Tuyển sinh căng thẳng vì phân luồng yếu

Tuyển sinh căng thẳng vì phân luồng yếu
Một nguyên nhân trực tiếp của tình trạng tuyển sinh vào lớp 10 và vào đại học, cao đẳng ngày càng trở nên căng thẳng, gay gắt, là do hiệu quả phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT còn hạn chế.
Tuyển sinh căng thẳng vì phân luồng yếu ảnh 1
Học sinh học nghề tại Trường trung cấp nghề - Kỹ thuật nghiệp vụ Hùng Vương - Ảnh: N.HÙNG (Tuổi Trẻ)

Năm 2007, khi gần 400.000 thí sinh trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 1, một quan chức của Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Con số học sinh trượt tốt nghiệp không chỉ phản ánh chất lượng giáo dục. Đó còn là thông số quan trọng cho thấy, việc phân luồng học sinh sau THCS chưa tốt.

Nếu phân luồng hiệu quả, hàng trăm ngàn học sinh không phí thời gian và công sức để học ba năm THPT, để rồi không đủ sức vượt qua được kỳ thi cuối cấp”.

Nhận định này sau đó còn được chứng minh: ở lần thi tốt nghiệp thứ hai, trong tổng số 390.000 thí sinh thi lại, có 43.000 em bỏ thi và gần 240.000 em vẫn thi trượt.

Hàng trăm ngàn học sinh “nhầm đường”

“Có thể nói, đó là những học sinh chọn nhầm đường đi. Rõ ràng, nếu được phân luồng, được định hướng chọn một con đường học hành phù hợp với năng lực bản thân hơn, hàng trăm ngàn học sinh đã không uổng phí ba năm học THPT.

Các em có thể đi theo những luồng khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS: học nghề, vào học tại các trường TCCN, để sau cùng khoảng thời gian đó, có một nghề trong tay, đồng thời vẫn đạt được trình độ văn hóa bậc trung học” - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, phân tích.

Tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN là chủ trương đã có nhiều năm. Đi liền với đó là rất nhiều trường TCCN xây dựng chương trình đào tạo phù hợp và tuyển sinh đầu vào đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Nhưng, hệ đào tạo này luôn ế ẩm.

Theo số liệu của chính Bộ GD-ĐT, hằng năm, chỉ có 20.000 - 25.000 học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Con số này chỉ chiếm chưa tới 10% so với tổng quy mô đào tạo TCCN hằng năm.

Nếu so với số học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm không học tiếp lên THPT, thì số lượng này cũng chẳng đáng kể. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hằng năm có 550.000 - 580.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng vì nhiều lý do không tiếp tục học lên THPT.

“Nếu số học sinh này không được đào tạo nghề, cứ thế đi thẳng ra thị trường lao động thì không chỉ là một sự lãng phí về vốn con người, mà có thể còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội trong hiện tại và tương lai nếu không được đào tạo để trở thành lao động có kỹ năng” - ông Vinh đánh giá.

Nhiều luồng bế tắc, một luồng quá thông

Tuyển sinh căng thẳng vì phân luồng yếu ảnh 2Không phân luồng được học sinh sau mỗi bậc học trung học là một sự lãng phí và sẽ gia tăng gánh nặng lao động không được đào tạo cho xã hộiTuyển sinh căng thẳng vì phân luồng yếu ảnh 3

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

Hiện nay, luồng vào THPT chiếm xấp xỉ 80% học sinh tốt nghiệp THCS. Hệ thống trường THPT công lập ở nhiều địa phương hiện nay chỉ đáp ứng được 40 - 60% nhu cầu học tập của học sinh. Nhưng đã có hệ thống trường ngoài công lập ngày càng phát triển phục vụ nhu cầu này.

Không ít tỉnh, thành còn đặt mục tiêu sau khi phổ cập xong THCS tiến tới phổ cập trình độ THPT. Cách hiểu phổ cập là tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều được học lên THPT đã khiến nhiều địa phương tạo ra những chính sách khuyến khích cho cả cơ sở giáo dục lẫn người học, đi ngược lại chủ trương phân luồng.

Vì sao phân luồng sau THCS và THPT hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn?

Có rất nhiều lý do: do nhận thức của xã hội đối với học nghề, điều kiện đầu tư mở rộng, mạng lưới các cơ sở dạy nghề và TCCN có chất lượng còn hạn chế (nên chưa đủ sức thu hút các học sinh tốt nghiệp THCS vào học).

Bên cạnh đó, hệ thống tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện nay hoạt động yếu, ở nhiều trường vẫn chưa quan tâm và thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Danh Ánh (Viện Nghiên cứu - đào tạo và tư vấn Khoa học Công nghệ), phân luồng kém còn do sự phát triển giáo dục trung học và giáo dục đại học chưa tính đến điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi vùng miền, hệ thống giáo dục trung học và sau trung học được thiết kế thiếu tính liên thông...

Đặc biệt, việc làm trong xã hội cho những người học nghề, học TCCN ngay sau khi tốt nghiệp THCS cũng rất hạn chế, chưa tạo được nhiều đầu ra cho các trường dạy nghề và TCCN là một nguyên nhân quan trọng...

Hệ quả trước mắt của tình trạng đa số chỉ đi theo một luồng duy nhất lên bậc học cao hơn làm kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng căng thẳng, gắt gao.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư Đặng Danh Ánh, theo trào lưu, sức ép tâm lý đối với các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội phải chạy đua để vào lớp 10, vào đại học, cao đẳng sẽ càng tăng, gây tốn kém, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như dạy thêm, học thêm tràn lan, gian lận thi cử...

Ông Ánh còn cảnh báo: sự cố gắng quá sức của một bộ phận không nhỏ những học sinh nhầm luồng còn kéo tụt mặt bằng chất lượng giáo dục ở những bậc học cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng kém, trình độ, năng lực thật không tương xứng với bằng cấp.

Còn về lâu dài, ở tầm vĩ mô, không phân luồng được sẽ làm mất cân đối cơ cấu đào tạo, dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực, cơ cấu trình độ lao động.

Tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên không khó, nhưng việc giải quyết được những trở ngại để thông luồng thì Bộ GD-ĐT vẫn đang bó tay.

Đào tạo nghề cho học sinh rớt lớp 10

Giữa tháng 4/2009, Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận (TP.HCM) tổ chức buổi họp với 300 phụ huynh có con em học lực từ trung bình trở xuống, đang học lớp 9 trên địa bàn quận. Buổi họp có sự tham dự của lãnh đạo bốn trường nghề.

Tại buổi họp, đại diện Phòng GD-ĐT phân tích những cơ hội dành cho học sinh thi rớt lớp 10 công lập, định hướng cho các phụ huynh, khuyên phụ huynh nên cho con em mình đăng ký xét tuyển vào các trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Đây là một hoạt động nằm trong dự án phân luồng học sinh sau THCS, THPT của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận.

Theo đó, nếu học sinh đồng ý học nghề tại bốn trường trên (trú đóng trên địa bàn hoặc địa bàn lân cận quận Phú Nhuận), UBND quận Phú Nhuận sẽ hỗ trợ 50 - 100% học phí cho các học viên tùy đối tượng.

Sau khi tốt nghiệp tại trường nghề và lấy bằng tốt nghiệp THPT, nếu không muốn đi làm ngay, học sinh vẫn có thể dự thi vào trường đại học, cao đẳng.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG