10 kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

10 kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
TPO - Kính gửi Ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân. Tôi là Đỗ Việt Khoa - Giáo viên trường THPT Vân Tảo - huyện Thường Tín - Hà Tây, xin có vài kiến nghị.
10 kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ảnh 1
Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân (bên trái) đến thăm thầy Khoa và gia đình chiều 12/7. Ảnh: Quý Hiên

1) Tôi khẳng định: Chuyện thi cử ở mọi cấp học đều có tiêu cực. Nó diễn ra trên cả nước. Tuy nhiên, mức độ tiêu cực  mỗi nơi một khác. 

Tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng ở các hội đồng thi Hà Tây, Nam Định, Bắc Ninh... và những nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao. 

Tiêu cực trong hệ Đại học tại chức, trong Bổ túc THPT càng nặng nề hơn. Bộ phải có những biện pháp, những văn bản chấn chỉnh ngay hiện tượng này.

2) Tuyển sinh và đào tạo và thi tốt nghiệp ở các hệ Bổ túc văn hóa THPT và hệ Đại học tại chức rất kém chất lượng. Nó tạo điều kiện nâng cao bằng cấp chủ yếu cho giới lãnh đạo các địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị chấn chỉnh và thanh sát chất lượng ngay 2 loại hình này.

3) Căn bệnh thành tích, căn bệnh không trung thực, không dám nói, nói  dối, làm dối ngày càng nghiêm trọng trong ngành Giáo dục và trong xã hội. Khắp nơi có tình trạng nâng điểm, cấy điểm, cho điểm không đúng chất lượng thật của học sinh.

Phải chấm dứt tình trạng đó bằng cách phát động phong trào nói thật, làm thật. Có văn bản xử lý những nơi có tình trạng cho điểm không đúng thực tế.

4) Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa chưa phù hợp, việc thay sách thường xuyên rất gây tốn kém.

Đề nghị Bộ có văn bản  không ép học sinh các thành phố học môn kỹ thuật nông nghiệp. Học sinh thành thị không cần học môn đó.

5) Việc học và thi nghề phổ thông hoàn toàn vô bổ. Thực tế học sinh không học nghề đầy đủ. Việc thi chỉ cốt sao học sinh được cộng 1 - 2 điểm cho khỏi trượt tốt nghiệp THPT. Sau khi thi, gần như 100% học sinh đều có bằng tốt nghiệp nghề loại khá và giỏi, mặc dù các em không học gì.

Việc phổ cập tin học trong trường THPT cũng rất hình thức.

6) Nên xóa bỏ việc xếp loại cho học sinh tiểu học. Chỉ cần có 2 nhóm: hoặc lên lớp, hoặc không đạt thì ở lại lớp , như 1 số  nước trên thế giới đã làm. Không nên thi học sinh giỏi ở lớp 5 vì những việc này gây áp lực không cần thiết cho các cháu nhỏ.

7) Trong đào tạo đại học hiện nay chất lượng còn rất thấp. Đào tạo kiểu hàn lâm, lý thuyết suông, thiếu thực hành. Kiến thức và công nghệ mà sinh viên được đào tạo thường lạc hậu hơn những yêu cầu của đời sống, của sản xuất. Sinh viên ra trường không làm việc được ngay và thường phải đào tạo lại.

Hãy yêu cầu các công ty, các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động kỹ thuật cao phải tham gia đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao đó, bằng việc thỉnh giảng, đưa sinh viên đến thực tập tại các công ty của mình hoặc có đóng góp nào đó vào việc đào tạo lao động.

Mạnh dạn giảm số tiết của các môn học kinh điển như Lịch sử Đảng, Triết học… Tăng thời lượng các môn chuyên ngành và kỹ thuật.

8) Bộ cần xem xét lại việc tổ chức bộ máy lãnh đạo, nhất là công tác thanh tra: vừa thiếu, vừa yếu. Thanh tra phải là đội ngũ vừa mạnh, vừa sạch. Cần có cơ chế  sao cho hễ thanh tra Bộ nhận được đơn tố giác, hoặc các cuộc gọi điện tố giác tiêu cực, sai trái  thì thanh tra phải tiến hành thẩm định kiểm tra, xử lý ngay.

Không bắt buộc yêu cầu người tố cáo phải ra mặt, phải có đầy đủ chứng cứ. Bộ phải tìm chứng cứ từ việc thanh sát. Vừa qua thanh tra đã chưa làm được điều này.

Phải thiết lập đường dây nóng, và website chuyên trách tiếp nhận vấn đề tố cáo và những đề xuất xây dựng từ thầy cô, học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội khác. Chúng ta là ngành giáo dục, nên cần thiết phải đi trước 1 bước.

9) Cần xây dựng văn hóa từ chức và bỏ phiếu tín nhiệm trong ngành giáo dục, trong các trường học. Lãnh đạo nào sai trái, không dành được trên 50% phiếu tín nhiệm thì phải bị bãi chức.

Mặc dù đã có cơ chế  phân cấp quyền lãnh đạo, nhưng Bộ vẫn nên can thiệp xử lý trực tiếp các lãnh đạo sai trái trong  ngành giáo dục.

10) Tôi xin ủng hộ Bộ trưởng mở ngay cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử”

Hà Tây ngày 12/7/2006

MỚI - NÓNG