Không học thêm không xong?

Không học thêm không xong?
TP - Vấn đề dạy thêm học thêm tiếp tục nóng khi Sở GD&ĐT Hà Nội lấy ý kiến xây dựng dự thảo quản lý hoạt động này. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng cần phải quản lý được chất lượng dạy thêm, còn học sinh- phụ huynh thì mong mỏi được học thêm hoàn toàn tự nguyện...

> Rối tìm cách quản dạy thêm

Không ép cũng như ép

Em Nguyễn K.T. là học sinh khối 9 trường THCS G., quận Ba Đình, Hà Nội. Mỗi tuần có sáu buổi sáng K.T học lớp chính khoá trong trường, ba buổi chiều học tại lớp học thêm ở một trong hai phòng thuê trong khu tập thể gần trường do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đứng ra tổ chức.

Hai phòng này được lớp K.T thuê ổn định để học thêm từ năm lớp 6 đến giờ nên K.T và các bạn gọi đó là “cơ sở 2” của lớp.

K.T kể, lớp có 60 học sinh thì cả 60 bạn đều học thêm ở “cơ sở 2”. Các cô giáo chia lớp thành 2 nhóm ngồi học ở hai phòng, nhóm I gồm 25 bạn, nhóm II gồm 35 bạn.

Các môn phải học thêm là Toán, Văn, Anh, Lý, Hoá, giáo viên đều là các thầy cô dạy chính khoá các môn ấy ở lớp buổi sáng (cơ sở 1). K.T không hề có ý nghĩ phân biệt lớp học thêm với lớp học chính khoá mà chỉ thấy lớp học thêm cũng là lớp chính khoá thu nhỏ, chỉ khác là ở lớp thu nhỏ đó thầy cô không lấy điểm để ghi vào sổ lớp lớn.

Còn kiến thức được dạy ở hai lớp quyện lẫn vào nhau nên nếu bạn nào không học lớp cơ sở II thì sẽ không làm được bài kiểm tra ở lớp cơ sở I. Vì vậy, dù các thầy cô không ép nhưng với cả lớp việc đi học ở cơ sở II mặc nhiên là nghĩa vụ bắt buộc.

“Nếu thật sự được tự do lựa chọn thì cháu không học ở cơ sở II, không phải vì thầy cô dạy không hay mà vì cháu không có nhu cầu học thêm nhiều môn đến thế. Với lại nếu đã học thêm thì cháu vẫn muốn chọn các thầy cô nổi tiếng hơn là thầy cô hiện nay đang dạy ở lớp cháu”, K.T nói.

Theo nhiều phụ huynh có con học ở những lớp lớn, việc đi học thêm ở những lớp do chính giáo viên của các em dạy là nhu cầu của chính các em nhưng lại không phải là điều các em thích thú.

Chị H., phụ huynh một trường THCS quận Đống Đa nhận xét: “Trẻ em rất nhạy cảm trước mong muốn của người lớn, đặc biệt là của giáo viên. Biết cô giáo tổ chức học thêm là đứa nào cũng sẽ nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học”.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng nếu còn để giáo viên chính khoá được dạy thêm ngoài nhà trường học sinh của mình thì câu chuyện dạy thêm học thêm càng khó đi vào quỹ đạo lành mạnh.

“Không thiếu gì trường hợp giáo viên dạy chính khoá xong lại kéo học sinh về nhà mình dạy thêm. 16g30 tan học thì 17 giờ bắt đầu dạy cho đến 19 giờ. Đây là vấn đề nhức nhối vì phụ huynh thường không đủ can đảm từ chối các lớp học thêm này vì nó rất ảnh hưởng tới mối quan hệ thầy trò. Với các lớp kiểu này, dù thầy dạy giỏi hay kém vẫn nhiều học sinh phải học”, ông Nguyễn Văn Quý, trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm nói.

Nên chăng đặt ngưỡng năng lực khi cấp phép dạy thêm?

Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ nói: “Người dân rất bức xúc về chất lượng dạy thêm. Có thầy cô dạy tốt thu tiền rất cao nhưng học sinh vẫn xếp hàng xin học. Mặt khác, có rất nhiều người dạy chẳng ra gì nhưng vẫn thu tiền, học sinh không học không nộp tiền thì không xong”.

Một cán bộ quản lý phòng GD&ĐT quận Hà Đông đề xuất cần buộc giáo viên khi dạy thêm tuân thủ các quy định chuyên môn như dạy chính khoá. Đặc biệt, phải căn cứ vào năng lực của giáo viên trong trường để cho phép giáo viên đó dạy thêm hay không.

“Giáo viên dạy kém nhưng vẫn tham gia dạy thêm là một bức xúc của rất nhiều phụ huynh khi phản ánh với chúng tôi. Theo tôi, chỉ nên cấp phép dạy thêm với những người được đánh giá năng lực đạt từ loại khá trở lên”.

Bà Dương Thị Thu Huyền, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cũng đồng tình quan điểm này.

Theo bà Huyền, trong hồ sơ xin dạy thêm của giáo viên cần thể hiện rõ trình độ đào tạo để cơ quan quản lý căn cứ vào đó quyết định cấp giấy phép hay không.

“Nếu bản thân giáo viên đã không hoàn thành nhiệm vụ ở trường hoặc hoàn thành nhưng dạy thêm học thêm theo kiểu ép buộc học sinh học rồi thu tiền cao thì ngoài việc xử lý hành chính cần phải hạn chế hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, ví dụ như cho anh tạm dừng không dạy môn đó”, bà Huyền đề xuất.

Nhưng theo thầy Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, việc quản lý chất lượng hoạt động dạy thêm học thêm là rất khó vì đơn giản là không có cơ sở nào để đưa ra tiêu chuẩn giáo viên khá mới được dạy thêm.

“Ngay cả việc xác định thế nào là hoạt động dạy thêm có chất lượng cũng rất mông lung. Mỗi đối tượng học thêm đều có nhu cầu rất khác nhau. Có người chỉ cần con mình đến lớp ngồi học để không đi chơi bên ngoài. Có người chỉ cần con đạt kết quả trung bình. Người thì yêu cầu cao hơn như thi đỗ trường chuyên hay đỗ trường ĐH tốp cao. Với yêu cầu nào người ta sẽ tìm thầy đáp ứng các yêu cầu đó”, thầy Đại bày tỏ.

Thầy Đại cũng cho rằng cốt lõi của việc quản lý dạy thêm học thêm từ hơn chục năm nay chỉ xoay xung quanh vấn đề không ép học sinh học thêm.

Thầy Đại nhận xét: “Một vấn đề cũ rích của bao nhiêu năm nay nhưng rốt cục đến giờ vẫn không giải quyết được vì có cung thì có cầu, cho dù việc học thêm chỉ để đạt mục đích lên điểm, hoặc đỡ bị trù úm thì nó cũng là một dạng nhu cầu. Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT mới ban hành tháng 5-2012 và thay thế một thông tư ban hành từ năm 2007 nhưng thực ra ngay cả các quy định của thông tư năm 2007 mình đã thực hiện được đâu! Tôi cho rằng với thông tư 17 này rồi cũng như vậy, lại tít mù vòng quanh”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG