Đào tạo thạc sĩ cũng ưu tiên

Đào tạo thạc sĩ cũng ưu tiên
Chính sách ưu tiên cho thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ ngày càng đáng lo ngại khi đã lấn đến bậc thạc sĩ, phá vỡ quy chế do Bộ đặt ra, gây lo âu về chất lượng và nhiều khả năng dẫn đến các biến tướng.

>Học vượt vẫn tốt nghiệp giỏi

Đào tạo thạc sĩ cũng ưu tiên ảnh 1

Ưu đãi từ điểm trúng tuyển

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai chủ trương đào tạo nhân lực trình độ thạc sĩ cho khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ (gọi tắt 3 Tây). Tháng 9 năm nay, có hàng loạt trường ĐH được giao chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ cho 3 khu vực trên, gồm: Sư phạm TP.HCM, Tài chính - Marketing, Nông Lâm TP.HCM, Cần Thơ, Học viện Hành chính... Lĩnh vực ngành nghề đào tạo cũng đa dạng, từ sư phạm, kinh tế, nông lâm ngư nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin... Chỉ tiêu cụ thể cho các khu vực như sau: Tây nguyên: 360, Tây Nam bộ: 450 và Tây Bắc: 330.

Đối tượng tham dự kỳ thi tuyển chương trình thạc sĩ cho các khu vực này được hưởng ưu đãi ngay từ đầu vào, mà trước hết là điểm trúng tuyển. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết do đối tượng này được Bộ giao chỉ tiêu riêng cho các trường nên sẽ có mức điểm chuẩn trúng tuyển riêng. Điểm này có thể thấp hơn, miễn mỗi môn thi không dưới 5 điểm.

Được phép đào tạo ngoài cơ sở?

Không chỉ có mức điểm chuẩn riêng, các trường tham gia đào tạo thạc sĩ cho các khu vực này còn được phép mở lớp học ngoài cơ sở chính.

Theo kế hoạch đào tạo của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lớp cao học cho khu vực Tây Nam bộ sẽ tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ. Tương tự, ĐH Ngân hàng TP.HCM và Tài chính - Marketing cũng dự kiến đặt lớp tại Cần Thơ. Các trường cho biết chỉ mượn cơ sở vật chất để đào tạo còn giảng viên của trường sẽ di chuyển từ TP.HCM xuống Cần Thơ giảng dạy.

Điều này vô hình trung đã đi ngược lại quy chế do chính Bộ này đặt ra và đang được áp dụng. Quy chế đào tạo thạc sĩ ban hành năm 2011 nêu rõ việc giảng dạy trình độ này phải được thực hiện tại cơ sở đào tạo, ngay cả ở phân hiệu của trường cũng phải được Bộ cho phép mới thực hiện. Quy định này nhằm chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ liên kết ngoài cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Bộ đưa ra quy định này là có cơ sở, vì thời gian qua không ít trường còn lơi lỏng trong đào tạo thạc sĩ. Chẳng hạn như trường hợp Bộ cho phép Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp với UNBD tỉnh Cà Mau tổ chức kỳ thi tuyển sinh cao học ngành tài chính công cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Trong số 69 người dự thi chỉ có 12 người trúng tuyển, nhưng tháng 10 vừa qua trường vẫn tổ chức đào tạo chung lớp cho hơn 50 người thi rớt cùng học với người đã trúng tuyển. Bộ yêu cầu trường không được tổ chức giảng dạy chung một lớp cho học viên cao học đã trúng tuyển và những người thi rớt. Cuối cùng UBND tỉnh Cà Mau đề nghị trường tổ chức bồi dưỡng sau ĐH nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ yêu cầu công việc cho các đối tượng chưa trúng tuyển, đồng thời những người này sẽ tiếp tục ôn tập để tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào tháng 3.2014!

Lo ngại chất lượng và lãng phí nhân lực

Tạo điều kiện cho mọi người được học tập là điều nên làm. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người, nhiều trường lợi dụng những kẽ hở để thực hiện những lợi ích riêng khiến chất lượng không được coi trọng. Có khá nhiều trường hiện nay dễ dãi hoặc bỏ ngỏ chất lượng kỳ tuyển sinh đầu vào bậc thạc sĩ. Nay có thêm quy định ưu đãi đào tạo cho khu vực 3 Tây thì trường và cả thí sinh lại càng có cơ hội thực hiện những điều mà trước kia xem là vi phạm. Xã hội gần như đã mất niềm tin vào chất lượng bậc ĐH hệ vừa làm vừa học (tại chức cũ), nếu không khéo điều này rồi cũng xảy ra ở bậc sau đại học.

Ở khía cạnh nhân lực, không ít người làm công tác tuyển sinh băn khoăn liệu việc phân bổ chỉ tiêu có thực sự sát với nhu cầu nhân lực địa phương? Tiến sĩ Đoàn Đỉnh Lam, Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm 2012 trường này được Bộ giao 50 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ cho khu vực Tây nguyên. Tuy nhiên, trường không nhận được danh sách thí sinh dự tuyển của địa phương nào. Chưa kể trong công văn về việc đào tạo nhân lực cho khu vực 3 Tây trong năm 2012, Bộ không quy định ràng buộc người học thạc sĩ phải trở về địa phương làm việc sau khi kết thúc việc học. “Vẫn biết kinh phí đào tạo có thể do người học tự bỏ ra sau khi thỏa thuận với địa phương, nhưng nếu người học có thể không bắt buộc trở về địa phương làm việc thì chính sách ưu đãi tuyển sinh và đào tạo nhân lực cho các khu vực khó khăn sẽ lãng phí và mất giá trị”, một chuyên gia cho biết.

Điều chỉnh lại quy chế?

Ông Bùi Văn Ga cho biết sắp tới Bộ sẽ điều chỉnh lại quy chế đào tạo thạc sĩ với sự phân chia rõ nét giữa đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng và nghiên cứu. Trong đó, thạc sĩ ứng dụng có thể không nhất thiết phải đào tạo hoàn toàn tại cơ sở chính khi cần có môi trường rèn luyện thực tiễn. Tuy nhiên, ông Ga cũng cho biết thêm theo quy định hiện hành việc đào tạo thạc sĩ chưa có sự phân định giữa nghiên cứu và ứng dụng nên các trường vẫn phải đào tạo tại cơ sở chính. Riêng đào tạo thạc sĩ cho khu vực 3 Tây được đào tạo ngoài cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học, vì nếu phải di chuyển quá xa sẽ ảnh hưởng đến quá trình công tác. Tuy nhiên, sau này khi quy chế mới được sửa đổi, dù là đào tạo cho 3 Tây thì chỉ đào tạo thạc sĩ ứng dụng mới được phép ngoài cơ sở chính.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG