Có thể giải thể một số trường đại học

ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định). Ảnh: Vinh Hà
ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định). Ảnh: Vinh Hà
TP - Một số trường tuy không bị xử lý bằng biện pháp hành chính là ngừng tuyển sinh theo ngành hay theo trường, nhưng đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc tự giải thể.

> Đình chỉ tuyển sinh ba trường đại học, cao đẳng
> Lơ là kiểm định chất lượng trường đại học

ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định). Ảnh: Vinh Hà
ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định). Ảnh: Vinh Hà.

Mở ngành nhưng không có giảng viên

Tháng 12, Bộ GD&ĐT tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra 20 trường. Trước đó, một đoàn kiểm tra do Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phan Mạnh Tiến làm trưởng đoàn, kiểm tra 4 trường. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, khẳng định việc kiểm tra tiến hành bài bản, đúng luật. Kết quả kiểm tra cho thấy, bên cạnh một số điểm sáng, nhiều đơn vị đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí có nguy cơ phải giải thể.

Theo văn bản kết luận Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký ngày 29-12, có 3 đơn vị bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012, và năm 2013 nếu không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. Đó là ĐH Văn Hiến (TPHCM), ĐH Đông Đô (Hà Nội), CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM.

“Các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô đều thành lập từ cách đây hơn chục năm nhưng đến nay vẫn không có đất. Đã vậy, tỉ lệ sinh viên/giảng viên của họ đều cao (55,5 SV/GV - Đông Đô), thậm chí rất cao (95 SV/ GV - Văn Hiến). Còn trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM tuy có đất nhưng rất hẹp - 0,3 ha, và điều kiện giảng viên rất không đảm bảo - 84,5 SV/GV”, - ông Bằng giải thích. Ông Bằng cho rằng, việc xử lý với ba đơn vị trên là biện pháp mạnh, nhưng cần thiết.

Có 4 trường bị đình chỉ tuyển sinh nhưng theo ngành. Đó là ĐH Chu Văn An - 4 ngành, Lương Thế Vinh- 4 ngành, Nguyễn Trãi - 2 ngành, Kiến trúc Đà Nẵng - 2 ngành. Lý do chủ yếu là ngành không đảm bảo tỉ lệ sinh viên/giảng viên theo quy định, không có giảng viên nào là tiến sĩ.

Có một trường hợp thật như bịa: mở ngành mà không có giảng viên nào. Đó là trường hợp ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) với ba ngành Công nghệ Thực phẩm, Bảo vệ Thực vật, Khoa học Thư viện. Trường này cũng là đơn vị có nhiều ngành nhất (7 ngành) mở ngành mà không có giảng viên nào là tiến sĩ (theo quy định, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ là giảng viên).

Có thể giải thể một số trường

Có tổng cộng 16 trường với 48 ngành vi phạm quy định mở ngành hiện hành là không có tiến sĩ, nhiều trường có tỉ lệ SV/GV vượt quy định. ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trong những nơi thiếu giảng viên trầm trọng nhất so với các trường cùng đợt kiểm tra (66,2 SV/GV, trong khi quy định là 25 SV/GV) và có tới 6 ngành không có tiến sĩ, nhưng không có ngành nào bị đình chỉ tuyển sinh.

Đại diện Bộ GD&ĐT lý giải, căn cứ để Bộ không xử lý đơn vị này là do có những điểm mạnh khác kéo lại: diện tích xây dựng nhiều (gần 1,5 triệu m2) trên nền đất rộng (48,2 ha), thiết bị dạy học hiện đại. Ông Phan Mạnh Tiến, cho biết, dù không bị đình chỉ tuyển sinh trong đợt kiểm tra này nhưng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của ĐH Công nghiệp Hà Nội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do tiêu chí về giảng viên là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các trường dựa vào đó xây dựng chỉ tiêu.

Trao đổi với báo giới chiều 30-12, ông Nguyễn Huy Bằng nói: “Chúng tôi chưa muốn kéo căng quá ngay trong đợt kiểm tra đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ động thái của Bộ đủ để cảnh báo những trường chưa đạt các điều kiện đảm bảo chất lượng phải nỗ lực để đạt. Chắc chắn các đợt kiểm tra tiếp theo Bộ sẽ thật sự làm căng”.

Ông Bằng cho biết, ngoài các thông báo xử lý trong kết luận mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản cảnh báo riêng với từng trường và bộ, ngành chủ quản của cơ sở đào tạo.

Một số trường tuy không bị xử lý bằng biện pháp hành chính là ngừng tuyển sinh theo ngành hay theo trường, nhưng đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc tự giải thể. Đến nay, có 3 trường không có đất đều bị cảnh báo, nếu năm 2013 không có đất thì Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Thủ tướng giải thể trường.

Ngoài các trường Đông Đô, Văn Hiến (đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012) đơn vị thứ ba trong danh sách này là ĐH Nguyễn Trãi. ĐH Hòa Bình tuy đất rất rộng (60ha) nhưng thủ tục xin phép xây dựng còn vướng nhiều vấn đề, khó có khả năng xây dựng được cơ sở vật chất trong hai năm tới.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT cảnh báo, nếu năm 2013 trường không xây được. Bộ sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể. Trong danh sách có nguy cơ bị đình chỉ hoạt động giáo dục còn có ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn.

Có một đơn vị tuy không bị nêu tên ở mục xử lý trong bản kết luận nói trên nhưng theo đại diện các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, đó là ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam). Tuy trường không vi phạm quy định về tỉ lệ SV/GV, đất đai rộng rãi, cơ ngơi bề thế, nhưng khả năng phát triển khá mịt mù. Lực lượng giảng viên của trường rất mỏng (chưa đến 60 người), tuyển sinh khó khăn (chỉ tuyển được 4,2% so với chỉ tiêu).

Trường ĐH...thuê mướn

ĐH Văn Hiến được thành lập năm 1997 nhưng đến nay vẫn chưa có trụ sở riêng. Trường phải thuê nhiều địa điểm với tổng diện tích khoảng 7.557m2 làm nơi giảng dạy… ĐH Đông Đô thành lập năm 1994 nhưng đến nay cũng phải thuê cơ sở để giảng dạy.

ĐH Nguyễn Trãi (thành lập 2008) cũng chưa xây dựng được cơ sở độc lập cho mình, trụ sở của trường cũng là trụ sở thuê. Một số trường khác như: ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM dù đã có đất cho riêng mình nhưng vẫn chưa xây dựng trụ sở mà phải đi thuê mướn mặt bằng để làm nơi giảng dạy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.