Bộ GD&ĐT xử phạt hàng loạt cơ sở giáo dục

Website của ĐH Phương Đông
Website của ĐH Phương Đông
TPO - Chiều 21-10, Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các trường và trung tâm vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều đơn vị bị xử phạt tiếp vì vẫn hoạt động trái phép.

Phạt cao nhất hơn 22 triệu đồng

Công ty cổ phần SARA Hà Nội đứng đầu trong danh sách xử phạt, với tổng cộng 22,5 triệu đồng vì đào tạo thạc sĩ trái phép.

Cụ thể, phạt tiền mức 7,5 triệu đồng vì tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình thạc sĩ chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, phạt 15 triệu đồng vì đã tổ chức hỗ trợ để tuyển sinh đào tạo MBA ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trái phép trên lãnh thổ Việt Nam (tuyển sai 10 học viên).

Đại học Phương Đông bị phạt 7,5 triệu đồng vì thông báo tuyển sinh năm học 2012 - 2013 chương trình hợp tác đào tạo đại học và sau đại học với trường nước ngoài vào ngày 14-6 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đại học Phương Đông còn bị phạt thêm 15 triệu đồng vì mở lớp độc lập đào tạo tại Việt Nam theo chương trình trung cấp, ngành tài chính ngân hàng, liên kết với Tổ chức giáo dục Humanagers (Úc) và Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) khi chưa được phép.

Tổng cộng, Đại học Phương Đông bị phạt 22,5 triệu đồng.

Trường ĐH Sài Gòn bị phạt 7,5 triệu đồng vì thông báo tuyển sinh chương trình chuyên đề nâng cao năng lực cán bộ chuyên ngành quản trị kinh doanh năm 2012 hợp tác với Đại học Kinh doanh quốc tế (Thụy Sĩ) dù chưa được cấp phép.

Cũng theo quyết định của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Viện Quản trị Tài chính bị phạt 10 triệu đồng với lý do tổ chức lớp học theo chương trình thạc sĩ có yếu tố nước ngoài của trường Đại học Ballarat (Úc) trái phép tại Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cũng bị phạt 7,5 triệu đồng vì đã thông báo giới thiệu và tuyển sinh chương trình MBA của Trường Đại học Concordia University Winconsin (Hoa Kỳ) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nhiều đơn vị tái phạm

Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, một số đơn vị từng bị xử phạt do tổ chức các chương trình chưa cấp phép nhưng vẫn tiếp tái phạm.

Trong đó, Công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) bị phạt 10 triệu đồng vì đào tạo theo chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh trái phép tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT cũng phạt 10 triệu đồng Công ty TNHH Melior Việt Nam, do tổ chức lớp đào tạo theo chương trình cao đẳng (Advanced Diploma) của Melior International College (Singapore) và đại học (Bachelor Degree) của Trường Đại học Công lập CQUniversity (Úc) trái phép tại Việt Nam (tái phạm).

Công ty TNHH đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (Sibme) cũng bị phạt 10 triệu đồng với lí do tổ chức lớp đào tạo chương trình cao đẳng, cử nhân các ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Quản trị khách sạn trái phép tại Việt Nam (tái phạm).

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường, đơn vị chấm dứt ngay hoạt động quảng cáo tuyển sinh và đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả (nếu có).

Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông chấm dứt hoạt động hợp tác đào tạo và tổ chức tư vấn, dịch vụ hỗ trợ đào tạo theo chương trình đại học, sau đại học với nước ngoài trái phép trên lãnh thổ Việt Nam; giải quyết hậu quả (nếu có).

Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chấm dứt hoạt động thông báo giới thiệu và tuyển sinh chương trình MBA của Trường Đại học Concordia University Winconsin (Hoa Kỳ) trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.