Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng?

Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng?
Vài thành viên của gia đình cố giáo sư nhận xét chân dung ông ở Nhà trưng bày tượng sáp TP HCM tạo hình sai.

Ông Trần Quang Minh, con trai thứ của cố Giáo sư Trần Văn Khê cho biết, ông cùng hai người em (hiện sống tại Pháp) viết thư đề nghị Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt (Nhà hát Hòa Bình, TP HCM) ngừng giới thiệu chân dung cha mình. Người nhà cố giáo sư cho rằng khuôn mặt tượng không giống với nguyên mẫu, dáng ngồi chưa truyền tải được thần thái của ông, bàn tay cầm đàn bị sai, trang phục không giống cách ông mặc trong các buổi thuyết trình lúc sinh thời.

Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng? ảnh 1 Tượng sáp cố giáo sư Trần Văn Khê.
"Không chỉ gia đình chúng tôi mà đông đảo khán giả đều cho rằng tượng sáp hoàn toàn không giống Giáo sư Trần Văn Khê. Ba tôi chưa bao giờ ăn mặc lôi thôi như thế trước công chúng. Nếu tôi có mặt trong buổi khai trương nhà triển lãm, tôi đã phản đối việc trưng bày bức tượng", ông Quang Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Diện, một trong ba người sáng lập Nhà trưng bày cho biết, cuối tuần qua, công ty quyết định dời tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê về xưởng. Họ đang chờ ý kiến của giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê. Giáo sư Hải là người cung cấp các chỉ số đo đạc cơ thể của ông để các nhà điêu khắc dựa vào đó tạc nên tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê vào năm 2016 - sau khi giáo sư mất. Ông cũng là người ký xác nhận đồng ý cho các nghệ nhân thực hiện bức tượng. Sau khi tượng ra đời, giáo sư thỉnh thoảng liên lạc với các tác giả để hỏi thăm tình hình. Hiện Giáo sư Hải sống và làm việc ở Pháp.

Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng? ảnh 2

Giáo sư Trần Văn Khê lúc sinh thời

Theo chị Diện, điều gây khó cho các nhà thiết kế là việc chế tác tượng sáp khi các nghệ sĩ đã qua đời. "Nếu nghệ sĩ còn sống mà tượng sáp bị chê là không giống, chúng tôi hoàn toàn nhận lỗi. Còn việc tạo hình một người đã qua đời dựa trên hình ảnh, số đo của người thân thường dễ gây nên sai lệch. Ngoài ra, đôi khi còn do cách nhìn của mỗi thành viên trong gia đình", chị chia sẻ.

Sắp tới, Nhà trưng bày tiếp tục cho ra mắt nhiều tượng sáp mới. Với những tượng của các nghệ sĩ quá cố, nhóm nghệ nhân sẽ cho các người thân của họ ký xác nhận trước khi đem trưng bày.

Trước đó, giữa tháng 4, tượng sáp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Nhà trưng bày cũng bị gia đình yêu cầu chỉnh sửa. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - nhận xét tượng sáp cố nhạc sĩ hoàn toàn không giống ông. Chi tiết sai nhất là tướng khòm lưng, vì sinh thời cố nhạc sĩ luôn dạy các em trong nhà dáng đi phải thẳng. Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng phần tay ở tượng sáp khá thô, trong khi ngón tay nhạc sĩ vốn thon dài và đẹp. Chiều cao của tượng không chính xác với nguyên mẫu. Hiện bức tượng vẫn chưa được trưng bày trở lại.

Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng? ảnh 3 Tượng sáp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam được mở cửa giữa tháng 4, do ba nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình sáng lập với hơn 100 tượng văn nghệ sĩ. Dự án có kinh phí 35 tỷ, do các nghệ nhân tự bỏ tiền. Giữa tháng 5, nhóm nghệ nhân chia sẻ họ lỗ hàng trăm triệu sau một tháng vận hành vì tiền vé không bù nổi chi phí thuê mặt bằng, bảo trì.

Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Trong hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc ở Pháp, Giáo sư Khê luôn tranh thủ những chuyến về nước ngắn ngủi để tìm hiểu và giao lưu với các nghệ nhân trong nước về nhạc truyền thống.

Năm 2004, ông chuyển về nước hàng nghìn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... Tất cả tư liệu được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc được đóng gói trong hơn 460 kiện hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Khối lượng tư liệu này được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP HCM.

Tháng 10/2005, Ủy Ban Nhân Dân TP HCM bàn giao căn biệt thự nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh làm nơi lưu trú cho Giáo sư Khê. Ngôi nhà này còn là nơi lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông. Giáo sư Khê quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Năm 2015, nhà nghiên cứu qua đời ở tuổi 94, sau một tháng trở bệnh nặng.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG