Cần chuẩn bị kỹ để ra nghị quyết về giáo dục

Trí thức thủ đô góp ý về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam Ảnh: TTXVN
Trí thức thủ đô góp ý về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam Ảnh: TTXVN
TP - Tại hội thảo về đổi mới giáo dục được tổ chức ngày 29-9 tại Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, cần chuẩn bị thật kỹ nội dung dự thảo trước khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về giáo dục.

> Nối kết những dòng chảy trẻ

Phải xem người thầy là yếu tố quyết định

Tại hội thảo Trí thức Thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012- 2020, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nhận xét, trong các cuộc hội thảo mấy tháng gần đây nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng bàn về giáo dục, các chuyên gia hầu như có chung một tiếng nói khi đề cập vai trò của con người.

Theo các chuyên gia, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên phải được xem là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất, vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

“Mặc dù vai trò của người thầy trong giáo dục là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, nhưng cho đến nay vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không được thực hiện đến nơi đến chốn”, bà Bình nói.

Các đại biểu khác cũng nhấn mạnh yêu cầu “thầy ra thầy” mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở từ cách đây nửa thế kỷ.

Những người chọn nghề giáo (một cách có ý thức) đều chấp nhận sống “thanh bần lạc đạo”, nhưng xã hội phải luôn đảm bảo cho họ có vị thế xã hội xứng đáng với sự tôn trọng của phụ huynh và học sinh.

Họ phải đủ sống bằng lương bổng để không được làm những công việc tổn hại uy tín nhà giáo trước xã hội. “Việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo phải đi đôi với chế độ lương bổng để các thầy cô giáo được sống đúng với bản chất và sứ mệnh của nghề dạy học”, PGS. TS Mạc Văn Trang đề xuất.

Cũng trong mạch ý kiến này, nhiều trí thức lớn tuổi nhắc lại kỷ niệm thời hoa niên của họ với những thầy giáo bước vào lớp không cần giáo án, sách giáo khoa, nhưng giảng dạy cuốn hút, tạo ra nhiều thế hệ học trò thành đạt.

“Hồi đó dù trường không ra trường, lớp không ra lớp nhưng vì thầy ra thầy nên trò ra trò”, PGS. TS Khổng Doãn Điền lý giải. Ông Điền đề nghị: “Việc đổi mới giáo dục không nên đi từ việc viết sách giáo khoa mà nên đi từ yếu tố con người”.

Giáo dục lạc đường?

GS Hoàng Tuỵ nhắc lại một cảnh báo được nhiều trí thức đưa ra từ hơn chục năm nay: “Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu (điều đó ai cũng thấy) mà nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh”.

Theo diễn giải của GS Hoàng Tuỵ, điểm lạc hướng, lạc đường của giáo dục nước nhà bắt đầu từ cái gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, quan điểm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục.

Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy người trong khi giáo dục của ta trong mấy chục năm gần đây đã làm sống dậy nền hư học lối cử nghiệp thịnh hành thời phong kiến (từng bị nhiều thức giả phê phán gay gắt từ thế kỷ 19), dĩ nhiên dưới một hình thức khác.

Một số học giả đề cập thực trạng “giả dối” trong bức tranh giáo dục, những mâu thuẫn trong các cách tiếp cận khác nhau khi đánh giá về giáo dục. GS. TS Chu Hảo đặt câu hỏi vì sao bà Nguyễn Thị Bình vừa mới đây phải kêu gọi, chúng ta cần một nền giáo dục trung thực, lành mạnh, tiên tiến?

Có nghĩa là nền giáo dục này đang đang có yếu tố giả dối và lạc hậu? GS. NGND Phạm Minh Hạc nêu ra một số mâu thuẫn khác, chẳng hạn chúng ta lúc nào cũng nói “giáo dục toàn diện” nhưng kết quả lại “què quặt”, đề ra đường hướng “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, nhưng cứ loay hoay với việc dạy chữ, mà chỉ trong việc dạy chữ cũng còn bao vấn đề ngổn ngang.

“Ở ta, dạy và học chỉ để đi thi, cả tâm lý xã hội lẫn quản lý nhà nước về giáo dục chưa thoát khỏi triết lý giáo dục “hư văn, khoa cử, quan trường” và điều này khiến cho các mâu thuẫn càng thêm gay gắt”, ông Hạc nhận định.

Các học giả cho rằng, nhận thức đúng thực trạng là một đòi hỏi cấp thiết khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về giáo dục. Nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khẳng định cần tiến hành một cuộc cách mạng thực sự, trong khi ý kiến chính thống lại cho rằng chỉ cần đổi mới căn bản và toàn diện.

Vấn đề ở đây không chỉ là câu chữ mà phản ánh nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp của nền giáo dục. GS.TS Chu Hảo và GS. TS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, nhất thiết phải tiến hành một cuộc tổng điều tra giáo dục ở quy mô quốc gia với những phương pháp và công cụ hiện đại.

GS. TS Chu Hảo cũng đề xuất, trước khi có nghị quyết về giáo dục, Đảng cần thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GD&ĐT để thực hiện hai nhiệm vụ: Tổ chức tổng điều tra giáo dục trong năm 2013 và Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ 2015.

“Từ nay đến khi có đề án tổng thể, không tiến hành bất kỳ một đề án đổi mới hoặc một dự luật giáo dục mới nào do Bộ GD&ĐT đề xuất”, ông Hảo nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.