'Chúng ta đang có nền giáo dục bất thường'

'Chúng ta đang có nền giáo dục bất thường'
Theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nền giáo dục lành mạnh, bình thường phải tạo hứng thú cho người học. Nhưng, nền giáo dục của ta có thực sự giúp người học khám phá những tiềm năng trong bản thân mà mình không thấy?

'Chúng ta đang có nền giáo dục bất thường'

> Học sinh xé đề cương môn Sử: Giáo viên trăn trở
> Thực hư clip xé đề cương môn sử
 

Học sinh được giáo viên truy bài đến nửa đêm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Trung Dũng
Ảnh mang tính minh hoạ: Trung Dũng (Sài Gòn Tiếp Thị).

Đoạn phim quay cảnh học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP.HCM) đồng loạt xé giấy, ném xuống sân trường sau khi biết môn thi tốt nghiệp đã tạo ra những tranh luận sôi nổi.

Học trò đáng trách hay cần cảm thông trước việc làm ấy? Tiến sĩ Bùi Trân Phượng luận bàn với tư cách là người đi ra từ ngành sử và đang đảm nhiệm vai trò quản lý giáo dục... 

Học để thi chứ không để biết

Tôi nghĩ đó là phản ứng bột phát tự nhiên của các em, không có ác ý, suy nghĩ gì xấu cả. Kể cả sinh viên, chỉ cần thông báo thầy nghỉ cả lớp cũng vỗ tay hoan hô, dù có khi thầy nghỉ do bệnh. Không nên nhìn vấn đề nghiêm trọng quá, gây mặc cảm cho các em, cho thầy cô giáo và nhà trường. Bởi như vậy thì chỉ nhìn vấn đề ở ngọn mà không nhìn ra gốc.

Phản ứng của học sinh khi không thi môn sử, từ việc xé giấy, dù đó là đề cương, giấy trắng hay giấy nháp, cho thấy, bản chất vấn đề là học sinh không thích học sử.

Cũng như hàng loạt điểm 0 môn sử trong kỳ thi những năm trước, hiện tượng này không thể coi là bình thường mà có ý nghĩa báo động. Thay vì quy lỗi các em thì cần suy nghĩ sâu xa hơn, tại sao dẫn đến sự chán ngán những môn xã hội, cụ thể là môn sử như vậy?

Phản ứng của học sinh khi không học môn sử nên coi là một hiện tượng, trong vô số những hiện tượng tưởng chừng bất bình thường nhưng lại phản ánh đúng thực trạng nền giáo dục hiện nay

Trong sự việc này, tôi nghĩ các em và thầy cô giáo của các em ở cấp học phổ thông là nạn nhân nhiều hơn là thủ phạm. Bởi cách học hiện nay vẫn là học thuộc lòng, học để đi thi, thi để có bằng chứ không phải học vì giá trị của tri thức.

Khi người ta học vì giá trị của tri thức thì người ta mới biết tri thức cần thiết cho mình, nên phải học dù thi hay không. Nhưng toàn bộ nền giáo dục tiếp tục tái sản xuất khuôn mẫu học để thi, thi để lấy bằng, để làm quan (nhiều khi không phải quan thường mà là quan tham). Hiện tượng ấy do vậy không phải lỗi của cá nhân một trường, của các em học sinh cuối cấp mà là tệ trạng chung của toàn xã hội, và toàn xã hội có trách nhiệm đối với nó.

Một nền giáo dục lành mạnh, bình thường phải tạo ra được hứng thú cho người học. Nhưng nền giáo dục của ta có thực sự giúp người học khám phá những tiềm năng trong bản thân mà mình không thấy?

Chúng ta đang dạy cho học sinh vô số điều, nhưng các em khi thi xong thì chữ thầy trả thầy, bởi chẳng thấy bổ ích gì trong đó.

Hồi tôi còn nhỏ, những người đến trường biết được hạnh phúc khi được đi học, thương người nghèo không được đến trường để biết những điều hay như mình. Còn bây giờ, thử hỏi học sinh xem bao nhiêu em cảm thấy thực sự sung sướng khi được đi học?

Trả lịch sử về đúng chức năng của nó

Phản ứng của học sinh khi không học môn sử nên coi là một hiện tượng, trong vô số những hiện tượng tưởng chừng bất bình thường nhưng lại phản ánh đúng thực trạng nền giáo dục hiện nay.

Một cách căn cơ, đàng hoàng, theo tôi giáo dục phải trở lại chức năng bình thường, vốn có, chức năng phổ quát như trên thế giới người ta đang hiểu: giáo dục thực chất là đem lại hiểu biết mới, biến người ta từ chỗ chưa biết thành biết, từ chỗ biết ít thành biết nhiều, từ chỗ hiểu sơ sơ thành hiểu rõ hơn, khoa học hơn, cung cấp tri thức ở trình độ cao hơn.

Và, đồng thời giáo dục cũng làm cho người học tự phát triển bản thân, tự thấy có thiên hướng gì, hiểu mình thích gì, muốn gì, phù hợp với điều gì trong cuộc sống và nên làm gì để thoả mãn chí nguyện bản thân.

Giáo dục phải giúp người học hiểu bản thân một cách sâu sắc hơn, biết cả những cái chưa hay của mình để tự hoàn thiện, để sống làm người một cách tử tế. Môn sử cũng vậy, muốn học trò thích thì phải trả lịch sử về đúng chức năng của nó: là sự hiểu biết quá khứ của con người.

Chúng ta dạy lịch sử như thế nào cho người học hiểu biết rõ hơn, sâu hơn quá khứ của dân tộc, cộng đồng, của chính họ thì chắc sẽ tạo ra sự ham thích.

Còn hiện nay, lịch sử đang dạy học sinh một mớ tín điều, nhai đi nhai lại, để phù hợp đáp án, để đi thi chứ chưa mang lại sự hiểu biết sinh động, những hiểu biết gợi nên suy nghĩ cho người học về quá khứ của nhân loại trong đó có quá khứ của bản thân…

Giáo dục lẽ ra nâng cao nhân cách con người, nếu chỉ để thi rồi quên thì khi đó lại huỷ hoại con người. Một xã hội mà người ta ngay từ trẻ không thích học thì rất nguy hiểm.

Để có cái nhìn đa chiều về vụ việc, chúng tôi tổng hợp một số ý kiến của giáo viên nhà trường, cũng như học sinh, đang được chia sẻ công khai trên các diễn đàn, mạng xã hội:

Lara Nhung: “Hiểu cảm xúc và áp lực trên vai các em”

“Câu chuyện bắt đầu vào cuối tiết 5 buổi sáng ngày 29.3.2013, khi thầy N. hiệu phó bắc loa thông báo môn thi tốt nghiệp. Ngay sau đó là tiếng reo hò không ngớt của các em học sinh lớp 12 và giấy được ném xuống sân trường...

Tôi hiểu cảm xúc và áp lực đè nặng trên vai các em sau 12 năm học tập vất vả. Nhất là giữa những ngày ôn luyện miệt mài giữa thời tiết tháng 3 oi ả, nhiệt độ luôn trên 360C. Một vài phút phấn khích (có thể hơi khó chấp nhận trong mắt ai đó) có gì là quá đáng? Điều đáng nói là vào đầu giờ chiều, khi trò “xé giấy thả chơi” tái diễn, thầy N. hiệu phó phụ trách kỷ luật đã yêu cầu các em học sinh lớp 12 xuống sân nhặt tất cả rác trên sân, từ giấy do các em ném đến lá cây và các loại rác khác. Và các em học sinh đã nghiêm túc chấp hành. Tôi là người có giờ dạy cả hai buổi sáng chiều nên chứng kiến đủ hai lần xé giấy hôm ấy và tôi còn tò mò ra tận nơi xem đó là giấy gì. Câu trả lời là: đủ các loại.

Một vài tờ photo thu nhỏ tài liệu môn sử nhưng chủ yếu là tờ rơi quảng cáo, giấy nháp, giấy vụn, khăn giấy...”

Pap Pillon: “Chúng em hối hận”

“Bọn em hoàn toàn không xé đề cương sử. Sau khi “quậy phá” cả tập thể học sinh lớp 12 đã đồng loạt xuống sân, quét dọn, thu dọn lại bãi “rác trắng” mà mọi người nói là đề cương sử để thể hiện sự hối hận của chúng em.

Em là người quay clip, học sinh 12A6-36, hoàn toàn không có vấn đề xé. Tất cả chỉ là rác (giấy vụn, tờ rơi, quảng cáo, tuyển sinh...)”

Ông Nguyễn Cảnh Tân, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM: “năm nào học sinh cũng sợ thi sử !”

“Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho nhân viên của trường gom lại thì đó không chỉ có đề cương môn sử mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp... Tôi đã đích thân đi hết 14 lớp 12 nói chuyện và hỏi các em tại sao làm như vậy?

Các em cho biết đó là cách để giải toả áp lực tâm lý vì bị ức chế quá nhiều. Đây chỉ là hành động bột phát của một số em lớp 12 chứ không phải tất cả học sinh tham gia. Sau đó nhiều em đã khóc vì hối hận. Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy rằng năm nào học sinh cũng sợ thi môn sử!”.

Theo TS. Bùi Trân Phượng
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.