1/3 thí sinh trượt tốt nghiệp trên cả nước

1/3 thí sinh trượt tốt nghiệp trên cả nước
Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 17/6, cả nước có 55 tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2007. Thống kê nhanh cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước là 67,5%; giảm gần 25% so với năm trước (2006 : 92%).
1/3 thí sinh trượt tốt nghiệp trên cả nước ảnh 1
Thí sinh trước giờ thi. Ảnh : Phạm Yên

Số thí sinh phải tham gia thi lại vào lần 2 chiếm gần 320.000 em.

Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 17/6/2007, cả nước có 55 tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007. Bước đầu chỉ có 7 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tốt nghiệp từ 80% - 95%.

Cao nhất là Tp Hồ Chí Minh với 95,1% học sinh tốt nghiệp THPT và 64,8% tốt nghiệp bổ túc THPT. Có 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp từ 70 – 79,9%. Những địa phương trong tốp dẫn đầu kỳ thi tốt nghiệp 2007 là: Thái Bình với tỷ lệ tương ứng là: 93,4% đối với THPT và 57% đối với bổ tuc THPT; Nam Định: 90,31% hệ THPT và 59,37% hệ bổ túc THPT; Hà Nội:: 86,26% và 45,27% ; Khánh Hoà: 83,7% và 33%; Tiền Giang: 83,89% và 26%; Lâm Đồng: 80,79% và 24,4%...

Những “điểm đen” trên bản đồ giáo dục

Một số đơn vị không có một học sinh nào đỗ tốt nghiệp, rơi vào các trường dân lập hoặc TTGDTX. Đó là trường:

THPTDL Vân Phú, Phú Thọ; THPT Đinh Tiên Hoàng, Quảng Ngãi; TTGDTX huyện Mù Căng Chải, TTGDTX huyện Nghĩa Lộ (Y ên B ái); Công ty chế tạo máy Cẩm Phả và Công ty tuyển Than Cửa Ông (Quảng Ninh); … Trường Dân tộc Nội trú huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chỉ có 1 em đỗ tốt nghiệp;…

Đó là những tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt dưới 50% là: Lai Châu: 45,97%; Nghệ An: 44,57%; Hoà Bình:33,1%; Cao Bằng: 27,78%. Yên Bái: 26,68%, Sơn La: 24,38%; Tuyên Quang: 14,04%. Đó cũng chính là mảng đen của hệ bổ túc THPT với chỉ có vài tỉnh trên 50% đạt tốt nghiệp bổ túc THPT là (Tp Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình…). Vài chục tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp này là 10-20%.

Số tỉnh đạt tốt nghiệp bổ túc THPT trên 30% chỉ lác đác. Đây là năm tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT thấp nhất từ trước đến nay với ít nhất 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh hệ bổ túc THPT đỗ tốt nghiệp dưới 10%.

Thứ tự như sau: Tuyên Quang: 0,21% (nghĩa là trong số 925 thí sinh dự thi chỉ có 2 em đạt điểm trên trung bình); Sơn La: 3,22%; Gia Lai: 3,61%; Đồng Tháp: 4,84%; Kon Tum: 6,5%; Nghệ An: 7,82%; Đắc Lắc: 8,89%; Quảng Nam: 9,26%; B à Rịa Vũng Tàu: 9,43%.  

Những “điểm đen” trên bản đồ giáo dục cả nước cho thấy các lỗ hổng về cả kiến thức của học sinh và cả cách giảng dạy thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm của giáo viên và cả sự bàng quang của các bậc phụ huynh cũng như năng lực kém cỏi của các nhà quản lý.

Sự chân thực chưa đồng đều

Ước tính tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của cả nước là 65 – 70%, giảm nhiều so với năm 2006 (92%). Việc giảm tỷ lệ tốt nghiệp năm nay, các thầy cô giáo, phụ huynh và toàn xã hội có thể biết trước bởi đây là kỳ thi Bộ Giáo dục Đào tạo quyết tâm siết chặt kỷ luật và chấp nhận kết quả thực chất “không thành tích”.

Tuy nhiên, mức giảm này nhìn chung không đồng đều cho thấy không phải hội đồng thi nào, tỉnh nào cũng nghiêm túc. Vì thế có thể thấy những tỉnh có cùng điều kiện như nhau, sức học ngang nhau lại có tỷ lệ tốt nghiệp rất chênh nhau: Nghệ An: 44,57%; Hà Tĩnh: 73,71%.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn được coi là mặt bằng chất lượng giáo dục thấp nhất cả nước (biểu điểm thi chung đề thi tuyển sinh đại học thấp nhất nhiều năm nay) nhưng lại có tỷ lệ tốt nghiệp khá cao, ngang bằng các thành phố và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ- nơi được đánh giá chất lượng giáo dục cao nhất nước : Cần Thơ: 79,54%; Vĩnh Long: 70,62%; An Giang: 71,68%; Tiền Giang: 83,89% Bà Rịa -Vũng Tàu: 69,85%; Đồng Nai: 72,3%; Đ ồng Th áp: 70,64%; Bến Tre: 79,63%; Bình Thuận: 75,54%.

Các TP và tỉnh đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ khá là: Đà Nẵng: 76,2%; Hải Phòng: 77%; Bắc Ninh: 75,3%; Hải Dương: 77,96%... Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức thật nghiêm túc, chặt chẽ, quyết liệt thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ giảm mạnh và kết quả đúng thực chất. (Hà Tây: 57,16%; giảm 50% so với năm 2006 dù Hà Tây là 1 trong 10 tỉnh có kết quả điểm thi vào đại học cao nhất cả nước).

Nhiều nơi cũng đã nghiêm túc trong chỉ đạo nhưng đến mọi thầy cô lại “nhẹ tay” hơn nên tỷ lệ có “giảm” nhưng vẫn còn “ảo”. Thậm chí một số cá biệt còn “đứng bên ngoài cuộc vận động “Hai không” tạo nên bất công cho những địa phương thi nghiêm, học thật mà kết quả cũng chỉ “thường thường bậc trung” trong bức tranh tổng thể về kỳ thi t ốt nghiệp năm 2007.

Theo Hoàng Hoa
TTXVN

MỚI - NÓNG