114.000 học sinh bỏ học: báo động đỏ!

114.000 học sinh bỏ học: báo động đỏ!
Từ tháng chín đến tháng 12/2007 (năm học 2007-2008), có tới 114.000 học sinh trên cả nước bỏ học là một hiện tượng bất thường!

Tỉnh, thành nào cũng có học sinh (HS) bỏ học và hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không nói là đang có tín hiệu ngày càng trầm trọng thêm

Đau đầu vì bỏ học!

Ngành giáo dục Quảng Ngãi đang đau đầu vì tình trạng HS tại các huyện miền núi đồng loạt bỏ học không chịu đến lớp, đến trường.

Từ sau Tết Mậu Tý đến nay, tại sáu huyện miền núi: Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long, Tây Trà và Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã có trên 4.000 HS các cấp bỏ học.

Nhiều giáo viên đã băng rừng, lội suối vượt đường xa đến từng nhà vận động HS ra lớp phải khóc ròng vì trong suốt hơn một tháng qua HS nghỉ học vẫn chưa chịu trở lại lớp.

Điểm nóng Sơn Hà

Từ trung tâm huyện lỵ Sơn Hà, chúng tôi vượt dốc về xã Sơn Bao. Dọc hai bên đường lô nhô mái nhà sàn nhưng hầu như nhà nào cũng vắng hoe không người.

Đến Trường THCS Sơn Bao, từ đầu dãy đến cuối dãy lớp học nào bàn ghế cũng trống trơn. Vào lớp 7A, nhìn lên bên góc phải tấm bảng ghi lớp có tổng số 37 HS nhưng vắng đến 21 HS, các lớp học còn lại vắng mấp mé lên gần 20 HS.

Rời trường, chúng tôi lần theo địa chỉ nhà em Đinh Thị Thốt, HS lớp 8B, ở thôn 5, xã Sơn Bao để gặp gia đình Thốt tìm hiểu nguyên nhân vì sao Thốt nghỉ học.

Nhà Thốt nằm sâu trong xóm nhỏ, lọt thỏm giữa hai bên dãy nhà sàn làm bằng tre và lồ ô. Bà Định Thị Biết - mẹ Thốt - buồn bã chỉ tay về phía núi trước mặt: "Con Thốt lên núi kiếm củi rồi. Tuần nào thầy cô trong trường cũng đến nhà vận động mà nó vẫn không chịu trở lại lớp để học. Nó nói học miết mà không thuộc bài, mắc cỡ với các bạn lắm nên nghỉ học".

Trâu bò chết, học sinh phải nghỉ!

Ở Trường THCS bán trú cụm xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Bùi Dũng - hiệu trưởng nhà trường - nói như phân trần: "Chưa năm nào các em nghỉ học nhiều như năm nay. Bây giờ các em đã nghỉ học tới 50%... Cứ đà này không biết đến cuối năm sẽ còn lại mấy em chưa rớt xuống sàng".

Năm học 2007-2008, trường có mười lớp với tổng số 335 HS, trong đó có hai lớp dành cho hệ bổ túc. Ngay từ đầu năm học nhà trường quyết tâm duy trì số HS đầu vào bằng việc tập trung ổn định cơ sở vật chất, nơi ăn ở để các em yên tâm học tập. Thế nhưng sau một thời gian, nhiều em bỏ học hẳn.

Thầy Bùi Dũng nói: "Vận động ra lớp rồi bỏ học, rồi vận động, rồi bỏ học... cứ lòng vòng mãi mà không thấy lối ra". Thầy Trần Xuân Quang - giáo viên chủ nhiệm lớp 9/2 - tâm sự: "Lớp học lúc 5 lúc 10 em như rứa, đứng ở lớp dạy cũng buồn lắm nhưng biết làm sao được. Hôm rồi có gia đình trâu bò chết rét đã nhắn tin con mình về không cho đi học nữa...".

Men theo dòng sông Tang, xã Sơn Bao, chúng tôi gặp em Phan Văn Thường, HS lớp 10 Trường THPT Sơn Hà, đã nghỉ học vài tháng trước.

Chống ghe đẩy vào sát bờ, quần áo của Thường ướt sũng, môi run lập cập tím tái vì lạnh.

Thường gãi đầu lí nhí nói nhà có đông anh em, nghèo quá nên em nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Ngày nào em cũng cùng bạn trong thôn chèo ghe ngược dòng sông Tang đánh bắt cá, xúc sạn bãi bồi ven sông bán kiếm sống qua ngày.

Thầy giáo Nguyễn Văn Binh, phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Kỳ, trăn trở: HS nghỉ học ở nhà làm rẫy còn có thể vận động trở lại trường, còn HS bỏ học đi làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam, nhà trường có thương học trò đến mấy cũng đành lực bất tòng tâm.

Huyện ủy Sơn Hà vừa gửi công văn chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp cùng với các trường học trong huyện quyết tâm đến cuối tháng ba này phải huy động ít nhất 70% trong tổng số 1.436 HS bỏ học trở lại lớp.

Ám ảnh "ngôi trường 0%"

Trở lại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi - "ngôi trường 0%", nơi không có HS nào đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm học 2006-2007. Trong những ngày qua, ngôi trường "đặc biệt" này có hơn 50% số HS nghỉ học.

Thầy giáo Bùi Thế Giới, quyền hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thở dài: "Trường có 175 HS nhưng nghỉ học hơn một nửa, kỳ thi học kỳ I kết thúc chỉ có 2/19 HS đạt học lực trung bình, còn lại là yếu, kém". Trường đã "thưởng nóng" cho hai HS đạt loại trung bình này mỗi em 300.000 đồng để khuyến khích tinh thần các em học tập.

Có thực tế đáng buồn là qua kỳ thi học kỳ I vừa rồi, trường có đến 80% số HS xếp loại học lực yếu, kém. Riêng 52 HS lớp 12 thi rớt kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, trong đó có năm HS đã đậu tốt nghiệp lần 2, còn 47 HS còn lại nghỉ ở nhà không chịu đến trường ôn tập để chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Theo thầy Giới, lo nhất hiện nay là các em HS không xác định động cơ học tập, càng học yếu càng chán nản nên nghỉ học ở nhà luôn, vận động cách gì cũng không chịu ra lớp.

Ông Đặng Tấn Thủ, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, lo lắng trường có một lớp 12, vỏn vẹn chỉ có 19 HS nhưng có đến 17 HS học lực yếu, kém, "cứ đà này mùa thi năm nay dễ lặp lại tình trạng "ngôi trường 0%" như năm ngoái".

Trường Dân tộc nội trú của huyện có 123 HS nhưng qua học kỳ I đã có hơn 2/3 là HS yếu, kém.

Ông Trần Hữu Tháp, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết sở đã có công văn chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường THCS, THPT ở các huyện miền núi phối hợp với các địa phương trực "báo động đỏ” tình trạng HS nghỉ học; rà soát, phân tích kỹ nguyên nhân HS bỏ học để có giải pháp vận động các gia đình và HS trở lại lớp học tập.

Ông Lê Hoài Thạnh, trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây - người có thâm niên công tác giáo dục tại huyện miền núi Sơn Tây hơn 20 năm qua, chia sẻ: để chấn chỉnh tình trạng HS bỏ học tại các huyện miền núi, ngành giáo dục cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể hỗ trợ tối thiểu điều kiện ăn, ở cho HS ở các huyện miền núi; mở các loại hình trường học bán trú cho HS...

Triệu tập khẩn cấp hiệu trưởng

Đầu tháng ba, UBND huyện Sơn Hà đã triệu tập khẩn cấp 40 hiệu trưởng các trường THCS và tiểu học trong huyện để phân tích nguyên nhân HS nghỉ học và tìm giải pháp vận động HS ra lớp. Tính từ sau Tết Mậu Tý đến nay, huyện Sơn Hà có đến 1.436 HS các cấp nghỉ học, trong đó HS THCS chiếm tỉ lệ 2/3 với 955 HS nghỉ học.

Thầy Võ Văn Tùng, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bao, huyện Sơn Hà, cho biết: trường có 266 HS nhưng có khoảng 100 HS đã nghỉ học. Hầu hết HS nghỉ học do kinh tế gia đình quá khó khăn phải ở nhà phụ giúp gia đình như: thu hoạch đót, làm nương rẫy, học yếu chán nản... bỏ học.

Đặc biệt, do trường chưa có khu bán trú, HS phải đi học quá xa, từ nhà đến trường phải đi bộ vất vả vượt qua nhiều đèo dốc, sông, suối trải dài trên 10km. HS đi học buổi chiều phải thường xuyên mang theo đèn pin, tiết thứ năm thường trốn học về nhà sợ trời quá khuya không về được.

Theo Minh Thu
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG