4.000 tỷ đồng cho HS,SV vay trong học kỳ I năm tới

4.000 tỷ đồng cho HS,SV vay trong học kỳ I năm tới
TP- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn vay phục vụ học kỳ I năm học 2009 - 2010 với số vốn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Trượt giá, tăng học phí (nếu có) là các căn cứ để chính phủ điều chỉnh mức vay tương ứng cho học sinh, sinh viên.

4.000 tỷ đồng cho HS,SV vay trong học kỳ I năm tới ảnh 1
Sẽ tăng mức cho vay đối với HS-SV. Ảnh: Phạm Yên

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cam kết tại hội nghị sơ kết hai năm đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên được tổ chức hôm qua, 16/6.

Tháng 9/2009, việc vay vốn sẽ được rà soát lại. Nếu cần thiết, Chính phủ sẽ bổ sung theo nhu cầu thực tế (nếu mức vay được quy định tăng).

Hiện tại, đề án đổi mới cơ chế tài chính trong quản lý giáo dục trong đó kiến nghị điều chỉnh học phí đang chờ Quốc hội thông qua. Nếu được thông qua, mức vay của học sinh, sinh viên sẽ được tăng tương ứng với mức tăng học phí. Ngoài ra, việc điều chỉnh mức vay cũng sẽ tính đến hệ số trượt giá.

Đại diện Đại học Đà Nẵng còn kiến nghị, không nên tính lãi trong những năm sinh viên, học sinh đang theo học mà chỉ tính khi họ đã ra trường (trừ những năm lưu ban hoặc vi phạm kỷ luật bị đình chỉ học tập).

Đổi đời

Phải rất tiết kiệm mới đủ sinh hoạt

Vũ Kim Tuyến (sinh viên năm thứ ba, Khoa Kế toán - Học viện Tài chính): Ba năm nay, nhờ vào tiền vay vốn hỗ trợ sinh viên của Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội bố mẹ em đỡ vất vả hơn trong việc lo tiền cho em ăn học.

Nhà em thuộc diện hộ nghèo ở Triệu Hóa - Thanh Hóa, nên ngay từ khi biết tin đỗ đại học, bố mẹ đi hỏi thủ tục để làm giấy xin vay vốn.

Cũng may thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy xác nhận em là sinh viên của trường và hồ sơ em thuộc diện hộ nghèo là được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chấp nhận cho vay.

Với 4 triệu/kỳ (năm tháng), số tiền đó phải rất tiết kiệm mới đủ để em sinh hoạt, mua sách tham khảo. 

Hải Yến ghi

Bà Nguyễn Thị Cảnh (khu phố 3, phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM) làm nghề bán rau, chạy chợ, có chồng là một viên chức ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Vợ chồng bà Cảnh có năm đứa con tuổi kề sát nhau.

Bà kể: “Nhà tôi lúc nào cũng cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, nhà cửa dột nát. Hễ trời mưa thì huy động bao nhiêu xô chậu, áo mưa cũng không đủ hứng nước. Con tôi nhịn đói đến trường là chuyện thường”.

Lần đầu tiên được vay từ chương trình 16 triệu đồng cũng là lần đầu bà Cảnh đóng học phí đầy đủ, đúng thời hạn cho cả bốn người con (một con học Đại học Sư phạm TPHCM nên không phải đóng học phí).

Trong hội nghị sơ kết hai năm đẩy mạnh chương trình tín dụng này, tại đầu cầu TP HCM, bà Cảnh chia sẻ: “Các con tôi vui như Tết, chồng tôi cũng cảm thấy bớt áp lực khi đi làm. Còn tôi, sau những tháng ngày tăm tối bên ao rau muống, lần đầu như mới thấy ánh mặt trời hồng”.

Gia đình bà Cảnh được vay tổng cộng 88 triệu đồng (để nuôi năm con ăn học), đến năm 2014 mới đến thời hạn cuối cùng để trả nợ.

Hiện tại, trong số các con bà Cảnh có hai con sắp tốt nghiệp đại học và cao đẳng, một con học cao học.

Bà Cảnh nói: “Khi các cháu ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định, gia đình tôi sẽ có kế hoạch trả nợ dần các món vay cho đến khi hết hạn”.

Hai năm gấp 47 lần chín năm trước

Chương trình tín dụng với học sinh, sinh viên được triển khai từ tháng 3/1998. Hơn chín năm sau (đến tháng 9/2007), tổng cộng chỉ có 100.000 học sinh, sinh viên được vay với tổng dư nợ là 290 tỷ đồng.

Sau hai năm đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với ưu đãi này, doanh số cho vay đạt 13.517 tỷ đồng với 1.335.000 học sinh, sinh viên (1.247.000 hộ gia đình) được thụ hưởng.

Phân tích cơ cấu đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy, hiện tại số đối tượng được vay không đúng như quy định rất ít: 913 hộ (5,4 tỷ đồng), chiếm 0,07 phần trăm tổng số vay vốn của chương trình.

So với tổng số 4.886.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên toàn quốc, số người được vay chiếm 27,3 phần trăm.

Trong đó, 42,6 phần trăm là sinh viên các trường ĐH; 22,2 phần trăm là sinh viên các trường CĐ; 15,5 phần trăm là học viên các trường trung cấp chuyên nghiệp. Học viên các trường dạy nghề chỉ chiếm 26,3 phần trăm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.