Du học "tại gia" thạc sỹ liên kết quốc tế

Du học "tại gia" thạc sỹ liên kết quốc tế
Ngày nay, với các chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với nước ngoài tại Việt Nam, những người muốn nhận tấm bằng thạc sĩ nước ngoài không còn phải băn khoăn về hàng loạt rào cản.

Cùng với sự mở cửa kinh tế, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thời đại trở thành một đòi hỏi cấp thiết, nhưng việc tiếp cận với nền giáo dục quốc tế ở nhiều khía cạnh  còn gặp khó khăn.

Du học thường đồng nghĩa với việc người học phải đầu tư rất nhiều về thời gian, tiền bạc, đôi khi phải hy sinh tình cảm, quan hệ cá nhân. Hơn nữa, sự khác biệt lớn về văn hoá tại nước ngoài dễ làm lưu học sinh ức chế, thiếu tự tin trong giao tiếp với giáo viên bản xứ và bạn học. Nó đòi hỏi những nỗ lực thích nghi với cuộc sống học tập và sinh hoạt mới.

Với các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài tại Việt Nam, khoảng cách địa lý được xoá bỏ. Người học có thể theo chương trình học mà không phải xa gia đình và có thể đảm đương đầy đủ nhiệm vụ ở cơ quan.

Sự khác biệt văn hoá giữa sinh viên và giáo viên nước ngoài giảm đi khi các giáo viên nước ngoài đều ít nhiều tìm hiểu về văn hoá, con người Việt Nam để điều chỉnh cách giao tiếp và phương pháp giảng dạy cho thích ứng với học viên Việt Nam.

Xét về khía cạnh tâm lý, tình trạng ức chế hay phức cảm tự ti của sinh viên Việt Nam sẽ được giải toả đáng kể khi du học “tại gia”.

Xóa rào cản ngôn ngữ

Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ trong giao tiếp đã khó, theo học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài lại càng khó hơn, đặc biệt với những học viên có tuổi.

Ở nước ngoài, giảng viên hiếm khi quan tâm đến trong lớp có học viên nước ngoài không. Nhiều du học sinh có khả năng nghe, hiểu và ghi chép hạn chế buộc phải mượn vở của sinh viên bản xứ về chép lại.

Nắm được đặc điểm này, nhiều trường đại học triển khai các chương trình đào tạo liên kết tại Việt Nam bằng việc tổ chức cho các giảng viên nước ngoài giảng dạy thông qua phiên dịch hoặc giờ dạy của họ có sự tham gia của các giảng viên người Việt uy tín.

Thông thường, các thông dịch viên cũng là giảng viên từng du học, nên với vốn kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ sâu rộng, họ có thể chuyển tải một cách trung thành bài giảng của giảng viên nước ngoài.

Nói như vậy không có nghĩa hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo đều cao. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào quy trình quản lý chất lượng chương trình đào tạo, mức độ phù hợp của nội dung giảng dạy với thực tiễn Việt Nam.

Chưa nhiều chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ quốc tế được đầu tư kỹ lưỡng như chương trình thạc sĩ “Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm” (Việt Nam và Đông Nam Á) của Khoa quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chương trình có sự tham gia tư vấn ý kiến chuyên môn của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính của cả hai nước Việt - Pháp trước khi được Bộ giáo dục Đại học và Nghiên cứu - Cộng hoà Pháp phê chuẩn.

Cũng chưa nhiều chương trình tạo dựng được những giờ học mang tính tương tác cao giữa học viên và giảng viên Việt Nam hay nước ngoài. Nguyên nhân cơ bản là các học viên vừa học vừa làm ít có khả năng đầu tư thời gian tham khảo, nghiên cứu tài liệu … vốn là đặc trưng cơ bản của hệ thống giáo dục nước ngoài…

Khi giảng viên - học viên phải tiếp xúc, trao đổi thông qua người thứ ba - phiên dịch viên, hiệu quả của việc học tập - giảng dạy phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và tâm huyết của người phiên dịch…

Như vậy, cơ hội nhận tấm bằng quốc tế đã mở rộng hơn nhiều cho những cán bộ, công chức Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng để nắm được cơ hội tuyệt vời đó, người học cần tìm đến những cơ sở đào tạo có uy tín và chọn lựa những chương trình phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng của mình.

MỚI - NÓNG