Đề nghị cảnh cáo bốn giám thị vụ clip tiêu cực thi cử

Đề nghị cảnh cáo bốn giám thị vụ clip tiêu cực thi cử
TPO - Chiều tối 13/6, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với báo giới thông tin liên quan vụ clip quay cảnh tiêu cực thi cử tại hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội).

> ‘Không xử lý học sinh chép bài thi tốt nghiệp’
> Xử lý hội đồng thi để xảy ra tiêu cực chép bài như thế nào?

Hình ảnh thí sinh quay cóp trong phòng thi. (Ảnh chụp từ clip độc quyền của Dân trí)
Hình ảnh thí sinh quay cóp trong phòng thi. (Ảnh chụp từ clip của Dân trí).

Ông Thống cho biết:

Sau khi được Bộ GD&ĐT chuyển những clip quay cảnh tiêu cực trong một hội đồng thi được cho là ở Hà Nội, ban giám đốc Sở GD&ĐT đã họp để cùng xem xét tư liệu đó, đồng thời nhờ cơ quan công an xác minh tính xác thực của clip.

Thanh tra Sở cũng xuống hiện trường để đối chiếu với cảnh trong clip. Qua những bước làm đó, chúng tôi khẳng định sự việc được mô tả trong các đoạn clip diễn ra tại hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông, ở các buổi thi toán, ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Cụ thể, tại phòng thi số 35, các giám thị đã làm không hết trách nhiệm, để cho thí sinh trao đổi với nhau, nói chuyện, gây mất trật tự trong phòng thi.

Không xử lý thí sinh

Trên website của Sở đã thông báo dự kiến xử lý giám thị và các cán bộ liên quan. Nhưng với thí sinh thì sao, thưa ông?

Qua những hình ảnh trong clip cho thấy thí sinh trong phòng thi 35 mất trật tự nhưng xét cho cùng để xảy ra việc này là trách nhiệm của người lớn. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các đồng chí giám thị đã không hoàn thành trách nhiệm. Còn thí sinh thì khi chấm thi, chúng tôi đã lưu ý hội đồng chấm cần quan tâm đặc biệt với hội đồng thi này.

Nếu thấy có hiện tượng bất thường trong bài làm của thí sinh, ví dụ nếu có việc bài giống nhau hàng loạt, thì chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý theo quy chế. Nhưng theo báo cáo từ hội đồng chấm, đến thời điểm này, bài làm của các thí sinh ở Hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông chưa có điều gì bất thường!

Nhưng thí sinh dự thi đều đã 18 tuổi, nghĩa là các em đã đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu không xử lý nghiêm các em khi việc tiêu cực bị phát giác thì có trở thành tiền lệ xấu khiến các em càng trở nên thiếu trách nhiệm?

Tôi nhìn nhận việc này ở góc độ người làm công tác giáo dục. Nếu các giám thị đã làm hết trách nhiệm của mình thì không có một cơ hội nào cho các em có thể quay sang nói chuyện riêng hoặc một hai em chuyển thông tin cho nhau.

Thứ hai, bản thân kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ sát hạch sau 12 năm học, từ đó đánh giá được việc dạy – học. Chúng ta không quá coi đó là thước đo khiên cưỡng, cứng nhắc.

Tôi nói đây là lỗi trước hết ở người lớn nhưng không có nghĩa chúng tôi không quan tâm tới học sinh. Sự quan tâm đó thể hiện trong quá trình chấm.

Theo thông báo của Sở, dự kiến xử lý kỷ luật chỉ áp dụng mức nặng nhất là cảnh cáo tới 4 giám thị trực tiếp coi thi. Còn lãnh đạo hội đồng và cán bộ giám sát hội đồng thi chỉ bị khiển trách, liệu có thoả đáng?

Từ hai năm nay, Hà Nội thực hiện mô hình chủ tịch hội đồng thi khi đi làm nhiệm vụ không mang theo giáo viên của mình mà chỉ có một thư ký giúp việc. Điều này nhằm tránh việc nể nang nhau vì quen biết trong quá trình làm việc, việc điều hành sẽ khách quan hơn. Nhưng nó cũng khiến chủ tịch sẽ gặp khó khăn khi phân công công việc một cách hợp lý nhất cho các giám thị.

Ngày 3/6 đoàn kiểm tra của Sở và Bộ GD&ĐT đã có mặt tại hội đồng thi này, khẳng định sự nghiêm túc của hội đồng trong việc thực hiện quy chế thi, nhưng ngay hôm sau đã xảy ra sự việc trên. Ông nghĩ sao về hiệu quả kiểm tra của Sở, của Bộ?

Đây là một sự cố rất đáng tiếc. Chúng tôi đã làm nghiêm túc. Cá nhân tôi cũng được tham gia nhiều đoàn kiểm tra khác, chúng tôi không trống giong cờ mở. Chúng tôi về đột xuất.

Kết quả kiểm tra của 20 đoàn Sở GD&ĐT và 5 đoàn lưu động thì đều có những biện pháp kiểm tra đột xuất, đều đánh giá rất nghiêm túc, đều cảm thấy các giám thị đã thực hiện rất nghiêm túc. Đáng tiếc là sau khi Bộ và Sở về kiểm tra, các đồng chí ở Hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông đã chủ quan, nên để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.

Hai môn thi này là toán và ngoại ngữ. Theo tường trình của các đồng chí giám thị, phần lớn các em đều làm được bài thi. Xem trên clip có thể thấy nhiều em ngồi im, tức là các em đã làm xong bài. Chỉ đến phút cuối, một số em mất trật tự, một hai em trao đổi với nhau gây hình ảnh phản cảm.

Các phóng viên cũng rất băn khoăn tại sao hôm đó đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra đột xuất nhưng lại có xe của Sở dẫn đoàn đi?

Bộ về hoàn toàn không thông báo với Sở. Hôm Bộ về thì có một đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách cụm đó. Có những điểm trường Bộ không biết nó nằm ở đâu, còn anh em chúng tôi biết nó nằm ở ngõ nào.

Khi Bộ đi gần đến nơi có thông báo cho chúng tôi là họ về kiểm tra thì mới nhập hai đoàn vào. Có thông tin cho rằng, đoàn của Bộ đến nơi thì đã thấy đoàn của Sở đến trước, thông tin này không đúng bởi hai đoàn về đến hội đồng thi cùng một lúc.

Đương nhiên khi lãnh đạo cấp trên về kiểm tra mà phụ trách cụm trường này, mình phải có mặt, trả lời những chất vấn và thực hiện những uốn nắn, chỉnh sửa của lãnh đạo Bộ, đó là chuyện thường tình.

Ông nói rằng Sở có giao một đồng chí phó giám đốc phụ trách khu vực có hội đồng thi Quang Trung – Hà Đông. Để xảy ra sự việc này thì trách nhiệm của đồng chí phụ trách đó có tính chất liên đới thế nào?

Cá nhân tôi cũng phụ trách vài chục điểm thi. Nhưng tôi chỉ là người kiểm tra lưu động và có hiện tượng gì thì nhắc nhở. Ngoài ra, chúng tôi còn có những đoàn thanh tra của Sở đi về các điểm trường. Đây chỉ là một trong 154 hội đồng thi, cho nên trách nhiệm của những ai được phân công thì cơ quan sẽ có ý kiến với người đó.

Trông chờ nguồn tin phản ánh tiêu cực từ xã hội

Được biết, lý do khiến nhóm thực hiện clip chọn Hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông để ghi hình ảnh thi cử là do có tin thí sinh ở hội đồng này phải đóng tiền “chống trượt”. Sau vụ việc này, Sở có ý định quay lại điều tra có hay không việc này?

Từ trước kỳ thi Sở đã có văn bản nghiêm cấm việc thu tiền học sinh để tổ chức thi tốt nghiệp. Nơi nào thu của học sinh thì sẽ phải trả lại. Còn bây giờ, các nhà báo hãy nói cho tôi biết lớp nào của trường nào có việc thu này. Nếu có văn bản phản ánh chắc chắn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Khi kiểm tra xong, nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ báo cáo bằng văn bản cho báo chí biết.

Nếu vậy ngành giáo dục có vẻ bị động, phải phụ thuộc vào các nguồn tin của xã hội. Nếu mình có thể chủ động dựa vào đội ngũ thanh tra của mình, hoặc có thể nhờ vào lực lượng an ninh với những điểm nóng?

Ít nhất chúng tôi có người đồng hành là các phụ huynh. Chúng tôi gửi thông tin lên báo, được phép/ không được phép thu khoản gì. Chúng tôi không yêu cầu phụ huynh khi thông tin cho chúng tôi phải khai rõ tên gì mẹ của cháu nào! Vậy tại sao khi bỏ tiền ra đóng cho con lại không phản ánh?

Một phòng thanh tra của chúng tôi có 12 người mà bây giờ ngần ấy hội đồng thi, ngần ấy trường học! Cho nên cần sự giám sát của xã hội là như vậy.

Kế đến là hệ thống thông tin đại chúng. Người dân họ có thể không phản ánh với Sở mà họ phản ánh với báo chí, nhưng phải có thông tin cụ thể. Còn trường X với trường Y thì rất khó cho chúng tôi. Chúng tôi hứa nếu có thông tin cụ thể chúng tôi sẽ kiểm tra và bắt trả lại cho cha mẹ học sinh.

Ngành giáo dục ém thông tin?

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc Bộ và Sở chậm trễ trong việc thông tin cho dư luận, phải chăng có liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT?

Cá nhân tôi không có khái niệm gì về việc này. Sau khi có một bằng chứng để xử lý kỷ luật ngần ấy con người thì không thể ngày một ngày hai làm được. Phải mời những cá nhân liên quan lên.

Tôi cho rằng thời gian xử lý như thể là quá nhanh! Chúng tôi phải mời công an sang để xác minh clip. Hôm sau lại phải xuống hội đồng thi để xem cái cửa sổ này đúng là cửa sổ trong clip không! Một loạt việc đối chứng và đối chiếu trong bối cảnh các hội đồng thi của chúng tôi vừa thi xong rồi phải tổ chức hội đồng phách, hội đồng chấm… Các bạn thông cảm, chúng tôi không chỉ làm một việc! Vì vậy nói chúng tôi chậm là không đúng.

Ngay cả đến thời điểm này chúng tôi cũng mới tiến đến bước thanh tra đề xuất hình thức kỷ luật. Còn theo Nghị định 27 của Chính phủ thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm thành lập các hội đồng kỷ luật để xử lý các cá nhân liên quan.

Chúng ta nóng vội, muốn biết ngay kết quả xử lý. Nhưng công việc phải theo đúng quy trình. Quả thật chúng tôi không có ý định che dấu. Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn không có gì về khái niệm này.

Một số báo cho biết, ngay mới tối hôm qua thôi, khi liên hệ với ông thì ông vẫn nói rằng chưa biết gì về thông tin này, trong khi nhiều báo đã biết và viết bài phản ánh?

Tôi là người phát ngôn của Sở chứ tôi không phải là phó giám đốc phụ trách công tác thanh tra. Chứng lý đã được chuyển ngay cho đồng chí phụ trách thanh tra… Tôi thậm chí còn chưa biết mặt các đồng chí giám thị!

Còn ngày hôm nay, buổi sáng tôi phải theo đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm việc với huyện Thường Tín, buổi chiều làm việc với đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố về đại hội thể dục thể thao học sinh. Về đến nơi là tham gia họp với ban giám đốc Sở. Đang đi với Chủ tịch, Phó chủ tịch thành phố thì tôi không thể nghe điện thoại.

Có nên tổ chức thi lại?

Lãnh đạo Sở có cho rằng lẽ ra cần phải tổ chức thi lại ở hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông?

Từ một phòng thi mà tổ chức thi lại cả hội đồng thì không nên chút nào. Kéo theo nó là bao nhiêu hệ luỵ! Chúng tôi thấy đây chỉ là việc thí sinh làm mất trật tự, giám thị không làm hết trách nhiệm nên không việc gì phải tổ chức thi lại.

So với hình ảnh trên clip mà các báo đã đưa mà ông lại nói đây chỉ là hiện tượng mất trật tự thì phải chăng ông đang dùng uyển ngữ?

Với những cái tôi được xem thì đúng là học sinh quay sang với nhau, nói chuyện với nhau. Mà như thế ta yêu cầu thi lại cả hội đồng thì có đúng không? Tôi không nghĩ là cần phải như vậy.

Tôi nhắc lại, hiện tượng này theo đúng văn bản mà tôi đã cho đưa lên mạng của Sở là giám thị không làm hết trách nhiệm để học sinh mất trật tự trao đổi bài.

Được biết để quay clip nhóm thực hiện đứng từ nhà dân phía ngoài hội đồng thi. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Về cơ sở vật chất các trường học ở Hà Nội vẫn còn tồn tại việc có nhiều hộ dân trong khuôn viên trường học, nhiều nơi trường học rất sát với nhà dân mà trường THPT Quang Trung – Hà Đông là một ví dụ.

Chúng tôi cũng đã cảnh báo với những nơi gần nhà dân, để đảm bảo trật tự, sự yên tĩnh cho thí sinh làm bài thì phải đóng cửa. Nhưng thời tiết như vậy ngồi trong phòng kín rất tội cho các em.

Phải chăng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã ân hận khi bố trí một hội đồng thi tại trường THPT Quang Trung – Hà Đông?

Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng chúng tôi phải cố gắng tận dụng đến mức cao nhất để học sinh được thi trong ngôi trường đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất. Trường THPT Quang Trung – Hà Đông đảm bảo cơ sở vật chất tốt, chỉ là sát nhà dân quá!

Nhưng qua sự việc cụ thể này thì thấy việc đó cũng đâu có ảnh hưởng tới không khí làm bài của thí sinh, trong khi nó lại giúp cho Sở phát hiện được tiêu cực trong hội đồng thi?

Chắc chắn là có ảnh hưởng bởi các tiếng động từ các hộ dân như tiếng còi xe, tiếng trẻ em khóc, tiếng rao hàng… Chúng tôi nói hội đồng thi cách biệt khu dân cư không phải để chống việc phản ánh tiêu cực.

Có bất thường không khi mà Sở cứ xoáy sâu vào vấn đề môi trường tác động tới tâm lý làm bài của thí sinh trong khi nhờ có nó mà việc giám sát của xã hội tới kỳ thi có điều kiện thực hiện?

Tôi chưa hề xoáy sâu vào việc môi trường thi ảnh hưởng tới việc làm bài của thí sinh. Tôi chỉ trả lời căn cứ vào câu hỏi của các nhà báo. Trong việc này có thuận lợi và có những việc chưa thuận lợi. Nhưng ở đây là một kỳ thi quốc gia, chúng tôi phải tạo điều kiện đảm bảo mọi sự riêng biệt của cả hội đồng thi. Những điều mình chưa làm được là lỗi của mình trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất.

Chống tiêu cực có cần giải pháp giám sát đặc biệt?

Qua vụ việc này cũng như một số vụ việc tiêu cực khác trên toàn quốc ở những năm trước, ông có cho rằng kỳ thi tốt nghiệp cần cơ chế giám sát đặc biệt, khi mà hội đồng thi biệt lập với bên ngoài?

Không riêng gì công việc về thi mà tất cả mọi công việc khác nếu có sự giám sát của xã hội đều rất tốt. Nếu giám thị làm hết trách nhiệm của mình thì học sinh không có cơ hội vi phạm quy chế.

Nhưng quy chế đã khiến hội đồng thi trở thành một ốc đảo. Thậm chí trong trường hợp này chủ tịch hội đồng thi cũng đã chỉ nhận lỗi là do không bao quát được. Việc Bộ cho phép thí sinh mang máy ghi hình vào phòng thi cũng xuất phát từ lý do này, nhưng lại bị dư luận cho rằng ngành giáo dục trút gánh nặng trách nhiệm giám sát lên thí sinh. Vậy theo ông là cần phải có sự chủ động giám sát đặc biệt với các phòng thi của ngành giáo dục?

Không chỉ có giám thị giám sát trong các phòng thi. Ở hội đồng còn có thanh tra đến từ những trường khác. Ngoài giám thị 1, giám thị 2 còn có giám thị hành lang. Họ không quen nhau, đến từ những đơn vị cách xa nhau hàng mấy chục km. Tôi cho như vậy là đã đảm bảo khách quan.

Việc từng phòng thi phải có camera để lãnh đạo hội đồng thi có thể quan sát đồng thời tất cả mọi phòng thi như phóng viên báo Tiền Phong từng hỏi tôi thì quả thật điều kiện kinh tế của chúng ta chưa cho phép.

Kỳ thi này Hà Nội có 3.214 phòng thi, nếu từng ấy phòng phải có camera thì cần một khoản kinh phí quá lớn! Do đó trong điều kiện hiện nay học sinh thực hiện quyền của mình, được học, được thi, và nếu thấy có tiêu cực thì được quyền phản ánh; đồng thời các cán bộ, giáo viên tham gia coi thi thực hiện hết quyền và trách nhiệm của mình thì sẽ không có vấn đề gì.

Vấn đề là sự quan tâm của lãnh đạo Sở G&ĐT về việc chống tiêu cực trong thi cử ở mức độ nào? Nếu mình thấy nó cần thiết thì hoàn toàn có thể đưa ra một lộ trình tiến tới một kỳ thi mà những nơi nào có camera giám sát thì mới đủ điều kiện làm hội đồng thi?

Tôi đồng tình với ý kiến này. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội coi việc chống tiêu cực là mục tiêu hàng đầu khi tổ chức kỳ thi. Nhưng nếu nói về điều kiện thì những năm trước đây chúng ta thậm chí còn những trường học không có nổi cái tường rào. Đến bây giờ vẫn còn học sinh học trong những ngôi nhà cấp bốn dột nát, điện không đủ, ánh sáng không đảm bảo, quạt không có…

Đến bây giờ chúng ta đưa được 3.214 phòng thi mượn ở cả các trường THCS, trường THPT công lập để cho học sinh thi có quạt, có điện, có ánh sáng đã là bước tiến bộ đáng kể.

Còn việc nâng cấp lên sau này bằng những thiết bị công nghệ thông tin để kiểm soát kỳ thi thì đó là một ý kiến hay. Nhưng tôi e rằng trong điều kiện hiện tại bây giờ thì nó chưa thể nằm trong lộ trình.

Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội, qua việc xác minh 20 đoạn hình ảnh được cung cấp, đối chiếu với thực tế tại hội đồng coi thi THPT Quang Trung - Hà Đông thì có 1 đoạn hình ảnh ở phòng thi số 50 và 19 đoạn hình ảnh ở phòng thi số 35 trong thời gian thi 2 môn toán và ngoại ngữ.

Hiện tượng giám thị để thí sinh mất trật tự và trao đổi bài chỉ xảy ra ở phòng thí số 35 ở thời gian cuối của 2 buổi thi môn toán và ngoại ngữ. Theo kết luận thanh tra của Sở GD&ĐT Hà Nội, trách nhiệm trước hết thuộc về các giám thị trong phòng thi đã thiếu trách nhiệm khi coi thi, không kiên quyết nhắc nhở thí sinh trong phòng thi.

Do đó Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, giáo viên vi phạm Quy chế thi tại hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Quang Trung - Hà Đông là: Cảnh cáo đối với các giám thị trong phòng thi số 35 ở 2 buổi thi môn toán và ngoại ngữ; Khiển trách đối với chủ tịch hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách khu vực phòng thi số 35 và các giám thị biên khu vực có phòng thi số 35; Phê bình đối với lãnh đạo hội đồng gồm các phó chủ tịch và thư ký, các thành viên còn lại của tổ thanh tra.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ, quy trình xử lý cán bộ, giáo viên vi phạm quy chế, thông báo rộng rãi toàn ngành kết quả xử lý này.

Quý Hiên ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG