Xử lý thế nào thí sinh quay clip tố tiêu cực thi cử?

Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang)
Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang)
TP - Nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, không nên xử nặng thí sinh quay clip mà nên tập trung xử lý cán bộ, giáo viên vi phạm.

> Bộ trưởng GD&ĐT: 'Ném phao thi ở Bắc Giang là nghiêm trọng'

Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang)
Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang).

Trước các ý kiến cho rằng cần xử lý kỷ luật thí sinh quay clip và các thí sinh được phản ánh trong clip theo quy chế, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, không nên xử nặng thí sinh mà nên tập trung xử lý cán bộ, giáo viên vi phạm.

Cần ghi nhận kết quả làm bài thi của thí sinh

Ông Lê Quán Tần, nguyên Chánh Thanh tra, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT: Ta đang kêu gọi người dân phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực, tinh thần này thậm chí còn được thể hiện trong quy chế tuyển sinh thi ĐH: khuyến khích thí sinh phát hiện ra người khác gian lận.

Xét một việc làm nào đó phải xét về động cơ. Động cơ của thí sinh quay clip là vì sự công bằng trong thi cử và em cần được các cơ quan chức năng cũng như dư luận xã hội ghi nhận ở điểm này.

Riêng hành vi mang bút gắn thiết bị có chức năng quay clip vào phòng của thí sinh thì quy chế không cho phép. Nhưng người ta cấm đưa phương tiện đó vào với mục đích tiêu cực người ta mới cấm.

Với mục đích không tiêu cực thì người ta không đề cập. Như vậy, việc mang bút có gắn thiết bị ghi hình vào quay cảnh phòng thi nằm trong một tình huống không bị quy định trong quy chế. Quy chế chỉ quy định là không được mang.

Việc quay cảnh phòng thi cũng như nhìn bằng mắt để tố cáo bằng lời. Nhìn bằng mắt nói bằng lời, quay để có chứng lý, hai việc đó mục đích thông tin là như nhau. Việc nói bằng lời không thể thực hiện trong điều kiện của thi vì đang làm bài, do đó tố cáo này là tố cáo sau.

Tôi muốn nhắc lại, khi xét đến em thí sinh quay clip cần phải bóc tách phân tích hai nội dung: động cơ của hành vi là đúng đắn; hành vi không khuyến khích vì không phù hợp với quy chế.

Mặt khác, em lại thực hiện lần đầu, không gây hậu quả tiêu cực mà lại mang tác dụng tốt nếu hiểu theo nghĩa đấu tranh chống tiêu cực. Vì thế với em ấy cần ghi nhận kết quả làm thi của em và không có xử phạt gì nặng nề. Chỉ cần nhắc nhở, tác động về mặt nhận thức quy chế.

Phạm lỗi nhưng công lớn

GS Văn Như Cương: Tôi có đọc một bài phỏng vấn ý kiến GS Đào Trọng Thi có tựa đề Không thể dùng tiêu cực để chống tiêu cực. Ý của GS Đào Trọng Thi là muốn chống tiêu cực phải dùng biện pháp tích cực.

Tôi không đồng ý quan điểm ấy. Tôi đơn cử một tình huống thế này: Tôi đi xe máy đến đèn đỏ thì phải dừng lại, nhưng lúc đó có một kẻ vừa cướp giật hoặc vừa giết người xong thì phóng qua đèn đỏ.

Nghe mọi người hô hoán, tôi vượt đèn đỏ để đuổi kịp và bắt được kẻ đó. Vậy vi phạm vượt đèn đỏ của tôi sẽ bị xử lý đến mức độ nào? Tình huống em thí sinh quay clip tiêu cực thi tốt nghiệp này y hệt như thế. Em vi phạm quy chế, nhưng em phát hiện ra lỗi vi phạm, nên xử lý thế nào?

Vụ tiêu cực mà em thí sinh phát hiện ra, theo tôi là cực kỳ nghiêm trọng vì nó có dấu hiệu của việc có tổ chức, có dàn xếp. Trường hợp này tuy không phổ biến nhưng nếu không giải quyết thì hậu quả rất lớn.

