Xung quanh đồng tiền

Xung quanh đồng tiền
TP - Thầy tôi đã có lần không bằng lòng khi một con hạc gấp giấy bạc bay lên bàn mình. Chẳng là có sinh viên trong giờ giải lao đã dùng tiền gấp chim bay… chơi.

Thầy mở nó, vuốt lại phẳng phiu rồi hỏi: “Các bạn có biết hình ai trên tờ bạc này không?Như vậy là các bạn đã thiếu lòng kính trọng đáng có rồi đó!”. Thường chúng ta chỉ nghĩ rằng quý trọng đồng tiền là chi tiêu đúng mực. Còn việc giữ gìn thì không cần thiết.

Đồng tiền được cất ở mọi nơi (từ chỗ sạch sẽ đến cả chỗ không sạch), đến nỗi người ta bảo không gì dơ bằng tiền (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đồng tiền được gấp ba, gấp tư thậm chí vò cả cục (miễn sao cho tiện lợi và an toàn ).

Dĩ nhiên không thể cứ lúc nào cũng mân mê đồng tiền đựợc. Nhưng cách chúng ta giữ gìn nó trong chừng mực là thể hiện sự tôn trọng với danh nhân đất nuớc, với tài sản của mình, cũng là tài sản của quốc gia.

Người Việt mình rất ngại nói đến chuyện tiền bạc. Bởi như thế bị coi là thực dụng. Vào quán ăn không bao giờ hỏi giá trước vì sĩ diện. Đến khi bị “cắt cổ” mới tiếc ngẩn tiếc  ngơ.

Bây giờ thì đỡ hơn rồi. Bọn sinh viên chúng tôi thường bảo: “tiền bạc phân minh…” (tất nhiên không quá trắng trợn) là rất hay. Sống trong một tập thể phải thế, không thì “bằng mặt mà không bằng lòng”, lục đục vì chuyện tiền nong… rất mệt!.

Người Việt cũng vì sĩ diện mà ít ai dám đòi những đồng bạc lẻ của… chính mình. Thầy tôi kể: Có ông bạn người Nhật mua một con tem xong mà không chịu đi. Hóa ra cô bưu điện nghĩ rằng có mấy đồng thừa, lại là khách ngoại quốc nên không thối nữa!

Ông này mới bảo: “Quan trọng không phải là mấy đồng mà là mấy đồng này sẽ vào tay ai”. Đúng là thế! Nhà tôi cứ đến tháng thu tiền điện, giả sử là 129.850 đồng thì thế nào cũng mất 150 đồng.

Tương tự mua bán hàng cũng vậy. Con tem 800 thì thối lại cái phong bì, có nơi còn chẳng thối gì cả. Ai mắc cỡ thì khỏi đòi! Mọi người nghĩ rằng chi li từng đồng là keo kiệt.

Nhưng không! 200 đồng cũng là 200 đồng nếu không nhà nước phát hành tờ 200 để làm gì? Cái tình vẫn là quan trọng nhưng cái gì cho là cho, cái gì bán là bán mới không mất lòng nhau, mới không mất cái tình!

MỚI - NÓNG