Người Hà Nội, Sài Gòn hào hiệp đón sĩ tử

Người Hà Nội, Sài Gòn hào hiệp đón sĩ tử
TP - Đón tiếp như người thân, cho ở trọ không mất tiền, thậm chí cả ăn uống cũng được miễn phí, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội, Sài Gòn đang tiếp sức cho ước mơ đại học của nhiều thí sinh.

Cả làng đón sĩ tử

Đến thôn Nội (Xã Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội) những ngày này, không khí như ngày hội. Đoàn viên, thanh niên trong thôn với trang phục áo xanh tình nguyện đứng ở cổng làng, thấy thí sinh dừng lại hỏi đường, tìm chỗ trọ là giới thiệu vào ở miễn phí trong làng. “Nghe chúng mình giới thiệu, nhiều người có vẻ nghi ngờ”, Cao Thị Hồng Nhung, Phó Bí thư Đoàn thôn cho biết.

Đã mấy ngày nay, chị Nhung chỉ về nhà vào giờ ăn cơm. Nhung vừa tốt nghiệp trường Đại học Thương mại. Hầu như cả ngày, Nhung tất bật chạy đi chạy về giữa cổng làng và Nhà văn hóa thôn. Đợt này, nhà văn hóa được Đoàn thanh niên trưng dụng làm “đại bản doanh” tiếp sĩ tử và người nhà.

Có anh chủ quán trong thôn thường cung cấp miễn phí nước trà, nước mía cho cả đội. Mỗi khi có thí sinh đến, tùy theo nhu cầu sẽ được bố trí ăn, ở phù hợp. “Xung quanh khu vực này có các địa điểm thi của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các sĩ tử đến đây sẽ được đón tiếp chu đáo, được ở trọ miễn phí”, Nhung chia sẻ.

Mở cuốn sổ ghi danh sách các hộ gia đình đăng ký cho sĩ tử ở trọ miễn phí, Nhung bảo, chỉ mới chiều 30/6, sau một đợt vận động qua loa truyền thanh, đã có hơn 30 gia đình sẵn sàng cho ở trọ. Nhiều gia đình còn mong muốn giúp đỡ được càng nhiều càng tốt. Thậm chí, có hộ sẽ lo toàn bộ việc ăn, uống cho sĩ tử và người nhà.

Tính đến trưa 2/7, đã có gần 20 thí sinh và người nhà được tiếp nhận vào ở chung với các hộ gia đình. Có người ở Thanh Hóa, có người ở Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình… và đều dự thi vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Từ ngày 30/6, nhà Nhung đón tiếp 3 thí sinh đến ở trọ cùng. Hai anh em Cao Bá Đạt và Cao Thị Tú Thanh đến từ Thanh Hóa, còn Nguyễn Văn Tân đến từ Phú Thọ. Tân với Đạt được xếp riêng một phòng, còn Thanh được bố trí ở phòng của Nhung. Không chỉ miễn phí chỗ ở, bố mẹ Nhung còn lo ăn uống cho ba sĩ tử.

“Ở với gia đình thì các cháu vất vả thêm một chút, phải phụ giúp công việc nấu ăn. Hai vợ chồng chúng tôi cũng bận, Nhung thì phải lo đón tiếp sĩ tử ngoài nhà văn hóa”, ông Cao Xuân Trang, bố Nhung chia sẻ.

Bố Nhung kể, năm 2006, khi đưa anh của Nhung đi thi, gặp hai bố con một thí sinh ở Thanh Hóa, qua câu chuyện, ông thấy được sự vất vả của những người ngoại tỉnh khi đưa con lên Thủ đô dự thi. “Dù không có được đầy đủ như nhà người khác, nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng đón tiếp, tiếp sức cho các cháu theo đuổi ước mơ đại học”, ông Trang nói. Cũng theo ông Trang, người trong thôn Nội có truyền thống tương thân tương ái, mà nói ra ngoài, nhiều người không tin đó là sự thật.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Cao Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Sang. Theo chị Sang, nhà chị vẫn có thể tiếp đón được nữa, nếu có thêm, tuy nhiên, chị muốn tiếp đón một cách chu đáo nên ban đầu, sẽ tiếp nhận 2 sĩ tử và người nhà.

“Em với người quen đi tìm phòng trọ ở khu vực này thì gặp các anh chị tình nguyện. Nghe anh chị nói có chỗ trọ miễn phí, ban đầu em không tin. Nhưng vào ở rồi, tiếp xúc và nói chuyện mới biết là sự thật”, Nguyễn Ngọc Sơn (Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai), tâm sự. Mẹ của Sơn, cô Lâm Bích Nga chia sẻ, đến bây giờ vẫn không tin được có những người tốt đến thế. Hai mẹ con Sơn cùng hai mẹ con một thí sinh nữa đang ở nhà chị Sang, được miễn phí hoàn toàn tiền phòng, tiền điện, tiền nước và ăn uống.

Ăn ở miễn phí tại chùa

Ba thí sinh ở trọ ăn cơm cùng gia đình ông Cao Xuân Trang (Hà Nội). Ảnh: Trường Phong
Ba thí sinh ở trọ ăn cơm cùng gia đình ông Cao Xuân Trang (Hà Nội). Ảnh: Trường Phong.

Chiều 3/7, Nguyễn Thị Ngọc Thủy quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc có mặt tại chùa Bằng A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ban đầu Thủy định tìm nơi trọ nhưng nghe các anh chị sinh viên tình nguyện của CLB Mùa hè xanh giới thiệu có chỗ ăn ở miễn phí ở chùa Bằng, lại có người đưa đón miễn phí trong suốt mấy ngày thi ĐH nên Thủy quyết định về đây.

Thủy cho biết: “Năm ngoái, em cũng đã thi ĐH, từng ở trọ nhà dân với mức phí 120.000 đồng/ người/ ngày, 5 – 6 người ở trong một căn phòng chật hẹp, bức bối, tổng chi phí cho ăn ở trong mấy ngày thi khá tốn kém mà điều kiện sinh hoạt kém xa so với những gì mà nhà chùa dành cho sĩ tử”.

Chùa Bằng A tổ chức ăn ở miễn phí cho sĩ tử các nơi về dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ 4 năm nay. Theo thầy Thích Thiện Hoá, người quản lý việc ăn ở của thí sinh tại chùa, nhà chùa có khả năng tiếp nhận khoảng 300 thí sinh và người nhà nhưng hiện nay mới khoảng hơn 40 người đến ở.

Khu vực nghỉ ngơi mà nhà chùa dành cho thí sinh là một toà nhà bốn tầng, có phòng ngủ rộng rãi, thoáng mát, khu vệ sinh sạch sẽ - tiện nghi. Nhà chùa có khu vực ăn uống, khu vực học tập (với đầy đủ bàn ghế) riêng. Sân chùa rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây, có nhiều bàn ghế đá.

Người Sài Gòn hào hiệp đón sĩ tử

Đã bốn năm tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi, gia đình cô Cao Thị Oanh, ở 26/269C Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp vẫn tiếp tục đón gần 100 sĩ tử về ở miễn phí.

Cánh sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi vẫn còn nhớ và nhắc nhau nghĩa cử đẹp của cô Oanh vào kỳ thi năm 2009. Lúc đó, căn nhà cấp 4 của cô đã quá xập xệ, cô bèn thuê luôn căn nhà kế bên để đón được nhiều thí sinh hơn nữa.

Cô Oanh vay tiền ngân hàng sửa sang lại căn nhà. Căn nhà cũ giờ được xây lại thành ngôi nhà ba tầng khang trang rộng rãi. Cô Oanh cho biết, thường ngày cô cho sinh viên thuê những phòng trống. Đến mùa thi, cô chủ động thuyết phục các bạn sinh viên tạm cắt hợp đồng, nhường phòng lại cho các thí sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Năm nay, nhà cô Oanh còn hai căn phòng trống, mỗi căn rộng gần 20 m2. Cô Oanh cho hay, cô sẽ qua ở phòng con gái, nhường thêm một phòng để có thể đón được nhiều thí sinh hơn nữa, chưa kể phần sân thượng và tầng trệt hơn 100 m2 có thể trải chiếu, làm chỗ cho các em ôn thi. Năm ngoái, gần 100 phụ huynh và thí sinh đến ở miễn phí nhà cô Oanh, mỗi bữa cơm chiều phải chia thành hai đợt, mọi người ngồi thành hai hàng trải dài từ trong nhà ra tận đầu ngõ mới đủ chỗ.

Hơn 10 mùa thi qua, gia đình cô Đỗ Thị Thu, đường Bà Hom, quận 6, TPHCM lại lo chỗ ở và cơm nước miễn phí cho các thí sinh nghèo. Tuổi đã cao, vì vậy cô Thu chỉ nhận những thí sinh có phụ huynh đi kèm. “Tôi đã già, có phụ huynh cùng đỡ đần việc cơm nước, dọn dẹp chứ mình tôi làm không xuể”.

Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TPHCM cho biết: “Đến bây giờ, 3.000 sinh viên tình nguyện chương trình Tiếp sức mùa thi 2013 đang trực chiến để tiếp sức thí sinh. Các đội hình tình nguyện đã tư vấn, hỗ trợ cho 136.000 lượt thí sinh, giới thiệu hơn 5.500 chỗ trọ miễn phí, phát gần 30.000 vé xe buýt và 110.000 bản đồ… Nếu có bất cứ khó khăn gì, các bạn có thể gọi trực tiếp đến số máy của tôi 0903.000.457, chúng tôi sẽ có biện pháp giúp đỡ các bạn tốt nhất”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.