30 điểm vẫn 'trượt đại học': Bất ổn của kì thi 2 trong 1

Nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương (Ảnh: NVCC)
Nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương (Ảnh: NVCC)
TPO - Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) cho rằng việc nhiều thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 là bất thường cho thấy sự bất ổn của kì thi “2 trong 1”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số vấn đề nổi cộm khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xuất hiện 'mưa điểm 10' gấp hơn 40 lần năm trước, bên cạnh đó lại nổi lên việc nhiều thí sinh có điểm thi cao trên 29, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt đại học do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Phóng viên tiền phong đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản).

Điểm chuẩn quá cao: Bất thường

PV: Ở khâu xét tuyển năm nay, dư luận đặc biệt quan tâm việc nhiều thí sinh đạt 29, 30 điểm vẫn trượt đại học. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này và nguyên nhân này do đâu?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Hiện tượng này vừa bình thường vừa bất thường. Bình thường là vì thi tuyển sinh đại học khác thi tốt nghiệp. Trong thi tốt nghiệp người ta sẽ đặt ra điểm chuẩn trước khi tiến hành thi và những thí sinh nào vượt qua điểm chuẩn đó thì được coi là “đỗ”. 

Tuy nhiên, trong thi đại học thì không như vậy, điểm chuẩn sẽ được đặt ra sau khi đã tiến hành kì thi, có kết quả thi. Điểm chuẩn là thứ được đặt ra khi người ta đã xác định được đủ số lượng thì sinh cần lấy.

Cách thức này hiểu đơn giản là kiểu lấy đủ thí sinh cần thiết theo thứ tự điểm số từ cao đến thấp. Nếu xét theo “luật chơi” này thì một khi thí sinh tập trung nguyện vọng vào một số trường nào đó thì chuyện điểm cao vẫn bị trượt là đương nhiên. Ở góc độ này nó là cuộc chơi có tính công bằng. 

Nhưng nó cũng thể hiện sự bất thường vì điểm chuẩn quá cao. Khi điểm chuẩn quá cao sẽ làm khó cho người làm tuyển sinh vì tiêu chí để xét chỉ là điểm số của kì thi. Khi các thí sinh có mức điểm như nhau mà số lượng chỉ tiêu có hạn, người làm công tác tuyển sinh sẽ gặp khó. 

Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Việc xét tốt nghiệp chuyển cho các trường THPT và thay đổi cách xét tốt nghiệp. Giáo dục là tạo ra con người. Đánh giá học sinh phải là đánh giá toàn diện chứ không phải chỉ là việc đánh giá điểm số các môn học. 

Ông Nguyễn Quốc Vương  

Sự bất thường này nói lên sự bất ổn của kì thi “2 trong 1”. Một đề thi dùng cho hai mục đích khác nhau (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh) đại học cùng phương thức thi trắc nghiệm đã tạo ra hệ lụy này. 

PV: Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi thực sự thành công? Ông có tin tưởng vào đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay không khi nhiều nhà giáo dục đánh giá là không phân hóa tốt dẫn đến điểm cao tràn lan?

Tôi nghiêng về phía các ý kiến cho rằng kì thi vẫn gặp nhiều vấn đề mà vấn đề cơ bản nhất là ghép hai kì thi có mục đích khác nhau làm một. Thi tuyển đại học phải tách rời với thi tốt nghiệp vì yêu cầu đặt ra cho thí sinh là khác nhau. 

Đề thi xã hội chưa kiểm tra được năng lực học sinh?

PV: Đây là năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT quốc gia theo hình thức thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ ngữ văn). Ông thấy kỳ thi năm nay đã đạt và không đạt được những gì?

Về tổng thể tôi không dám nhận xét vì không đủ tầm nhìn và kiến thức. Tuy nhiên xét riêng về các môn Khoa học xã hội thì tôi thấy đề thi chưa đạt đến khả năng kiểm tra được năng lực của học sinh. Các đề vẫn đơn giản là kiểm tra tri thức (hiểu, ghi nhớ) của học sinh. Chẳng hạn đối với môn sử, đề thi chưa thể hiện được khả năng kiểm tra được tư duy và phương pháp sử học của thí sinh. 

PV: Theo ông, kỳ thi 2 in 1 như hiện nay nên giữ ổn định không? Nếu có đề xuất về kỳ thi THPT quốc gia, đó là gì?

Theo tôi nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Việc xét tốt nghiệp chuyển cho các trường THPT và thay đổi cách xét tốt nghiệp. Giáo dục là tạo ra con người. Đánh giá học sinh phải là đánh giá toàn diện chứ không phải chỉ là việc đánh giá điểm số các môn học. Cần giao việc xét tốt nghiệp toàn diện cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy và các trường để việc này không còn căng thẳng và đi vào thực chất hơn. Ở Nhật nghiêm túc là thế mà họ cũng chẳng có kì thi tốt nghiệp THPT.

Đối với tuyển sinh đại học các trường cần chủ động. Các trường đại học cần tuyển sinh không chỉ dựa vào bài thi trên giấy để kiểm tra tri thức giáo khoa như cách làm lâu nay mà còn cần có thêm phỏng vấn, duyệt hồ sơ, cho thí sinh viết luận. Làm như vậy tôi tin sẽ tuyển được thí sinh phù hợp hơn là chỉ căn cứ vào bài thi trên giấy. 

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.