Nghỉ hè, giáo viên dạy thêm kiếm 70 triệu/tháng

Nghỉ hè, giáo viên dạy thêm kiếm 70 triệu/tháng
Vào dịp nghỉ hè, trong ngày giáo viên có tới dăm bảy ca dạy thêm, thu nhập dăm bảy chục triệu đồng/tháng là chuyện thường.

Nghỉ hè, giáo viên dạy thêm kiếm 70 triệu/tháng

Vào dịp nghỉ hè, trong ngày giáo viên có tới dăm bảy ca dạy thêm, thu nhập dăm bảy chục triệu đồng/tháng là chuyện thường.

Dù Bộ GD-ĐT đã có quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng nhiều nơi giáo viên vẫn
Dù Bộ GD-ĐT đã có quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng nhiều nơi giáo viên vẫn "phớt lờ" (Ảnh minh họa) .

Nghỉ hè giáo viên làm gì?

Kể ra, nghề giáo cũng có cái sướng, cái thong thả của nó. Nghỉ hè bây giờ, nhiều nhà trường, phòng giáo dục có kế hoạch tổ chức đi du lịch, tham quan, học tập các nơi khác, tiền cá nhân, tiền phúc lợi tập thể góp vào, được đông đảo thầy cô giáo tham gia, hưởng ứng. 

Vài ba năm, đi một chuyến, hết Hà Nội, Vịnh Hạ Long, đến Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh… Mấy chục năm làm nghề dạy học, những thành phố lớn, địa danh nổi tiếng của cả nước đều biết gần hết. Có một số giáo viên, một số trường có điều kiện, còn vươn xa, đi du lịch, tham quan nước ngoài.

Mấy anh bạn của tôi, làm ngành nghề khác, có khi phải “ganh tị” thốt lên: "Các ông, các bà nhà giáo thời nay, tuy nghèo, lương bổng còn eo hẹp nhưng đến nghỉ hè, biết tổ chức đi tham quan, nghỉ mát “đã” thật. Còn tụi tôi, đi làm suốt, ít có cơ hội đi đó đây.”

Song, thỉnh thoảng có nghe hung tin, đoàn tham quan trường A, trường B trên đường đi bị tai nạn giao thông ở đâu đó làm mấy người chết, mấy người bị thương, mà ai cũng thấy sợ, thấy ớn.

Mới vừa rồi, chiếc xe chở các thầy cô giáo ở một trường THCS thuộc tỉnh Quảng Nam đi tham quan Đà Lạt, bị tai nạn ở Khánh Hòa, xe lao thẳng vào vách núi, khiến 7 người tử vong và hàng chục người bị thương.

Nghe tai nạn thương tâm ấy, có mấy đoàn tham quan ngành giáo dục Quảng Ngãi đã có kế hoạch rồi, chuẩn bị khởi hành, phải cho dừng ngay.

Nghỉ hè giáo viên biết làm gì đây? Phần lớn thầy cô giáo dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm lo bản thân, gia đình, con cái... sao cho chu đáo, vẹn toàn hơn.

Có người thì bảo, thầy cô có thể vừa nghỉ ngơi, vừa đọc sách; đầu tư, nghiên cứu chuyên môn để sang năm học mới dạy tốt hơn. Là người trong cuộc, tôi cũng xin nói thật, số giáo viên làm được như vậy không có nhiều.

Một minh chứng từ một Hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội năm 2010 cho thấy một thực trạng, trong 10 năm qua, bình quân một giảng viên đại học chỉ công bố được 0,58 bài báo khoa học mỗi năm.

"Chạy sô" dạy thêm kiếm 70 triệu/tháng

Sở dĩ, trong năm học và thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên, giảng viên lười nhác, ít đọc sách, ít đầu tư chuyên môn, vì các lý do chính sau:

Thứ nhất, môi trường làm việc trong ngành giáo dục, trong nhà trường ít có tính cạnh tranh, thi đua với nhau, gần như ai cũng như nhau, cứ 3 năm thì lên một bậc lương, cuối năm có mấy ai bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ (ngoại trừ bị kỷ luật nặng, dạy quá kém), còn cố gắng thi đua, làm tốt, đạt các danh hiệu nọ kia thì cuối năm khen thưởng cũng chỉ được thêm mấy đồng bạc.

Tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra ở hầu hết các cấp học. Ảnh: Hoàng Long
Tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra ở hầu hết các cấp học. Ảnh: Hoàng Long .

Thứ hai là tại đồng lương Nhà nước chi trả cho thầy cô giáo còn quá ít ỏi nên họ chưa toàn tâm, toàn sức cho hoạt động dạy và học của mình.

Nghỉ hè, hoạt động dạy thêm, học thêm của thầy và trò trở nên rầm rộ, tất bật ở các bậc học. Có cung ắt có cầu. Tuy nhiên, số giáo viên dạy học thêm được, chỉ tập trung vào các môn như: toán, lý, hóa, ngoại ngữ; còn những giáo viên bộ môn khác có muốn dạy thêm cũng chẳng được, vì học sinh không có nhu cầu.

Số ít thầy cô giáo dạy thêm có tiếng, thu hút được học nhiều học sinh. Đến kỳ nghỉ hè, họ “chạy” hết công suất. Trong ngày, có tới dăm bảy ca dạy thêm, thu nhập dăm bảy chục triệu đồng/tháng là chuyện thường. Phần nhiều giáo viên dạy học thêm cũng chỉ kiếm thêm chút thu nhập, từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

Thầy Lê Vân, giáo viên Vật lý, trường THPT số 1 Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho biết: "Nếu đồng lương nghề giáo chúng tôi mà tốt lên, sống được thì chúng tôi cũng không muốn dạy thêm trong hè, trong năm nữa. Kiếm được đồng bạc từ dạy thêm thật sự là tốn công sức lắm".

Hè này cũng là hè đầu tiên các địa phương, nhà trường thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, đến nay, Chủ tịch UBND các tỉnh thành đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa phương mình.

Theo quy định mới thì bậc tiểu học không được tổ chức dạy, học thêm các môn văn hóa bất cứ hình thức nào; giáo viên bậc THCS, THPT đang làm việc, hưởng lương nhà nước thì không được đứng ra tổ chức dạy học thêm.

Mặc dù nhiều Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra giáo viên nhiều lần về quy định dạy thêm, học thêm mới, thế nhưng nhiều giáo viên từ bậc tiểu học đến bậc THPT ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn vẫn vi phạm luật, cố tình tự tổ chức dạy học thêm tại nhà. Dạy học thêm vẫn tràn lan, gây bức xúc dư luận.

Nói tóm lại, văn bản, quy định, hô hào không thiếu, nhưng trong ngành giáo dục ta lại rất thiếu đi sự đồng bộ, kiểm tra, xử lý nghiêm túc về việc dạy học thêm của giáo viên trong năm học và kỳ nghỉ hè.

Đã làm thì làm cho đến nơi, đến chốn, còn không thì thôi, chứ trây trây ra đó chỉ thêm mất niềm tin mà thôi.

Đỗ Tấn Ngọc
Phó Hiệu Trưởng, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

Theo VTC News

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".