'Mật phục' bắt thăm xin học mẫu giáo cho con

'Mật phục' bắt thăm xin học mẫu giáo cho con
TPO- Nằm vạ vật cả đêm ngoài đường, muỗi đốt sưng chân, cả nhà thay phiên nhau trắng đêm xếp hàng xin cho con học mẫu giáo. Đó là cảnh diễn ra trước một số trường mầm non ở Hà Nội tối qua và rạng sáng nay (1 - 7).

> Ảnh: Thức thâu đêm để xin học cho con

Phụ huynh này ôm chiếu dời trường mầm non Bình Minh khi đăng ký được một suất học cho con
Phụ huynh này ôm chiếu dời trường mầm non Bình Minh (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) khi đã đăng ký được một suất học cho con. Ảnh: Đỗ Hợp

Như chơi xổ số

Trường mầm non Chu Văn An (Hà Nội), mấy năm nay, đều“nóng” trước ngày làm thủ tục đăng ký nhập học (1 - 7). Trước một ngày, phụ huynh tập trung đông trước cổng trường để xin nộp hồ sơ cho con. Đêm trước tuyển sinh, phụ huynh mang ghế, chiếu, sách ngồi trước công trường... đợi đến khi trời sáng.

Năm nay, trường Mầm non Chu Văn An lựa chọn phương thức tuyển sinh... bắt thăm lấy số. Theo cô hiệu trưởng Vũ Thị Thanh Hà, hình thức này sẽ “đảm bảo công bằng, minh bạch và dân chủ trong điều kiện nhà trường không đủ khả năng tiếp nhận tất cả các cháu trong độ tuổi vào trường”.

Tuy nhiên, có mặt tại trường vào sáng nay, nhiều phụ huynh lại nghi ngại về hình thức “gắp thăm” này vì đi mua hồ sơ mà như đánh xổ số may rủi.

Bình thường cứ như mọi năm, theo tôi, còn đỡ tiêu cực hơn. Ai dám đảm bảo 100 người bốc trúng đã là đúng tuyến, đúng nguyện vọng trong đó - phụ huynh tên M ở Thụy Khuê cho biết.

Phụ huynh đợi mỏi mòn tại trường Mầm non Bình Minh
Phụ huynh đợi mỏi mòn tại trường Mầm non Bình Minh (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Đỗ Hợp

Năm nay, toàn trường Mầm non Chu Văn An được giao 145 chỉ tiêu, trong đó số lượng mẫu giáo là 90 cháu và nhà trẻ 55 cháu. Nhà trường cũng thông báo, sau ngày 1-7, tuyển sinh lứa tuổi mẫu giáo lớn (phổ cập) xong, sẽ phân chỉ tiêu cụ thể tới lứa tuổi mẫu giáo lớn và mẫu giáo bé.

Anh V nhà ở Thụy Khuê, cho rằng: “Nếu gắp thăm lấy số thế này càng nảy sinh tiêu cực. Có khi đúng tuyến vẫn phải trái tuyến như thường..."

Hai bố con mệt lả sau đêm thức trắng đăng ký học cho con tại trường Mầm non Thành Công A
Hai bố con mệt lả vì đăng ký học tại trường Mầm non Thành Công A (Hà Nội). Ảnh: Đỗ Hợp

"Mật phục" 

Tại trường mẫu giáo Bình Minh cơ sở 1, 2 (Lạc Long Quân, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), ngay từ tối 30-6, hơn 30 phụ huynh xếp hàng chờ vào nộp đơn cho con, cháu. Đến 8 giờ sáng nay, sau khi đăng ký xong, nhiều người mới mang chiếu, ghế ngồi về.

Dù trên bảng thông báo của trường Mầm non Thành Công A ghi rõ “không chấp nhận danh sách xếp hàng trước 1-7” nhưng vì sốt ruột, sợ không có chỗ cho con học, rất đông phụ huynh vẫn đến xếp hàng từ chiều hôm trước.

Phụ huynh Nguyễn Thị Thương cho biết, từ tối qua (30 - 6), chị và mẹ chồng thay nhau túc trực tại cổng trường: “Tối qua trường không mở cổng, cả trăm phụ huynh nằm ngoài đường, muỗi cắn đầy chân tay”.

Tuy bị muỗi cắn, nằm vật vạ cả chục tiếng nhưng chị Thương cũng thở phào nhẹ nhõm vì vừa đăng ký được cho con trai vào lớp mẫu giáo bé.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, phụ huynh thức trắng đêm đăng ký học cho con chỉ diễn ra ở một vài trường mầm non công lập chứ không phải ở tất cả các cấp học.

Ông Thống lý giải: "Nhu cầu học tập của học sinh và nguyện vọng của các gia đình rất đa dạng. Có những học sinh cư trú nơi này, hộ khẩu nơi khác, hoặc cũng có cha mẹ muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón; rồi cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực dân trí thấp nên xin trái tuyến chỗ khác”.

Ở Hà Nội vẫn còn nhiều nơi “trắng trường” mầm non

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định, mỗi phường đều có một trường mần non, trung học, THCS. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số địa bàn ở nội thành chưa có đủ trường mần non, trung học, THCS, như các phường Hàng Đào, Cửa Đông, Tràng Tiền (của quận Hoàn Kiếm); Ngã tư Sở, Khâm Thiên (của quận Đống Đa)… Một số khu đô thị mới chưa đủ trường công lập như khu đô thị Mỹ Đình- Mễ Trì (Từ Liêm), Thạch Bàn, Việt Hưng (Long Biên), hay Văn Phú, Phú La (Hà Đông),...

Đỗ Hợp
Theo Viết
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".