Lại rộ lên các vụ in lậu sách giáo dục

Lại rộ lên các vụ in lậu sách giáo dục
Mặc dù Nhà nước đã có chế tài xử phạt, nhưng thời gian gần đây hiện tượng in lậu sách giáo dục lại rộ lên sau hàng loạt các vụ in lậu bị phát hiện.

Theo nguồn tin từ Cục A25 (Bộ Công an), từ năm 2000 - 2004, lực lượng an ninh văn hoá - tư tưởng của Bộ và công an các địa phương đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm.

Điển hình nhất là vụ Nhà xuất bản Đà Nẵng đã liên kết với một số đối tác (chủ yếu ở TPHCM) cấp 548 giấy phép, xuất bản trên 707 đầu sách tham khảo cho HS với các sai phạm: Trên 600 đầu sách không đúng với đề tài do Cục Xuất bản duyệt, không nộp lưu chiểu...

NXB Đà Nẵng đã sử dụng phương thức: Đối tác liên doanh tự khai thác bản thảo sách gửi cho NXB Đà Nẵng biên tập và cấp giấy phép xuất bản. NXB Đà Nẵng thu phí xuất bản từ 7 - 8% giá tiền ghi trên bìa nhân với số lượng bản sách ghi trong giấy phép. Sau khi nhận được giấy phép xuất bản và bản thảo đã được biên tập, đối tác tự liên hệ với các cơ sở để in.

Như vậy, về thủ tục, NXB Đà Nẵng đứng tên ký hợp đồng in với cơ sở in, song không có sự kiểm tra giám sát. Tháng 11/2004, PA25 Công an Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội kiểm tra 2 chủ kinh doanh nhà sách "Tiến Thọ" tại 818/9 đường Láng và cửa hàng "Sách 610" tại số 610 đường Láng.

Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 102 đầu sách với 5.709 cuốn sách in lậu, trong đó phần lớn là sách tham khảo cho HS phổ thông; có 42 đầu sách lậu, nhưng vẫn có hoá đơn xuất hàng của các nhà sách: Võ Sĩ Tuấn, Trường Giang, Thành Nghĩa, Nhân Văn và Bình Thạnh... tại TPHCM.

Tại TPHCM, PA25 Công an TPHCM phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin thành phố phát hiện vụ Bùi Khánh Loan (C113 Đoàn Văn Bơ, quận 4) in lậu, tiêu thụ sách giáo dục. Cơ quan chức năng đã thu trên 20 tấn sách các loại, trong đó có 13 đầu sách tham khảo cho HS phổ thông với khoảng 24.844 cuốn và 99 đầu sách của các NXB khác.

Cách đây chưa lâu, CA tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện một số quầy sách tại TP.Vinh bán cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh trung học chuyên nghiệp 2005" của NXB Giáo dục không có tem chống in lậu.

A25 đã phối hợp với Ban chống in lậu của NXB Giáo dục, PC13 Công an Hà Nội và Thanh tra Sở VHTT kiểm tra xưởng in NXB Thống kê và phát hiện: Xưởng in không dán 2.000 tem chống in lậu của NXB Giáo dục.

Làm sao phân biệt sách thật với sách lậu?

Theo NXB Giáo dục, người tiêu dùng có thể căn cứ vào các chỉ tiêu để phân biệt sách "xịn" với sách in lậu qua vật tư đóng xén, quy cách đóng sách (sách "xịn" được đóng lồng đối với sách từ 88 trang trở xuống và hình thức khâu chỉ hoặc phay gáy - đối với sách trên 88 trang). Riêng SGK từ lớp 1 - 9 bắt buộc phải khâu chỉ vào bìa keo nhiệt.

Mỗi cuốn sách của NXB Giáo dục đều có logo in ở bìa 1, trang 1 và gáy tất cả các cuốn sách; mã số xuất bản (gồm phần mã số thư viện và phần số xuất bản); mã số sách NXB Giáo dục được in ở tất cả tên sách theo một mã số riêng gồm 7 ký tự; mã vạch theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Mã số mã vạch; thông tin bản quyền được in ở cuối trang 2 của tất cả các cuốn SGK mới; tem chống hàng giả dùng 1 lần được thay đổi hằng năm.

Mẫu tem chống hàng giả 2005 có hình êlíp, kích thước 13x18mm, được chia thành nhiều lớp khác nhau tạo độ phản quang và biến đổi đặc biệt; ký hiệu chống in giả có hình tròn, đường kính 2cm, chính giữa dấu + được bao quanh bởi 5 vòng tròn đồng tâm gồm 2 vòng chữ NXBGD được "mã hoá" riêng gồm 1 chữ cái và 2 chữ số.

MỚI - NÓNG