Như vậy, khi xác định việc này để làm rõ, quy trách nhiệm thì trước hết là phải nhắm vào tiêu cực của hội đồng thi ấy chứ không nên nhăm nhăm trị tội thí sinh.

Còn với người phát hiện ra tiêu cực sẽ xử lý theo kiểu xác định công - tội. Có một tình tiết nữa cần quan tâm khi xem xét vụ việc từ góc độ xử lý em thí sinh, đó là hành vi quay clip của em đó có thiệt hại hay ảnh hưởng cho ai vào thời điểm ấy không? Câu trả lời là không. Em phạm lỗi, nhưng công của em rất lớn.

Cân nhắc giữa lỗi và công

Nhà giáo Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Năm 2006 ở Nghệ An cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Thầy giáo Lê Đình Hoàng, một giám thị coi thi tại hội đồng thi THPT Nam Đàn 2 đã quay lại các cảnh tiêu cực ở hội đồng của mình trong khi làm nhiệm vụ coi thi.

Xử lý như thế nào là khó khăn đối với lãnh đạo ngành GD&ĐT Nghệ An vì trong lịch sử thi cử ở ta chưa từng có tiền lệ. Hồi ấy, tôi không dễ dàng đưa ra quyết định vì rất ít người có quan điểm giống tôi.

Cả đoàn thanh tra của Sở được giao thanh tra vụ việc này có quan điểm hoàn toàn đối lập với tôi. Họ kết luận theo hướng đổ lỗi hoàn toàn cho thầy Hoàng, cho rằng thầy Hoàng phạm quy chế. Đến phút cuối, tôi kết luận: Giám thị đó vừa có khuyết điểm vừa có ưu điểm, và nhờ có ưu điểm mà chúng ta mới phát hiện có tiêu cực.

Do đó trong xử lý những việc tương tự đòi hỏi phải tỉnh táo. Hồi năm 2006 dư luận trong ngành cho rằng báo chí đứng đằng sau Hoàng để “chiến đấu” với ngành GD.

Tôi nói, chẳng cần phải chiến đấu gì. Đây là một thực tế khách quan mà mình phải thừa nhận. Hồi đó chúng tôi xử lý theo cách: một mặt biểu dương thầy Hoàng đã có công giúp ngành phát hiện ra tiêu cực, đồng thời phê bình anh đã vi phạm quy chế thi. Tôi còn đề nghị chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho anh Hoàng.

Vụ Đồi Ngô, Bắc Giang cũng tương tự. Nếu không có em thí sinh đó thì ai có thể biết ở đó có tiêu cực? Thanh tra Sở về cũng không biết. Thanh tra cắm chốt cũng không báo cáo.

Lãnh đạo hội đồng nếu nói là không chủ trương tiêu cực nhưng cũng không nói ra khi thấy có tiêu cực. Đừng có nói lãnh đạo hội đồng không biết. Tiêu cực diễn ra suốt 6 môn thi, hội đồng thi là trận địa của lãnh đạo hội đồng thi, sao lại không biết?

Xử lý thí sinh như thế nào, cái này cần phải nghiên cứu cẩn thận. Không thể đơn giản nói em vi phạm điều 20 rồi áp điều 43 của quy chế để xử lý. Đúng là em vi phạm.

Nhưng có xử lý như điều 43 không khi mà hội đồng thi đã không bắt được tại chỗ em vi phạm điều 20 để rồi lập biên bản đình chỉ thi, huỷ kết quả thi.

Chúng ta chỉ biết em vi phạm khi đã thi xong, hội đồng thi đã giải tán. Cũng chẳng phải chúng ta phát hiện ra em vi phạm mà em chủ động cho mọi người xem clip, mọi người mới biết em vi phạm.

Xử lý thí sinh trong tình huống này thế nào đây, tôi cho rằng nó nằm ngoài quy chế. Nói cho đúng hơn, quy chế chưa lường trước tình huống này để mà đặt ra chế tài xử lý. Do đó cơ quan chức năng cần phải ngồi lại với nhau, tính toán, cân nhắc giữa công và tội của thí sinh để xử lý. Theo quan điểm của riêng tôi, tôi cho rằng không nên hủy kết quả để đánh trượt thí sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.