500 giáo viên mất việc: Không cứu nổi hay lạnh lùng, vô cảm?

 Chị Hồ Thị Mỹ Dung- giáo viên Trường THCS Vụ Bổn khóc nức nở khi nói về việc mình sắp bị mất việc. Ảnh: D.H
Chị Hồ Thị Mỹ Dung- giáo viên Trường THCS Vụ Bổn khóc nức nở khi nói về việc mình sắp bị mất việc. Ảnh: D.H
Có đúng là cả tỉnh Đăk Lăk không cứu nổi 500 giáo viên, hay họ đang “giận cá chém thớt”, là sự cứng nhắc theo một số quy định, vô cảm trước nỗi đau của những người bỗng dưng mất việc?

Sự việc bắt nguồn từ sai phạm của 3 đời chủ tịch huyện, khi họ chỉ đạo ồ ạt lập thêm phân hiệu, tách trường ra, chia nhỏ số lớp để lấy cớ hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế, dẫn đến dôi dư hơn 521 người. Sau khi xử lý những người sai phạm, tỉnh Đăk Lăk đã hối thúc huyện Krông Păk giải quyết hậu quả bằng cách… đẩy giáo viên ra đường.

Ra đường, hơn 500 nạn nhân của lãnh đạo huyện đã mất đi những gì? Chắc chắn bản hợp đồng lao động với mức lương từ 1 – 2 triệu đồng/tháng không phải là mục đích để các giáo viên “mất đi bao nhiêu tiền bạc” (như họ đã thốt lên khi nghe thông báo chấm dứt hợp đồng), mất bao nhiêu năm vất vả và mất luôn cơ hội tìm kiếm những công việc khác. Thực tế diễn ra đã cho họ biết rằng, bản hợp đồng chính là “bước đệm”, là con đường để mà vào biên chế. Do vậy, về thực chất, họ đã mất đi cơ hội vào biên chế, chứ không phải mất suất hợp đồng với mức lương chết đói. Và đấy mới là nguyên nhân sâu xa của sự bức xúc tột cùng.

Kỷ luật một người, kiểm điểm hai người nếu so với sự mất mát, đau khổ của hàng trăm giáo viên, hàng trăm gia đình thì chẳng thấm vào đâu. Nhưng vấn đề còn ở cách giải quyết hậu quả.

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, 605 giáo viên hợp đồng đã có chút hy vọng khi huyện trình được 3 phương án. Một là tổ chức thi tuyển trong nội bộ số này. Hai là thi tuyển rộng rãi (để lấy 84 người vào biên chế). Ba là giữ nguyên tất cả rồi lắp dần vào những biên chế nghỉ hưu. Lãnh đạo huyện lúc đó cho rằng, phương án thứ ba là hợp tình, hợp lý nhất, huyện sẽ nói không với tuyển dụng cho đến khi giải quyết xong số giáo viên này. Phương án này còn dựa trên cơ sở là số học sinh, số lớp học sẽ gia tăng qua từng năm. Nhưng tỉnh đã cứng nhắc, buộc chấm dứt hợp đồng, nghĩa là phủi tay hoàn toàn trước những hậu quả do cấp dưới gây ra. Cần nói thêm là cùng thời điểm, huyện Krông Păk đã bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng, nhưng số cán bộ này chẳng ai mất chức, mà được điều động từ trường thừa sang trường thiếu, được tại vị chờ thay thế hoặc đôn lên khi các hiệu trưởng, hiệu phó khác về hưu. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy?

Cũng là chuyện giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, nhưng không ít địa phương đã giải quyết một cách bình tĩnh, thấu tình đạt lý. Mới đầu năm 2018, tỉnh Đăk Nông (láng giềng chia tách từ Đăk Lăk) đã rất có trách nhiệm khi đồng ý trả lương đầy đủ cho hàng trăm giáo viên được thị xã Gia Nghĩa hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế. Lãnh đạo tỉnh còn giao Sở Nội vụ, Sở GDĐT phối hợp các huyện trong tỉnh luân chuyển giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu, tạo điều kiện cho các giáo viên hợp đồng dôi dư này được bồi dưỡng nghiệp vụ và tham gia tác giảng dạy…

Như vậy không thể nói là không có cách nào giải cứu hơn 500 giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc, mà chỉ có sự cứng nhắc, lạnh lùng, vô cảm của những người có trách nhiệm với lý do “quy định hiện hành”. Điều đó ai cũng làm được, chẳng cần phải suy nghĩ, họp hành.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.