12 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2008

12 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2008
TPO - Chiều nay, 13/1, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã công bố 12 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo trong năm 2008.

Cuộc vận động "Hai không": Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục được ngành giáo dục cả nước tiếp tục triển khai quyết liệt.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008 diễn ra nghiêm túc. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc qua hai đợt thi năm 2008 là 86%, cao hơn năm học trước 6%.

Bắt đầu từ năm học 2008 - 2009, Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhằm tạo một bước đột phá trong việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện cho học sinh...   

2. Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020 được Bộ GD&ĐT xây dựng từ tháng 8/2007 với sự tham gia của 27 nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ngành.

Dự thảo chiến lược xác định 6 thành tựu, 5 yếu kém của Giáo dục Việt Nam, nêu ra 6 quan điểm (triết lý) để phát triển giáo dục Việt Nam, xác định 3 mục tiêu và 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp có tính đột phá để phát triển giáo dục tới 2020.

Cuối năm 2008, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020 đã được giới thiệu để lấy ý kiến rộng rãi. Cuối tháng 2/2009, Bộ sẽ tổng kết việc góp ý kiến của tất cả các giới trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược để báo cáo Chính phủ.  

3. Triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội

Chủ trương chuyển hoạt động của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cả nước từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, đã được ngành giáo dục đào tạo triển khai từ năm 2007. Năm 2008 đánh dấu sự phát triển mới của đổi mới có tính chiến lược này. 

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 7 Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội cho ngành Du lịch, Chế biến Nông - Lâm - Thuỷ sản, Y tế và Hội thảo sinh viên với đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp.

Đến nay đã có 12 văn bản thoả thuận được ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, Ngành; gần 500 hợp đồng đào tạo và sử dụng nhân lực đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp với 10.000 cử nhân, kỹ sư được đào tạo theo địa chỉ. 

4. Xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính của giáo dục và đào tạo 2008 - 2012, tiếp tục thực hiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay để học với quy mô lớn. 

Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2012. Đề án đã được Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án là đề xuất nguyên tắc xác định mức học phí ở các cấp học và trình độ đào tạo: học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương;

Học phí đối với đào tạo nghề nghiệp thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành tiến tới đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo.

Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng đào tạo cho học sinh, sinh viên. Sau hơn một năm thực hiện (tính đến 31/12/2008) đã có 1.210 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng số tiền là 9.807 tỷ đồng.    

5. Tổng kết công tác giáo dục dân tộc và xây dựng các đề án cho giai đoạn 2009 - 2020

Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm đặc biệt: Đã tổ chức Hội nghị tổng kết trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 1997 - 2007 và phương hướng phát triển 2008 - 2020 (tháng 01/2008), Hội nghị giáo dục dân tộc toàn quốc (tháng 4/2008); triển khai xây dựng Đề án phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú...

6. Triển khai quyên góp hàng năm để mọi học sinh đi học đều đủ quần áo, sách giáo khoa và đồ dùng học tập

Ngày 24/9/2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kêu gọi các nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng khó khăn...

Tính đến ngày 7/1/2009, toàn ngành đã quyên góp được hơn 17 tỉ đồng, hơn 1 triệu sách giáo khoa, vở viết, gần nửa triệu chiếc quần áo, 15.000 đồ dùng học tập.

Bộ cũng đã tổ chức thực hiện chương trình "Thắp sáng tương lai". Chương trình nhằm tôn vinh những tấm gương học sinh sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn những giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong học tập...

7. Đột phá vào chất lượng đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo

Ngày 5/1/2008, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị toàn quốc về đánh giá chất lượng giáo dục đại học với sự tham dự của trên 400 đại biểu từ các Bộ, Ngành trung ương, đại biểu quốc tế và lãnh đạo các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.     

Ngày 30/8/2008, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về xây dựng và hoạt động của các trường đại học, cao đẳng thành lập từ năm 1998 đến nay.

Hơn 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập mới 23 trường đại học (22 trường tư thục, 1 trường công lập); nâng cấp lên đại học 55 trường (52 trường công lập, 3 trường tư thục).

Bộ GD&ĐT đã thành lập mới 23 trường cao đẳng (2 trường công lập, 21 trường tư thục) và nâng cấp 107 trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng.

Ngày 13/11/2008, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường thành lập mới từ năm 1998 đến nay báo cáo tình hình thực hiện các cam kết theo đề án khả thi thành lập trường. Trên cơ sở báo cáo của các trường, Bộ sẽ kiểm tra và công khai hoá thông tin trên mạng, đảm bảo sự minh bạch để xã hội cùng giám sát.

Bộ cũng tiếp tục phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng của khối giáo dục phổ thông và TCCN.

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính

2008 - 2009 là năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Ngày 25/9/2008, Bộ GD&ĐT và Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức lễ khởi công kết nối mạng giáo dục.

Viettel tài trợ miễn phí việc kết nối Internet băng thông rộng, thiết bị kết nối và thuê bao hằng tháng tới tất cả các trường phổ thông, mẫu giáo, mầm non, phòng GD&ĐT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục cộng đồng.

Xây dựng thư viện giáo trình đại học số trên trang web của Bộ với hơn 350 giáo trình và đã có 7 triệu lượt người truy cập. Tổ chức được 17 cuộc hội nghị, họp, giao ban toàn quốc qua mạng, tiết kiệm nhiều tỷ đồng so với họp bình thường.

Bộ đã cung cấp cho toàn ngành các phần mềm quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, hỗ trợ xếp thời khoá biểu, hệ thống họp và đào tạo qua mạng, e-Learning... giúp toàn ngành tiến nhanh, tiến mạnh về CNTT trên phạm vị rộng lớn...

9. Tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII - 2008 và Đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam xếp thứ Nhì tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 14.

Hội khoẻ Phú Đổng được tổ chức thành công ở cấp cơ sở, cấp khu vực và toàn quốc với sự tham gia của 12.534 vận động viên của 64 đoàn/63 tỉnh, thành phố, thi đấu 17 môn thể thao với 382 nội dung.  

Trên cơ sở kết quả của Hội khoẻ Phù Đổng, Đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam được thành lập và đã tham gia Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 14 - 2008 tổ chức tại Malaysia từ ngày 12 đến 21/12/2008 với 116 vận động viên sinh viên.

10. Thành lập Đại học Việt Đức, tổ chức thành công Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39

Đã thành lập Trường Đại học Việt - Đức, trường đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của Cộng hoà Liên bang Đức, trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức.

Tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) tại Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao. Kỳ thi có 82 đoàn quốc tế tham gia. Đoàn Việt Nam với 5 thí sinh dự thi đã xuất sắc đoạt 4 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng.

11. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú với số lượng nhà giáo lớn nhất từ truớc tới nay.

Ngày 17/11/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho 917 thầy cô giáo.

Năm 2008, việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú có điểm mới là mở rộng đối tượng xét tặng đối với nhà giáo đã nghỉ hưu và xét đặc cách cho các nhà giáo lão thành trên 70 tuổi có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, được giáo giới tín nhiệm.  

12. Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2008-2013) đã thành công tốt đẹp.

Đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với trên 1 triệu đoàn viên và lao động trong ngành. Đại hội diễn ra từ ngày 5 - 7/5/2008, với sự tham gia của 330 đại biểu chính thức và gần 300 đại biểu khách mời.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.