Ðời cascadeur: Nghề đỡ đạn

Cảnh cháy của 4 cascadeur phim Chuyện tình biển xa.
Cảnh cháy của 4 cascadeur phim Chuyện tình biển xa.
TP - Những ca khó như nhảy lầu, đụng xe, đánh đấm… diễn viên chính không làm được thì phải có người đóng thế. Bởi vậy, chuyện nay chảy máu, mai nhập viện, người đầy thương tích, bong gân trật khớp, vết cũ chưa kịp lành đã có vết mới… như bạn đồng hành của cascadeur.

Ðánh cược mạng sống

Nhắc đến lứa cascadeur đàn anh, người trong giới thường nhắc đến đạo diễn hành động Nguyễn Quốc Thịnh. Trong 27 năm gắn bó với nghề, anh là người duy nhất liên tục làm cascadeur.

Gặp anh trong quán cà phê nhỏ trong khu Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), anh cười hiền lành: “Cascadeur cũng không có gì ghê gớm đâu, chúng tôi chỉ là một nhóm các anh em biết võ nghệ, yêu nghệ thuật nên theo nghề này”. Anh bảo, những ngày không đi phim thường ngồi quán này lắm, đặng để tìm sô cho anh em, tư vấn kỹ thuật khi anh em trên phim trường gặp ca khó…

Gần nửa đời người “ăn cơm phim trường” nhưng chỉ người trong giới mới biết Quốc Thịnh, còn khán giả hầu như chưa biết mặt anh nói gì biết tên. Hỏi có tủi thân, anh xua tay: “Người nào chọn theo nghề này là bởi đam mê chứ không phải tìm sự nổi tiếng. Ðã xác định từ đầu như thế nên cascadeur không thấy buồn, tủi thân gì đâu”.

Có lần anh suýt mất mạng ở thác Ðam Bri (Lâm Ðồng) khi đóng thế cho Lý Hùng trong bộ phim Hồng Hải Tặc (năm 1995). Lúc đó anh thực hiện cảnh bay người xuống thác từ độ cao 60m. Cảnh này phải quay nhiều lần vì trên đỉnh thác xuống có rất nhiều cây nên việc đu dây bị cản trở. Một lần, anh đang đu thì dây bị đứt. Với độ cao như vậy, dưới thác lại toàn đá, người rơi xuống đó khó mà sống sót. May mắn, anh bám được vào sợi dây dành cho diễn viên nên thoát chết. “Chuyện đó đã qua lâu rồi, cảnh đóng thế nào mình cũng đều có kỷ niệm đáng nhớ. Với nghề này, mỗi pha thực hiện là đánh cược với mạng sống của mình nên anh em đều rất thận trọng” - anh Thịnh chia sẻ.

Cascadeur Trần Như Thục làm nghề đến nay ngót nghét 20 năm. Anh chuyên “trị” cảnh bay xe tốc độ cao. Có thể kể đến là cảnh bay xe trong các MV ca nhạc của ca sĩ Lý Hải, Thái Triệu Luân; phim điện ảnh Lật mặt 2 (đạo diễn Lý Hải); và đặc biệt là cú bay xe phá mọi kỷ lục của chính anh trong phim Ðối diện tử thần (đạo diễn Lê Minh Phương) với tốc độ 120 km/giờ và bay xa… 95,5 m. Nói về kỷ niệm của những lần bay xe, anh bảo nhớ nhất lần bay xe đầu tiên trong MV của ca sĩ Lý Hải thực hiện năm 2006. Lúc đó ở Việt Nam chưa có ai bay xe hết, Trần Như Thục là người đầu tiên. Dù tính toán kỹ lưỡng thế nào thì cũng không ai dám bảo đảm được pha hành động này thành công.

Hôm thực hiện bay xe, anh dậy sớm viết lá thư cho vợ, với lời xin lỗi vì nghĩ rằng mình sẽ không còn cơ hội để trở về lo cho vợ con. Rồi khi đến trường quay tại Quận 9, anh để lại lá thư tay dặn dò ê-kíp: “Nếu tôi có mệnh hệ gì, hoặc nếu không may chết đi thì cũng tự mình chịu trách nhiệm, mong chính quyền không truy cứu trách nhiệm với bất kỳ ai. Ðây đúng là một kỷ niệm nhiều cảm xúc đối với cuộc đời làm cascadeur của tôi” anh Thục bồi hồi.

Chia sẻ về những bộ phim mình đã tham gia đóng thế, cascadeur cho rằng không có vai đóng thế nào là không nguy hiểm cả. Trong từng phân cảnh, diễn viên đóng thế phải biết tính toán, thực hiện nhuần nhuyễn các kỹ thuật trước khi quay chính thức. Bởi, chỉ cần một sơ suất nhỏ, họ có thể bị thương, thậm chí mất mạng.

Thế thân mạo hiểm

Ở Việt Nam, nghề cascadeur xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990. Nói là nghề nhưng diễn viên đóng thế lại quy tụ nhiều anh em xuất thân đủ ngành nghề trong xã hội từ chiến sĩ công an, giáo viên trường nghệ thuật, thợ may, kỹ sư cơ khí, sinh viên… Dường như công việc này không giới hạn ngành nghề, chỉ cần đam mê võ thuật, mạo hiểm đều có thể làm cascadeur.

Ðời cascadeur: Nghề đỡ đạn ảnh 1

Cảnh bay xe tốc độ cao của cascadeur.

Tuy nhiên, cascadeur không chỉ đơn thuần là thực hiện những pha đánh đấm theo kiểu “thích là làm” như nhiều người vẫn nghĩ. Mà hơn hết, những người làm nghề này đều phải biết tính toán, đo đếm từng ly từng tý từ cảnh hiện trường đến người thực hiện. Anh Trần Như Thục cho hay đang theo đoàn phim quay ở Cam Ranh, đảm nhận vai bay trên không. “Trong phim có cảnh 2 diễn viên chính bay trên không trước khi rớt xuống biển. Ðể đảm bảo an toàn cho phân cảnh này, anh em cascadeur phải xuống đó trước vài ngày lắp đặt dụng cụ và bay thử. Bay như thế nào cho đẹp, rớt xuống biển sao cho an toàn... Ðể làm được điều đó, chúng tôi phải tính toán kỹ chứ không phải thích là làm”, anh Thục nói.

Vui với nghề

Nguyễn Ðức Minh (22 tuổi), một cascadeur mới vào nghề đang diễn thế vai lộn nhào trên không cho diễn viên chính, mồ hôi nhễ nhại, tay chân thâm tím, nhiều nơi trầy xước đến bật máu do thực hiện gần chục lần động tác này nhưng đạo diễn yêu cầu làm lại. Cắn răng chịu đau, anh tung hết sức thực hiện cú lộn 3 vòng trên không. Chỉ khi nghe hô: “Tốt. Cắt. Chuyển cảnh!”, anh mới thở phào. Hỏi cảm giác, chàng thanh niên cười tươi: “Em thấy vui vì mình đã làm đúng nghề yêu thích. Cảnh này dạng vừa, quay lại nhiều lần không phải mình làm không được, mà phải theo ý đạo diễn: đẹp, mãn nhãn, kịch tích nên thành ra vậy”.

Trò chuyện với những diễn viên đóng thế, tôi cảm nhận trong từng giọng nói, nụ cười của họ đều chất đầy hạnh phúc với nghề. Có chăng, thì đó là một đôi lần họ chạnh lòng vì bị người trong đoàn phim hoạch họe, coi thường. “Có lần mình đóng vai bị hành hung thay cho cho diễn viên T. cảnh bị cả nhóm người lao vào hành hung. Dù bị đấm đá túi bụi, mặt mũi sưng vù. Ðau lắm nhưng vẫn gắng cười bảo “không sao”. Vậy mà khi quay xong, có người bảo “Tụi nó khỏe như trâu, nhiêu đó hề hấn gì”. Chỉ nhiêu đó thôi mà đau thấu tận tim gan…”, một cascadeur kể, giọng nhẹ tênh.   (Còn tiếp)

Nhắc đến cascadeur mà không nói về cố võ sư Thu Vân là điều thiếu sót. Con người thấp bé, mảnh mai này gần như hội đủ những yêu cầu của nghề nguy hiểm. Bà từng đu dây tử thần từ nóc hãng phim, đốt toàn thân cho một cảnh quay tài liệu, băng qua đường để cướp tông xe… và thực hiện hàng chục vụ đánh nhau quyết liệt trên khắp màn ảnh. Bà từng chia sẻ: “Làm nghệ sĩ mà không tự tay thực hiện những điều đó, để có những cảm giác với nghề thì phí lắm”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.