Cần quy định mức thu dạy thêm học thêm

Cần quy định mức thu dạy thêm học thêm
TP - Hôm qua, đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã họp với Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là buổi làm việc kết thúc đợt giám sát đầu tiên năm 2013 một số hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT của HĐND TP.

> Chất vấn Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng GD&ĐT
> Dạy thêm sai quy định phạt tới 30 triệu đồng

Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND Thành phố, so với những năm học trước, năm học này về cơ bản các trường thực hiện khá tốt các quy định của thành phố về quản lý dạy thêm học thêm, thu – chi. Tuy nhiên, bà Thuỳ lưu ý vẫn còn những bất cập và lãnh đạo Sở GD&ĐT phải có biện pháp khắc phục một số tồn tại trong các hoạt động này.

Về dạy thêm học thêm, tuy không tràn lan như trước đây, nhưng việc quản lý và cấp phép những lớp học thêm theo mô hình nhóm nhỏ (lớp 5 – 7 học sinh, học tại nhà giáo viên) chưa được chú ý. Mô hình dạy học ở THCS chưa thống nhất.

Một số nơi tuy dạy học 2 buổi/ ngày nhưng nội dung buổi thứ hai thực chất là dạy thêm, hoặc một số nơi dù có điều kiện dạy hai buổi/ ngày nhưng lại không dạy học theo mô hình này để tổ chức dạy thêm v.v…

Kết thúc buổi làm việc, bà Thuỳ đề nghị Sở GD&ĐT phải tham mưu cho UBND TP sớm ra quyết định hướng dẫn thực hiện thông tư 17 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc hướng dẫn thực hiện việc thu chi.

“Nếu chỉ yêu cầu chung chung các cơ sở giáo dục tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì Nghị định 43/2006/NĐ-CP nói hết rồi. Cần hướng dẫn cụ thể hơn, ví dụ có thể chia theo khu vực nội thành, ngoại thành; có thể chia ra theo quy mô lớp học.

Lớp dưới 10 người thì có thể để phụ huynh tự thoả thuận, nhưng lớp từ 10 người trở lên thì cần quy định khung, chẳng hạn lớp từ 10 đến 20 người thu tối đa bao nhiêu, lớp 20 đến 30 người, thu bao nhiêu... Ít nhất là phải quy định được khoản thu với các lớp học thêm trong nhà trường”, bà Thuỳ nói.

Liên quan vấn đề thu chi, bà Thuỳ nhận xét, công tác xã hội hoá ở nhiều trường hiện nay chưa đi đúng hướng, có hiện tượng lạm dụng xã hội hoá giáo dục (chủ yếu rơi vào các cấp học mầm non, tiểu học). Một số đơn vị chi sai quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG