Sẽ thay đổi điểm sàn trong kì thi tuyển sinh ĐH

Sẽ thay đổi điểm sàn trong kì thi tuyển sinh ĐH
TPO- “Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ lựa những phương án về điểm sàn hay nhất áp dụng cho năm nay. Sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

>Thủ tướng chỉ đạo xem xét kiến nghị của trường tư

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Chiều nay (5-3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã có buổi trao đổi với báo chí xoay quanh buổi làm việc với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập theo sự yêu cầu của Thủ tướng về những kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội về nguy cơ tan rã của nhiều trường ngoài công lập.

Các trường ngoài công lập được xây dựng đề án tuyển sinh riêng

PV: Được biết, trong buổi làm việc sáng nay (5-3) với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập; Hiệp hội muốn có phương án tuyển sinh riêng. Quan điểm của Bộ như thế nào, Thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Hiệp hội phải gấp rút xây dựng đề án tuyển sinh là xét tuyển, thi tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển và báo cáo Bộ xem xét. Nếu đề án tốt thì Bộ cho phép tiến hành tuyển sinh ngay trong năm nay như 10 trường văn hóa, nghệ thuật vừa được Bộ đồng ý.

Các trường ngoài công lập không đào tạo đặc thù như 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật vừa được Bộ cho phép tuyển sinh riêng. Vậy  Bộ có lo lắng khi ra trường bằng cấp bị phân biệt không.

Bộ khuyến cáo các trường ngoài công lập khi xây dựng phương án tuyển sinh riêng hết sức cân nhắc. Vì phương án tuyển sinh riêng dễ dãi thì chỉ được lợi được một vài năm, sau đó hậu quả lâu dài ảnh hưởng uy tín, người đào tạo ra không được xã hội không chấp nhận thì sẽ ảnh hưởng lâu dài. Khó khăn này sẽ lặp lại và xử lí vấn đề tiếp theo sẽ càng khó khăn hơn gấp bội so với vấn đề hiện nay.

Vì vậy, việc có phương án tuyển sinh riêng mà chỉ xét tuyển mà không qua thi tuyển, đi theo một chiều hướng khác, đầu vào khác với phương án ba chung rồi. Như vậy, xã hội ngay lập tức sẽ nhìn nhận vào chất lượng đầu vào và đầu ra sẽ không được như ba chung.

Nhưng luật Giáo dục không cấm việc này. Cho nên, nếu các trường có phương án cụ thể, Bộ thấy hợp lí sẽ cho triển khai. Trong điều kiện hiện nay, nếu để các trường xét tuyển cả ba môn ở phổ thông sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng trước khi có quyết định để tránh thiệt thòi cho các thí sinh về sau.

Những tiêu chí để Bộ đồng ý cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tuyển sinh riêng sẽ như thế nào?

Hiện nay tiêu chí để các trường tuyển sinh riêng thì Bộ chưa có tiêu chí cụ thể nhưng mà yêu cầu về tuyển sinh riêng thì Bộ đã đề cập đến rồi khi giao cho các trường trọng điểm và hai Đại học Quốc gia tiến hành xây dựng đề án.

Đề án tuyển sinh phải đảm bảo công bằng, không phát sinh khó khăn, căng thẳng mới cho xã hội và không tái diễn luyện thi. Ngoài ra, có cơ chế kiểm tra, giám sát của xã hội, nếu xét tuyển thì phải chứng minh xét tuyển phải tốt hơn thi tuyển hiện nay. Đề án phải chứng minh được như thế thì Bộ mới cho triển khai. Bộ sẽ cân nhắc.

Điểm sàn không cứng nhắc như các năm trước

Tiêu chí cơ bản xác định điểm sàn năm 2013 như thế nào?

Điểm sàn dựa trên hai thông số. Thứ nhất là, điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh vào được cao đẳng và số lượng này nhiều hay ít là phụ thuộc vào chất lượng của thí sinh thi năm ấy. Thứ hai là chỉ tiêu. Hai cái đó phải tự cân đối nhưng tiêu chí chất lượng phải đặt lên đầu tiên.

Đầu tiên phải xác định năm nay với đề thi như thế thì điểm sàn mức đó học sinh vào có thể học tốt được, sau đó mới xét đến chỉ tiêu. Với điểm sàn như thế, số lượng thí sinh trên sàn bao nhiêu để tính được số dư nguồn tuyển cho các trường.

Bộ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh qua phổ điểm môn, trên đó mới phân tích và tổng hợp. Có nhiều cách tính điểm sàn khác nhau nhưng hiện nay đang trong quá trình lấy rộng rãi ý kiến góp ý vế lấy điểm sàn mới năm nay. Bộ sẽ lựa những phương án hay nhất áp dụng cho năm nay. Sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước.

Nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho rằng, sở dĩ các trường ngoài công lập bị khó khăn trong nguồn tuyển là do các trường công cũng lấy điểm chuẩn bằng sàn. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Hiệp hội có đề nghị sẽ có nhiều mức điểm sàn khác nhau, trường công lập có thể lấy điểm cao hơn trường ngoài công lập. Nhưng quan điểm của Bộ, khi chưa có nghị định phân tầng đại học theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học thì chưa có cơ sở buộc các trường đại học lấy điểm tuyển sinh bao nhiêu cho vừa. Hiện Bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng đại học. Khi đó sẽ có cơ chế để các trường muốn ở hạng cao thì có điểm đầu vào phải cao.

Trong thực tế, các trường công lập do bảo vệ uy tín các trường không muốn lấy điểm thấp xuống. Có một số trường và ngành khó tuyển mới lấy gần điểm sàn. Vì vậy, quy chế Bộ đã thay đổi khi không cho tuyển điểm nguyện vọng sau thâp hơn nguyện vọng trước, để đảm bảo các trường top dưới không bị ảnh hưởng. Cách xử lý như vậy ngăn chặn các trường liên tục hạ điểm chuẩn làm cho các trường ngoài công lập liên tục gặp khó khăn.

Có nhiều trường ngoài công lập kém chất lượng, không có sức hút với thí sinh, nguy cơ phải bán trường để trả nợ. Bộ sẽ cứu các trường hay không?

Nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng, không vì bất cứ lí do gì mà hy sinh chất lượng. Không vì khó khăn trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập mà giảm chất lượng toàn hệ thống. Chất lượng là vấn đề ưu tiên số 1 cho nên việc sắp tới tính điểm sàn thì chất lượng vẫn là cái được tính tới đầu tiên. Các trường ngoài công lập muốn phát triển phải tự nâng cao uy tín, thu hút được thí sinh.

Đỗ Hợp
ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG