Đại học ngoài công lập lo giải thể vì thiếu sinh viên

Đại học ngoài công lập lo giải thể vì thiếu sinh viên
TPO - Nhiều ý kiến của lãnh đạo 20 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở phía bắc bày tỏ lo ngại trước nguy cơ phải đóng ngành đào tạo hoặc giải thể trường, vì không tuyển được sinh viên.

> Nhiều ngành học nguy cơ đóng cửa
> Năm 2013: Nhiều trường thay đổi cách tuyển sinh

Không khí buổi trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh 2012 của các ĐH-CĐ ngoài công lập sang 19/12 tại Hà Nội.
Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập họp sáng 19-12 tại Hà Nội.

"Trường ca" thiếu sinh viên

Sáng nay, 19-12, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng ngoài công lập lấy ý kiến gửi Bộ G&ĐT về công tác tuyển sinh. 

Lãnh đạo các trường ngoài công lập cùng một số nhà khoa học giáo dục đồng thời kiến nghị nghiên cứu đổi mới căn bản việc thi và tuyển sinh càng sớm càng tốt, không đợi đến năm 2016 như lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Lương Thế Vinh đặt câu hỏi, tại sao tuyển sinh lại khó thế?

Năm 2007, tôi nói rằng, hai em chỉ khác nhau 0,5 điểm, một được vào trường công lập, còn người kia thì không. Trong khi học phí công lập ngày càng tăng đi kèm với các trường được đầu tư, thì trường ngoài công lập phải chật vật đi vay. Chỉ tiêu các trường công lập tăng, thời gian tuyển sinh kéo dài, điểm đầu vào thấp. Họ vét sinh viên tận đáy - ông Hùng nói.

Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải phòng cho biết, trường đã tuyển sinh 15 năm nhưng chưa năm nào thiếu sinh viên, nhưng năm nay thì không tuyển đủ. Vậy lỗi có phải ở trường không?

Giải thích nguyên nhân không tuyển đủ sinh viên, theo ông Nghị: “phương án chọn học sinh vào trường không phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ trương xã hội hóa giáo dục chưa được chăm sóc. Đẻ ra chủ trương hay nhưng thực hiện không tốt, đẻ ra rồi bỏ rơi”.

Ông Nghị cho biết thêm, năm nay, Bộ GD&ĐT lại cho kéo dài thời gian không hạn chế tuyển sinh, các trường công lập hạ xuống sàn, vậy thì em nào chịu vào công lập khi học phí cách xa nhau.

"Nếu các trường đều thành Havard thì may ra mới có học sinh. Nói đến ngoài công lập thì ngó xuống chứ không ngó lên. Bộ có những cải tiến nhưng thực chất là cải lùi, cụ thể là kéo dài thời gian. Thứ hai là điểm nguyện vọng sau không cần cao hơn nguyện vọng trước” - GS Nghị cho hay.

Giáo sư Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Phương Đông cũng chia sẻ: “Có đến 85% học sinh hiện nay ở công lập, nếu họ tuyển dư 10% an toàn thì trường ngoài công lập không thiếu mới lạ”.

Nguy cơ giải thể

Theo ông Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó vụ trưởng Vụ đại học kiến nghị, tuyển sinh trong thời gian tới cần thay đổi: “Chúng ta cần tính đến phương pháp, hướng tuyển sinh. Đề án tuyển sinh mang tính chất thay đổi, toàn diện hơn, trên cơ sở tôn trọng quyền các trường mà vẫn đảm bảo giữ được chất lượng tuyển sinh của mỗi trường”.

Cũng theo ông Khuyến, chúng ta nên có phương án dựa vào kì thi tốt nghiệp chung của cả nước. Một số trường đẳng cấp tổ chức kì thi tuyển sinh riêng, các trường khác đào tạo nhân lực đại chúng thì nên được quyền quyết định điểm chuẩn đầu vào.

Ông Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam cho rằng: "Các trường cần có số liệu thống kê chính xác trình lên Chính phủ mới có tác dụng. Với số liệu cụ thể ấy, tôi cho rằng, cấp Bộ hay Trung ương đều phải suy nghĩ”.

“Số sinh viên đủ điểm chuẩn chỉ có thế, trường công lập vớt đến điểm sàn thì đâu còn đến trường tư. Nếu năm 2013, chúng ta không thay đổi cách tuyển sinh, thì nhiều trường sẽ rơi vào khủng hoảng. Bộ GD&ĐT đã đưa lộ trình năm 2016, một số trường tự chủ, những trường đó là trường lớn công lập chứ không phải các trường chúng ta ngồi đây” - Ông Phức cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất, Bộ nên để một năm thi đại học hai, ba lần để học sinh không bị gián đoạn việc học - thi. Có thể công lập tuyển sinh tháng chín, ngoài công lập tuyển sinh tháng ba, tạo động lực cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội.

Một nữ đại biểu chia sẻ, hiện nay, gần 50.000 sinh viên, hơn 3.000 cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập - con số không nhỏ - đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu nhà nước không có chính sách giúp đỡ.

“Chúng ta cũng sẵn sàng đối thoại với Bộ GD&ĐT, Quốc hội, Ban tuyên giáo Trung ương hoặc cao hơn là Bộ Chính trị xem những chính sách được đưa ra đã đúng chưa?”- nữ đại biểu thẳng thắn chia sẻ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG