60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn.
TP - Lễ kỷ niệm 60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2014) do Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã diễn ra trọng thể sáng 14/12, tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có trường học sinh miền Nam; các thầy, cô giáo và hơn 3.000 học sinh miền Nam, đại diện cho gần 32.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc đã tham dự lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sỹ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chủ trương đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước, tầm nhìn chiến lược về chính trị, về công tác cán bộ và đào tạo nhân tài cho ngày thống nhất Bắc-Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Chủ tịch nước khẳng định: Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục, đào tạo cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ tồn tại hơn 20 năm và đã cách xa gần 40 năm, nhưng những thành tựu và kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo, phương pháp dạy và học, thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức học sinh; việc xây dựng đội ngũ giáo viên, ý thức, động cơ học tập của học sinh, xây dựng quan hệ thầy trò sâu đậm, “thầy ra thầy, trò ra trò,” thi đua dạy tốt, học tốt... là hết sức bổ ích, cần phải được kế thừa, phát huy. 

MỚI - NÓNG