sentence.” cũng vậy. Tuy nhiên, điểm mới của tác phẩm này kể về một nhóm phụ nữ nông thôn Ấn Độ dẫn đầu một cuộc cách mạng chống lại những kỳ thị xung quanh vấn đề kinh nguyệt.

Đối với nhiều người, đây là đề tài vụn vặt, buồn cười và tế nhị. Nhưng nếu xét về khoa học, có điều gì phản ánh rõ về giới tính nữ (mặt sinh học) hơn chu kỳ sinh lý hàng tháng?

Nó quen thuộc, bình thường đối với hầu hết mọi người ở các quốc gia khác nhau, nhưng không phải tất cả. Ít nhất, ở những nơi kém phát triển như ngôi làng ngoại ô thủ đô Ấn Độ, Kathikhera. Tại đây, kinh nguyệt bị xem như một bí mật bẩn thỉu, đáng xấu hổ trong cộng đồng của họ.

Vì sao phim về phụ nữ bị kỳ thị kinh nguyệt thắng Oscar? ảnh 3 Phụ nữ nông thôn Ấn Độ chịu sự kỳ thị vì kinh nguyệt.

Vào “ngày đèn đỏ”, những cô gái đã bước vào tuổi dậy thì không thể đến trường vì bị bạn học nam chê cười; phụ nữ không thể bước chân vào đền thờ vì sợ ô uế chốn linh thiêng… Họ không được tiếp cận với những sản phẩm chuyên dụng vào những ngày nhạy cảm này, phải sử dụng đi sử dụng lại những miếng vải thấm thiếu vệ sinh và an toàn. Chưa kể, họ phải lén lút làm những miếng vải này vào ban đêm vì họ xấu hổ để làm chuyện đó vào ban ngày.

Một số thanh niên được phỏng vấn trong “Period. End Of Sentence.” thừa nhận, không biết “kỳ sinh ký” nghĩa là gì và xem nó là “căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến con gái”.

Trước thực tế tàn khốc đó, “vị cứu tinh” xuất hiện. “Period. End Of Sentence.” giới thiệu về doanh nhân xã hội Arunachalam Muruganantham, người tạo ra cuộc cách mạnh bảo vệ sức khỏe trong kỳ sinh lý cho phụ nữ nông thôn Ấn Độ bằng cách phát minh ra máy làm băng vệ sinh giá rẻ. Họ không chỉ được tiếp cận với băng vệ sinh, mà còn tự tạo ra kinh tế qua mặt hàng này.

Những người phụ nữ học cách sản xuất và bán những sản phẩm băng vệ sinh tự làm ra. Họ đặt tên thương hiệu là “FLY”, với hy vọng phụ nữ có thể “tung cánh”.

“Chuyến bay của họ, một phần, có đóng góp của các nữ sinh trung học cách đó nửa thế giới, ở California. Họ đã huy động vốn ban đầu cho những chiếc máy và tạo ra tổ chức phi lợi nhuận có tên The Pad Project (Dự án miêng băng)”, Netflix dẫn.

Vì sao phim về phụ nữ bị kỳ thị kinh nguyệt thắng Oscar? ảnh 4 Melissa Burton – người sáng lập The Pad Project (váy xanh) và nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi tại Oscar.

Mang thông điệp mạnh mẽ, “Period. End Of Sentence.” là một trong số 5 tác phẩm duy nhất được đạo diễn bởi phái nữ nhận đề cử tại Oscar lần thứ 91. Nhưng không phải tất cả con người tự nhận là văn minh đều dễ dàng tiếp cận chủ đề này.

Một nam giám khảo giấu tên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã từ chối bỏ phiếu cho bộ phim đến từ Ấn Độ này.

“Tôi không bỏ phiếu cho ‘Period. End Of Sentence.’. Phim rất tốt, nhưng lại có nội dung về kỳ sinh lý của phụ nữ. Tôi không nghĩ bất kỳ người đàn ông nào bỏ phiếu cho bộ phim này bởi vì nó quá ngớ ngẩn đối với họ”, người này viết trong lá phiếu bình chọn.

Sự thật đã chứng minh, vị nam giám khảo kia đã áp đặt tư tưởng của mình cho những người đàn ông khác. Họ vẫn bầu chọn cho “Period. End Of Sentence.”, để rồi phim được vinh danh tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

Theo Theo Cosmopolitan
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.