Ngôi trường khai giảng giữa lòng đường thủ đô

Khai giảng tổ chức trang trọng trên đường phố Ảnh: Anh Tuấn
Khai giảng tổ chức trang trọng trên đường phố Ảnh: Anh Tuấn
TP - Trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) là trường nổi tiếng chật chội. Việc xây trường mới đã từng được nghĩ tới từ cách đây mười năm nhưng không ai biết cô trò trường này phải khai giảng dưới lòng đường đến bao giờ…

> Thừa & thiếu
> Khắp nơi khai giảng năm học mới

Trường học lụp xụp

Trường Tiểu học Bà Triệu vốn là một trường tư thục có từ thời Pháp thuộc. Sau ngày giải phóng Thủ đô, trường được tiếp quản và trở thành trường công lập. Từ bấy đến nay, đây là trường tiểu học duy nhất của phường Bùi Thị Xuân.

Trụ sở chính đặt ở 31 Tô Hiến Thành, vốn là một biệt thự cũ 3 tầng xây trên mảnh đất diện tích chưa đến đến 350 m2. Ở địa chỉ này nhà trường bố trí được 7 phòng học, một phòng tin học, một phòng ban giám hiệu, một phòng hội đồng, một bếp nấu.

Ngoài ra có một gian nhỏ dùng để làm kho chứa đồ, đồng thời làm văn phòng Đoàn – Đội. Phòng làm việc của Ban giám hiệu, kỳ thực chỉ là một không gian đầu thừa đuôi thẹo dựng tường lợp mái mà thành. Các phòng học trông có khá khẩm hơn, mỗi phòng kê được khoảng 12 – 13 bộ bàn ghế loại dài 1,2 m.

Riêng có một phòng vốn là không gian tận dụng từ hành lang trên tầng 3 thì chỉ kê được 8 bộ bàn ghế.

Cô giáo Phạm Thanh Hà, giáo viên trường Tiểu học Bà Triệu và cũng là học sinh cũ của trường nhớ lại: “Tôi bắt đầu trở thành học sinh lớp 1 của trường từ năm học 1989 – 1990. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, tôi quay về trường nhận công tác cho đến nay. Hơn hai mươi năm qua nhưng khung cảnh nhà trường gần như không thay đổi chút nào. Vẫn những phòng học chật hẹp, những lối lên cầu thang cheo leo, cái sân bé tí tẹo chỉ đủ để làm lối đi”.

Ngoài trụ sở chính trường có 4 phòng học ở 3 điểm lẻ nằm ở các địa chỉ 118 Triệu Việt Vương, 37 Tô Hiến Thành, 173 Bà Triệu, 294 Bà Triệu. Để có đủ chỗ học cho học sinh, trường phải mượn một phòng học ở 118 Triệu Việt Vương. Trong các điểm lẻ này duy nhất chỉ có ở 173 Bà Triệu gồm hai phòng học có sân chơi.

Khai giảng giữa lòng đường

Theo cô Nguyễn Phương Hoa, năm đầu tiên về trường làm hiệu trưởng (2009), cô đã rất lo lắng khi biết sẽ phải tổ chức khai giảng năm học mới trên lòng đường phố Bùi Thị Xuân. Nhưng rồi mọi sự vẫn ổn vì tất cả đều đã… quen, từ học sinh, phụ huynh cho đến các thầy cô giáo và chính quyền địa phương.

Trước ngày khai giảng, chính quyền địa phương làm các thủ tục gửi các sở, ban ngành xin phép ngăn đường, phân tuyến giao thông để trường có nơi tổ chức lễ khai giảng.

“Người dân địa phương và người qua đường đứng lại xem rất đông, nhiều người giơ máy ảnh ra chụp vì thấy lạ”, cô Hoa kể. Không chỉ khai giảng mà ngày thường, mỗi lần các lớp tổ chức hoạt động cho học sinh hoặc giờ thể dục, cô trò phải dắt nhau ra học ở... vỉa hè.

Nhờ nổi tiếng chật chội mà tháng 3-2007, cô trò của trường được đón ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dự giờ.

Một giáo viên của trường kể: “Hôm ấy khách Bộ và Sở GD&ĐT đến khá đông. Nhưng vì lớp học quá chật nên chỉ có Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Bích được ngồi trong lớp để dự giờ. Còn những người đi cùng đoàn đều phải kê ghế ngồi ngoài hành lang”.

Giấc mơ trường mới bao giờ thành hiện thực?

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều giáo viên trường Tiểu học Bà Triệu tâm sự, trường chật mấy giáo viên vẫn chịu được, chỉ thấy tủi thân giúp cho học trò.

“Ngày thường các con không phàn nàn gì nhưng qua các hoạt động tập thể chúng tôi biết các con rất ao ước có một ngôi trường lớp học đủ rộng, có sân chơi. Chẳng hạn lớp 3A của tôi năm ngoái có một em đã làm một mô hình sân trường rất đẹp, có cây, có bục sân khấu. Em đó đặt tên cho mô hình là “Sân trường Tiểu học Bà Triệu”. Chúng tôi ngắm mô hình mà chảy nước mắt”, cô Hà kể.

Theo nhiều thế hệ hiệu trưởng của trường, việc tìm một địa điểm mới để xây trường Tiểu học Bà Triệu chính quyền địa phương nghĩ từ năm 2003. Hồi đó, lần đầu tiên lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội ban hành quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô đến năm 2010 và định hướng đến 2020(tháng 1/2003).

Theo quy hoạch, một giải pháp tích cực, thật sự tạo nhiều chỗ học cho học sinh hơn được đưa ra, đó là ưu tiên xây mới trường học ở những diện tích đất mà thành phố có quyết định thu hồi (vì các lý do như bỏ hoang lâu ngày hoặc đất của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị.v.v...).

Hướng giải quyết chỗ học cho học sinh trường Tiểu học Bà Triệu hồi ấy được Kiến trúc sư trưởng, Sở Quản lý quy hoạch giới thiệu một phần trong mặt bằng ở địa điểm 191 Bà Triệu (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã di dời) để quận xây dựng một trường mới. Tuy nhiên, đến nay giấc mơ trường mới của học sinh trường Bà Triệu vẫn ở... trong mơ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG