'Chiến sĩ biển đảo' vào đề thi Văn lớp 10

'Chiến sĩ biển đảo' vào đề thi Văn lớp 10
TPO - Kết thúc môn thi môn Ngữ Văn (thời gian 120 phút) vào lớp 10 ở Hà Nội hôm nay (18/6), các thí sinh cho biết, đề thi mang tính thời sự, nhất là câu về hình ảnh chiến sĩ biển đảo.

> 7,1 vạn thí sinh Hà Nội ứng thí
> Sáng nay, hơn 70.000 học sinh Hà Nội thi vào lớp 10

Ở phần 2 của đề thi yêu cầu học sinh “trình bày suy nghĩ về hình ảnh những chiến sĩ biển đảo”, nhiều em cho rằng, rất ý nghĩa. Chiều nay, các em thi môn Toán với thời gian 120 phút.

Nhiều thí sinh vui vẻ sau môn Ngữ Văn
Nhiều thí sinh vui vẻ sau môn Ngữ Văn. Ảnh: Đỗ Hợp

Ấn tượng với câu nghị luận xã hội

Sáng nay, hơn 70.000 học sinh của Hà Nội thử sức với kỳ thi tuyển sinh vào lớp với môn Ngữ văn.

Năm nay, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 khiến các bạn khá bất ngờ với câu hỏi nghị luận xã hội, khi yêu cầu nêu suy nghĩ về hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Đa số học sinh cho rằng, câu hỏi nghị luận không có trong đề cương ôn tập, nhưng vấn đề về biển đảo Tổ quốc rất “nóng”, và các bạn rất hào hứng làm bài.

Em Trần Thảo Dương, học sinh trường THCS Gia Thụy (Hà Nội) cho biết, đề thi có dung lượng vừa phải, đề mở, đặc biệt câu hỏi về nghị luận xã hội liên quan đến vấn đề biển đảo.

“Mọi năm đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 chỉ có câu nghị luận văn học. Nhưng năm nay có câu về nghị luận xã hội sẽ làm học sinh bộc lộ được quan điểm của mình" - Dương nói.

Dương cũng cho biết, với đề Văn mọi năm, học sinh chỉ cần học thuộc là làm được bài, nhưng với đề năm nay, học sinh phải ôn tập thật rộng: “ Các câu hỏi trong đề không quá khó, không yêu cầu học sinh quá cao, nhưng muốn đạt điểm giỏi thì phải biết vận dụng kiến thức khi làm bài. Em nghĩ ít nhất là được 7,5 điểm và cao thì được 8,5 điểm”.

“Em hy vọng hàng năm đề thi sẽ ra những câu hỏi mở như thế này, để học sinh thể hiện quan điểm của mình về một vấn đề xã hội, tránh phần nào học tủ, học vẹt và sẽ ít đi những bài văn mẫu” - Dương nói.

Em Đỗ Đình Hiếu, học sinh trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, Hưng Yên cho biết, câu cuối về nghị luận xã hội khiến em khá bất ngờ, nhưng hay.

Hiếu cũng cho biết, để dự thi vào lớp chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An, em đã tự bắt xe lên Hà Nội từ hai hôm trước và ở nhờ nhà anh trai: “Sáng nay 6h ánh trai em đưa đi. Dù môn Văn không phải là sở trường nhưng em vào phòng thi với tâm lý khá thoải mái”.

Phụ huynh vui vẻ khi con làm được bài
Phụ huynh vui vẻ khi con làm được bài.

Bố mẹ đi thi cùng con

Cùng chung tâm trạng lo lắng, hồi hộp của thí sinh, nhiều phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 tại Hà Nội sáng nay cũng hồi hộp không kém.

Đợi con gái ngoài phòng thi từ 6h30 phút sáng, chị Phạm Thị Thu Hương (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “con gái vào phòng thi thoải mái bao nhiêu thì mẹ lo bấy nhiêu. Chỉ mong cháu thi tốt hai môn cơ bản là Văn và Toán thì sẽ chắc một chân vào trường công lập đã. Nếu được vào lớp chuyên thì càng tốt hơn”.

Chị Hương cũng cho biết, môn Văn không phải môn học tốt nhất của con gái: “Cháu bảo môn Toán dễ học hơn. Nhưng với kết quả trung bình gần 9 phẩy môn Văn 4 năm học thì mình yên tâm là con sẽ làm bài tốt”.

Cùng chung tâm trạng, Chị Lân (Xuân Đỉnh, Hà Nội) có con thi vào chuyên Tin của trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “Cháu đã ôn thi cách đây 2-3 tháng nhưng nếu không vào được nguyện vọng chuyên thì vẫn còn cơ hội vào trường công lập khác”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG