5 lưu ý đối với thí sinh thi đại học, cao đẳng

5 lưu ý đối với thí sinh thi đại học, cao đẳng
Làm bài thi trắc nghiệm như thế nào? Đi thi đại học cần mang theo những giấy tờ gì? Vật dụng nào được phép mang vào phòng thi?... Đó là những thông tin thí sinh (TS) phải “thuộc lòng” trong những ngày khăn gói đi thi.

Máy chấm thi sẽ không giống các vị giám khảo ở các bài thi tự luận. Tất cả những sơ suất đều có thể dẫn đến hậu quả máy không nhận dạng được bài thi và câu làm sai cách sẽ không được chấm.

TS cần giữ phiếu làm bài thật phẳng, không bôi bẩn, tránh làm rách bài thi và cần đọc kỹ hướng dẫn ghi phiếu trả lời trắc nghiệm (in ở mặt sau phiếu trả lời).

Theo hướng dẫn của các trường đại học, khi ghi số báo danh (mục 9), TS buộc phải ghi đủ sáu chữ số vào sáu ô. Hầu hết số báo danh đều chỉ có năm chữ số. TS phải ghi thêm số 0 vào ô đầu tiên, từ ô thứ hai trở đi mới ghi số báo danh của mình và tuyệt đối không bỏ trống ô nào.

Đồng thời, thí sinh phải tô đen ô tròn có số tương ứng trong mỗi cột bên dưới. Lưu ý, TS phải ghi và tô đầy đủ theo qui trình tương tự đối với mục ghi mã đề (mục 11).

Không nên bỏ buổi làm thủ tục dự thi

Buổi tập trung làm thủ tục dự thi này là cơ hội để TS được giám thị giải đáp những điều chưa rõ, nhất là những qui định liên quan đến hình thức thi trắc nghiệm.

Đối với các khối có môn thi năng khiếu, giám thị sẽ giải thích thêm những qui định của trường liên quan đến môn thi này. Đây cũng là thời hạn cuối để được chỉnh sửa những sai sót trên giấy báo thi.

“TS không nên chủ quan bỏ qua buổi tập trung làm thủ tục dự thi (ngày 3/7 đối với đợt 1 và ngày 8/7 đối với đợt 2), nhất là đối với các khối có môn thi trắc nghiệm”. Đó là lời khuyên của thầy Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Những giấy tờ cần mang theo

Khi đi thi, TS cần mang đủ các loại giấy tờ: giấy báo dự thi có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của trường dự thi; giấy CMND và thẻ học sinh để kiểm tra đối chiếu khi cần thiết; giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời đối với TS tốt nghiệp kỳ thi vào tháng 5/2007 hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT (đối với TS tốt nghiệp các năm trước).

Vật dụng được mang vào phòng thi

TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết (cùng một thứ mực và không phải màu đỏ); bút chì (chỉ dùng để làm bài trắc nghiệm và vòng tròn bằng compa trên giấy thi); thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ...

TS đặc biệt lưu ý chuẩn bị kỹ dụng cụ gọt bút chì, cục tẩy (gôm) để làm bài thi trắc nghiệm. Bút chì không quá mềm nhưng không quá cứng. Bút chì quá nhọn hoặc quá cứng dễ làm rách giấy, khó tô (TS phải mất quá nhiều thời gian để tô), sau khi tẩy xóa sẽ để lại dấu hằn trên giấy (máy tính sẽ tưởng là vết tô).

Loại bút chì thích hợp nhất theo khuyến cáo của các trường là loại chì từ 2B đến 6B.

TS không được mang vào phòng thi giấy than, bút xóa (các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo), các thiết bị có chứa thông tin, phương tiện thu phát, thiết bị gây cháy, nổ. Bảng tuần hoàn Mendeleev, atlas địa lý cũng không được mang vào phòng thi. 

Thi rớt vì “cái alô”

Chiếc điện thoại di động là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các trường hợp bị đình chỉ thi những năm qua. Trong đó, có khá nhiều trường hợp cuối giờ thi, “cái alô” trong túi quần bỗng ò e í. Chủ nhân của nó đành ngậm ngùi từ giã cuộc thi ngay cả khi không hề có ý định gian lận.

Ngoài ra, thầy Trần Thanh Phong, trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông lâm TP.HCM khuyên các TS khi đi thi, tốt nhất không nên mang theo các vật quí giá. Tất cả túi xách, vật dụng của TS đều phải để bên ngoài khu vực thi.

Theo Phúc Điền
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG